Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi Viện Seoul, tổ chức tư vấn trực thuộc chính quyền Seoul, 53% trong số 676 công dân thủ đô tuổi từ 18 đến 34 nói rằng họ không thể mua nhà nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ. Mức trung bình trên toàn quốc là 46%, theo Korea Herald.
44% đối tượng khảo sát cho biết họ hoàn toàn dựa dẫm vào cha mẹ khi mua nhà hoặc trả tiền jeonse (hình thức cho mướn nhà mà người thuê phải đặt cọc tiền 2 năm thay vì trả theo tháng). Con số này ở mức 34,3% đối với thanh niên cả nước.
Những người trẻ tuổi ở Seoul dường như có cái nhìn ảm đạm hơn trong việc mua nhà so với thanh niên ở các vùng khác tại xứ sở kim chi.
Khoảng 15% người được hỏi nói rằng họ từ bỏ việc mua nhà riêng, trong khi chỉ có 10,9% đối tượng khảo sát trên toàn quốc có câu trả lời tương tự.
Có 4,5% người trẻ tuổi ở Seoul sở hữu căn hộ riêng, so với mức trung bình trên cả nước là 7,8%.
Nhiều người trẻ ở Seoul không đủ khả năng tự mua nhà. Ảnh: Ahn Young-joon/AP. |
Năm 2020, giá căn hộ ở Seoul lần đầu tiên vượt mức 12 triệu won/m2 (11.000 USD), tăng 74% kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức vào 2017.
Giá trung bình cho mỗi m2 của căn hộ ở thủ đô Hàn Quốc là 12,21 triệu won (11.120 USD), theo số liệu được ngân hàng KB Kookmin công bố cuối tháng 12 năm ngoái.
Năm 2018, thu nhập khả dụng hàng tháng trung bình (đã trừ thuế và phí an sinh xã hội) của các hộ gia đình dưới 39 tuổi là 3.615 triệu won (3.292 USD). Trong khi đó, tính đến tháng 6/2018, giá của căn hộ bình dân ở Seoul là 664 triệu won (604.573 USD).
Điều này có nghĩa các cặp vợ chồng 20-30 tuổi phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập trong tối thiểu 15,3 năm để mua căn hộ thuộc loại trung bình ở Seoul.
Tháng 7/2020, Hàn Quốc ra Đạo luật kiểm soát tiền thuê nhà nhằm đảm bảo gia hạn thêm 2 năm hợp đồng cho người thuê và giới hạn mức tăng chi phí jeonse của chủ sở hữu. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, giá thuê nhà vẫn tăng cao.
Giá thuê căn hộ trung bình tính đến cuối tháng 6 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc.