Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ ngồi trên 'nóc tủ': Chúng tôi không cần tỉnh mộng

Nhiều chủ doanh nghiệp bảo người trẻ đặt chân xuống mặt đất đi và đừng ảo tưởng về bản thân khi đi xin việc. Chúng tôi không cần tỉnh lại vì đang sống trong cơn ác mộng thực tại.

Hậu tốt nghiệp chính là tiền khủng hoảng việc làm. Ai đó cười chê chúng tôi là không đủ cơm ăn hàng ngày vẫn phải nghỉ việc vì chê ỏng chê eo, yêu sách này nọ. Họ có biết đâu, đằng sau mỗi lần nghỉ việc có cả nước mắt, oan ức, tủi nhục của những sinh viên mới ra trường.

Mọi người luôn nói đến thái độ của nhiều bạn là “không chấp nhận được”, vậy có ai thử xem lại cách đối xử của doanh nghiệp dành cho những sinh viên ra trường như thế nào không?

Tôi sẽ kể cho bạn vài câu chuyện…

Xuống đi, các bạn trẻ đang 'ngồi trên nóc tủ'

Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch Công ty NBN Media - chia sẻ: "Có câu đùa mà giờ ai cũng biết: “Hãy theo đuổi đam mê. Nợ nần sẽ đeo đuổi bạn".

Mới ra trường… không có nghĩa sức lao động là miễn phí

Tôi và những bạn bè cùng thời còn nhớ những lần nộp đơn đi xin việc. Người tuyển dụng nhìn chúng tôi bằng thái độ ơ hờ và coi như không khí. Một anh tuyển dụng lật lật hồ sơ rồi phán: “Mới ra trường hả, chắc chưa có kinh nghiệm”.

Anh ấy hỏi tôi vài câu, thỏa thuận lương với mức rẻ phân nửa so với nội dung quảng cáo tuyển dụng đã ghi - thử việc 3 tháng và chỉ trả 70% số lương. Sau đó, anh ta nói với giọng ban ơn: “Vậy là tốt lắm rồi, tụi em mới ra trường, vô đây anh phải đào tạo. Nhiều nơi còn không trả lương nữa, chứ đừng nói là lương cao hay thấp”.

Tôi lắc đầu không đồng ý, nhưng nhỏ bạn thì ở lại làm. Nó kể, không có bất cứ phúc lợi gì, không bảo hiểm, không hợp đồng lao động và làm cả tỉ việc không tên khác nhau - làm thêm giờ không bao giờ tính thêm tiền ngoài giờ, trong khi những người khác trong phòng đều có, chỉ đơn giản “em là sinh viên mới ra trường”.

Những ngày đó tôi tự hỏi, sao quá trình tuyển dụng chỉ coi hồ sơ, hỏi vài câu là đánh giá được năng lực một người? Muốn lên cấp 2 phải thi chuyển cấp 1, muốn lên cấp 3 cũng thi chuyển cấp 2 và khi muốn lên đại học cũng phải thi tuyển rõ ràng.

Vậy mà khi ra trường, rất ít công ty tuyển dụng tổ chức thi tuyển tìm người đủ tiêu chí, năng lực vào làm việc, trả lương xứng đáng cho họ. Nhà tuyển dụng chỉ nhìn vào tuổi, số năm đi làm, không cần xem xét năng lực ra sao rồi vội kết luận.

Chúng tôi đành chấp nhận quy luật đó, tự bán sức lao động của mình một cách rẻ bèo, hoặc thậm chí là miễn phí để đổi lại một chữ trong tờ hồ sơ xin việc là “kinh nghiệm”.

Hầu hết các doanh nghiệp đều mặc định “mới ra trường thì chả làm được gì”, vậy nên họ sẽ deal mức lương thật thấp, thấp nhất có thể. Sau này khi nhớ lại, tôi không biết sao mình có thể sống nổi với đồng lương ít ỏi đó.

Hãy thành thật với nhau đi, nếu anh là chủ doanh nghiệp, có bao giờ trong đầu anh có suy nghĩ: “Không có tiền thì thuê mấy đứa sinh viên mới ra trường cho rẻ, tụi nó trả bao nhiêu chả chịu làm”. Tôi tin chắc là không ít lần các chủ doanh nghiệp nghĩ vậy.

Rồi chúng tôi bị giam lương, xù lương, những giờ làm việc miệt mài được các anh chủ vi diệu hóa thành “các khóa đào tạo nghề miễn phí”, chỉ đơn giản chúng tôi là “sinh viên mới ra trường”.

Ác mộng của những sinh viên mới ra trường. Ảnh minh họa.

Hãy xem lại mình đi ông chủ

Các anh chị chủ doanh nghiệp lâu lâu chè chén hay phê phán thái độ sinh viên mới ra trường là chảnh choẹ, không biết trời trăng mây gió, ảo tưởng về bản thân… Vậy có khi nào các anh chị chủ doanh nghiệp xem lại cách đối xử của mình?

Tôi nhớ một chị sếp cũ ngày xưa khi mới ra trường, chị luôn nghĩ là “ban ơn” cho tôi để có được công việc với đồng lương rẻ bèo. Ngoài việc làm công việc chuyên môn, tôi còn làm rất nhiều việc không tên khác như đón con của chị, đi đóng tiền điện nước, mua cafe, cơm trưa, lau dọn bàn mỗi ngày, đi siêu thị giùm…

Tôi vẫn cố gắng làm vì lúc đó ngây thơ nghĩ chỉ là giúp đỡ chị ấy, nhưng thực tế chị nghĩ đó là nghĩa vụ của tôi. Rồi một hôm bận nên tôi nói không đi chợ giúp được, thế là sếp đá xéo, nói tôi thiếu lễ độ.

Mỗi ngày tôi đều nghe: “Này thì sinh viên đại học, trường chỉ đào tạo thế này thôi à? Thầy cô ở trường dạy cái giống gì cho em thế mà trình độ không bằng học sinh tiểu học?”, hay nhiều câu thú vị hơn: “Em mua bằng à, hay trường em đào tạo có vấn đề?”.

Tôi cho đó là sự sỉ nhục rất thiếu văn minh, nhưng lại vô cùng phổ biến. Hỏi ra, nhiều bạn bè tôi cũng bị chửi tả tơi như thế.  Tôi ước gì lúc đó chị ấy chỉ tôi sai chỗ nào, thiếu sót chỗ nào, không được chỗ nào rõ ràng về chuyên môn. Chắc chắn tôi sẽ đón nhận thay vì nói những câu hạ bệ người khác một cách mông lung.

Tôi đi làm và là người lao động, bán sức lao động của mình, không phải đi xin. Nhưng dường như có nhiều người giỏi làm kinh doanh, nhưng lại không hiểu vấn đề đối xử như thế nào với người lao động, nên họ tự cho mình có quyền chửi rủa, mạt sát người khác thậm tệ.

Nên dù trong túi không đủ tiền mua ly cafe, hộp cơm, tôi cũng sẽ nghỉ, vì không thể làm việc với những người không tôn trọng mình.

Mà nếu chẳng may là sinh viên mới ra trường và viết đơn nghỉ việc, tôi sẽ dễ bị gắn ngay các mác “sinh viên mới ra trường ảo tưởng, nhảy việc liên tục…”.

Bản mô tả công việc mơ hồ và sự dối trá dai dẳng

Vẫn còn nhớ câu chuyện hồi mới ra trường, ngày ngày chúng tôi đọc báo và tìm việc làm, đọc thật kỹ các phần mô tả công việc, tự suy nghĩ đắn đo rất nhiều mới viết đơn xin việc.

Lúc đó, tôi ngây thơ lắm, khi thỏa thuận lương, tôi nghĩ mình làm 5 phần công việc, lương vậy cũng được. Nhưng bản mô tả công việc doanh nghiệp đưa ra chỉ là tượng trưng, tôi trải qua những ngày làm việc bán sống bán chết, hết thảy việc này đến việc khác.

Tôi còn làm những việc sếp giao bất chấp có đúng như trong hợp đồng lao động hay không, miệt mài cho đến khi ngã bệnh, nằm một xó trong bệnh viện mới chợt nghĩ ra, trời ơi, họ trả 5 đồng để mình làm 5 việc, vậy mà giờ họ bắt mình làm 15 việc vẫn trả 5 đồng…

Và khi trao đổi với ông chủ điều đó, ông tím mặt và nói tôi là không biết tự lượng sức, tự đề cao bản thân, tự ảo tưởng… Tôi im lặng và viết đơn nghỉ việc.

Sau này, chuyện lương bổng từ đầu tôi rất rõ ràng, mạnh dạn và sòng phẳng. Bởi kinh nghiệm từ những năm mới ra trường cho thấy, bạn đừng nên tin vào sự hứa hẹn của ông chủ, họ dối trá bạn đó, không những thế đó là sự dối trá dai dẳng.

Bạn đừng hy vọng những lời họ sẽ thành hiện thực khi họ nói nửa năm sẽ tăng lương, doanh thu công ty tốt sẽ thưởng cao, bạn sẽ có hoa hồng khi đem về hợp đồng, bạn sẽ được tăng lương khi làm thêm giờ. Hãy biến những lời nói ấy bằng văn bản hợp đồng rõ ràng, nếu nó chỉ dừng lại ở lời nói thì bạn mơ đi, họ sẽ quên sau 30 giây và chỉ mỗi một mình bạn nhớ.

Vậy nên nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn hứa hẹn lương bổng mà không thực hiện được, bạn mô tả công việc một đằng nhưng bắt người ta làm việc gấp nhiều lần và trả lương rẻ bèo thì đừng quay lại trách vì sao nhân viên bạn nghỉ việc.

Đừng lên án mấy bạn trẻ, mấy bạn sinh viên mới ra trường ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Đơn giản ai cũng cần được tôn trọng, cần được thực hiện lời hứa, cần được đối xử công bằng, dù họ có là “sinh viên mới ra trường”.

Người trẻ 'cành cao' do hội chứng siêu nhân từ bé

Đó là ý kiến của nhiều bạn trẻ đang trong quá trình học tập, rèn luyện bàn luận sau bài viết "Xuống đi, các bạn trẻ đang ngồi trên nóc tủ" của ông Nguyễn Bá Ngọc.

Kim Tuyến

Cựu sinh viên Đại học KHXN&NV TP HCM

Bạn có thể quan tâm