Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone đề cập đến xu hướng FIRE - Financial Independence, Retire Early (tạm dịch: Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm) của giới trẻ Trung Quốc, khi ngày càng nhiều người cố gắng kiếm tiền, tiết kiệm trong một khoảng thời gian để có lượng tài sản nhất định, sớm được nghỉ hưu.
Mắc kẹt do lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 suốt mùa xuân, Thea Tang (27 tuổi) đã thiết lập lại loạt mục tiêu sống mới. Danh sách này rất ngắn và cụ thể: Kiếm 2 triệu nhân dân tệ (280.000 USD), mua 2 ngôi nhà và nghỉ hưu ở tuổi 35.
Cô gái sống ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) suy nghĩ đến chuyện bỏ việc nhiều năm nay. Từ khi tốt nghiệp năm 2014, cô dành phần lớn thời gian làm việc trong ngành bất động sản khốc liệt ở Trung Quốc - một nghề nghiệp mang lại cho cô mức lương xứng đáng nhưng cũng có không ít áp lực.
“Tôi đã làm việc theo lịch ‘996’ hay thậm chí ‘007’ (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần hoặc 24/7). Tôi biết mình không hề muốn vậy”, Thea nói.
Đại dịch Covid-19 đã giúp Thea có thêm quyết tâm, khiến cô nhận ra đã đến lúc nên đi theo tiếng nói trong lòng mình. Sau khi sếp của cô - một nhà phát triển bất động sản người Malaysia - bắt đầu sa thải nhân viên vào tháng 4, cô quyết định “đã đến lúc phải hành động”.
“Dịch bệnh đã khiến nhiều người có sự thay đổi. Tôi nhận ra rằng đã đến lúc phải lập kế hoạch cho tương lai của mình. Mọi người phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng khác tương tự”, cô cho biết.
Nghỉ hưu trong vòng 8 năm tới nghe có vẻ tham vọng nhưng Thea tin rằng cô có thể đạt được điều đó bằng cách cắt giảm chi tiêu. Tín đồ mua sắm thú nhận cô từng chi đến 2.000 nhân dân tệ (280 USD) để mua quần áo mỗi tháng và giờ cô sẽ giảm con số đó xuống còn 0.
“Tôi mới đếm 1/3 số quần áo trong tủ và nhận ra có quá nhiều quần áo, đủ để tôi có thể mặc mỗi ngày một bộ khác nhau trong 1 tháng. Điều đó khá đáng sợ”, Thea nói.
Cô cũng hạn chế ăn ngoài hay mua các thiết bị điện tử mới trừ khi cái cũ bị hỏng hoàn toàn. Nhìn chung, Thea đặt mục tiêu tiết kiệm 75% tiền lương mỗi tháng, cho phép cô gom được tiền nhanh chóng và sống dựa vào các khoản tiền lãi.
“Với lãi suất 4%, tôi sẽ nhận được 80.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 11.000 USD) tiền lãi. Số tiền này có thể không đảm bảo tôi có cuộc sống nghỉ hưu đầy đủ nhưng ít nhất sẽ giúp tôi không còn phải quá lo lắng về tiền bạc hay phải làm những công việc không thích”, Thea cho biết.
Thea là một trong những người Trung Quốc đang thực hiện FIRE - chiến lược tài chính cá nhân lập ra bởi Peter Adeney - blogger người Canada, còn được biết tới với tên gọi “Mr. Money Mustache”.
Khổ trước, sướng sau
FIRE, viết tắt của “Financial Independence, Retire Early” (tạm dịch: Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm) là khái niệm bắt nguồn từ cuốn sách bán chạy nhất năm 1992 tại Mỹ Your Money or Your Life (tạm dịch: Tiền của bạn hay Cuộc sống của bạn) của Vicki Robin và Joe Dominguez.
Cuốn sách kêu gọi độc giả suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với công việc và tiền bạc, lập luận rằng chi tiêu ít thì sẽ cần làm việc ít hơn, giúp duy trì “năng lượng cuộc sống” của mỗi người.
Những người sùng bái FIRE ngày nay còn nhằm mục đích tích lũy đủ tài sản - thường thông qua một chiến thuật cực kỳ tiết kiệm - để kiếm thu nhập thụ động, cho phép họ nghỉ hưu sớm hơn nhiều năm so với thông thường. Phong trào này trở nên phổ biến ở phương Tây những năm gần đây, trong đó blogger Peter đã kiếm được hơn 400.000 USD từ trang web của mình vào năm 2018.
Nhiều người trẻ Trung Quốc mệt mỏi với lịch làm việc "996" hoặc "007". |
Hiện nay, nhiều người Trung Quốc cũng đang bắt nhịp với FIRE. Một số người bắt đầu dịch các bài báo về FIRE từ tiếng Anh sang tiếng Trung Quốc rồi chia sẻ trên mạng. Thea cũng lần đầu nghe về FIRE vào năm 2018 trong một bài đăng như vậy.
Đại dịch Covid-19 đang góp phần thổi bùng phong trào này. Giống như suy nghĩ của nhiều người phương Tây trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc suy thoái kinh tế năm nay đang khiến nhiều thanh niên đất nước tỷ dân suy nghĩ lại về thói quen tiêu dùng của mình và hướng tới một lối sống khác thay thế.
Dù mới xuất hiện gần đây, một số cộng đồng FIRE trực tuyến đã thu hút tới 8.000 thành viên chỉ trong vài tuần. Các thành viên chia sẻ những mục tiêu tài chính của họ, trao đổi mẹo và kiến thức hiểu biết từ “Mr. Money Mustache”.
Theo cách nào đó, FIRE đã xuất hiện như một phần mở rộng của văn hóa làm việc tại Trung Quốc hiện đại, nơi 80% lao động đang cảm thấy mình làm việc quá sức và ngày càng nhiều người trẻ đấu tranh chống lại lịch làm việc vô lý.
Riesling Li, một blogger về tài chính cá nhân sống tại Hàng Châu, nhận xét FIRE đặc biệt hấp dẫn đối với các nhân viên công nghệ ở Trung Quốc - những người có mức lương cao nhưng thường phải chịu lịch trình làm việc mệt mỏi.
“Phong trào FIRE cũng là một tác dụng phụ của văn hóa '996' và shachiku - văn hóa làm việc quá sức, phổ biến ở Trung Quốc và Nhật Bản. Những người trẻ tuổi nghĩ rằng họ có thể tích lũy tiền trong một thời gian ngắn để dành duy trì cuộc sống tương lai của họ”, Riesling nói.
Đối với Wang Siying, nghỉ hưu sớm còn là cách để cô tận hưởng cuộc sống trước khi quá muộn. Cô gái gốc Thượng Hải 37 tuổi được chẩn đoán bị huyết áp cao vào năm ngoái, khiến cô càng quyết tâm theo đuổi FIRE. Wang cho biết cô sẽ không giống như mẹ mình - người bị đột quỵ ở tuổi 50.
“Tôi muốn được bay nhảy. Tôi muốn nghỉ hưu sớm hơn để có thời gian cho bản thân. Tôi không muốn cuộc sống chỉ mãi xoay quanh công việc”, Wang bày tỏ.
Wang sở hữu một nhà hàng, một quán cà phê, một nhà nghỉ và một cửa hàng vải ở Thượng Hải và Hàng Châu. Dù bị ảnh hưởng không nhỏ do Covid-19, điều đó chỉ khiến cô càng thêm quyết tâm với FIRE.
“Tôi đã đóng cửa một số cửa hàng của mình. Tôi sẽ phải nghỉ ngơi sớm, nếu không làm luôn, tôi sẽ không bao giờ thực hiện được điều đó”, cô nói.
Wang muốn tiết kiệm được 2 triệu nhân dân tệ (280.000 USD) trước năm 40 tuổi, số tiền theo cô là đủ để bản thân tự do quyết định có làm việc hay không trong suốt phần đời còn lại.
Thực tế không đơn giản như "kế hoạch"
Trong bối cảnh FIRE đang thu hút sự chú ý ở Trung Quốc, nhiều người lo ngại những người nghỉ hưu sớm có thể gặp phải các rủi ro tài chính.
Ở phương Tây, những người hoài nghi về FIRE từ lâu đã lập luận bằng “quy tắc 4%” - cho rằng một người cần phải tiết kiệm gấp 25 lần chi tiêu hàng năm trước khi nghỉ hưu - là một khái niệm thiếu sót, đặc biệt đối với thế hệ Millennials, những người có thể sống thêm đến 50 năm sau khi quyết định nghỉ hưu.
Trung Quốc với mạng lưới an toàn xã hội cơ bản, thị trường hỗn loạn và chi phí sinh hoạt tăng nhanh cũng sẽ là nơi đầy rủi ro khi quyết định theo đuổi FIRE.
“Chỉ cần một lần ốm nặng cũng đủ khiến bạn tiêu hết một nửa tiền tiết kiệm”, Riesling nhận định.
Mức sinh hoạt phí tăng nhanh ở Trung Quốc khiến người theo đuổi FIRE gặp nhiều rủi ro. |
Gia đình Riesling cũng tranh luận rất nhiều về FIRE. Trong khi chồng cô, làm việc tại một công ty công nghệ lớn, muốn tiết kiệm tiền rồi nghỉ hưu càng sớm càng tốt còn Riesling cho rằng chỉ dựa vào thu nhập thụ động là không đủ.
Theo Riesling, những năm gần đây, lạm phát ngày càng tăng và lãi suất ở Trung Quốc ngày càng giảm. Chưa kể hai vợ chồng có thể có con trong tương lai và họ vẫn đang trả tiền thế chấp nhà ở Hàng Châu.
Cặp vợ chồng cuối cùng đồng ý thỏa hiệp. Trong 2 năm, họ sẽ bán nhà ở Hàng Châu và chuyển đến Thành Đô, nơi giá bất động sản và chi phí sinh hoạt thấp hơn, giúp làm giảm áp lực tài chính.
Trong khi đó, Thea vẫn đang theo đuổi kế hoạch của mình. 3 tháng qua, cô đã không mua bộ quần áo nào dù cả trong ngày lễ mua sắm lớn mới diễn ra.
Thea cho biết khoản tiền tiết kiệm sẽ để mua một ngôi nhà ở Malaysia - nơi giá bất động sản thấp hơn 5 lần so với các thành phố lớn ở Trung Quốc - và một ngôi nhà khác ở quê của cô ở tỉnh Vân Nam. Khi hoàn thành FIRE, cô sẽ dành thời gian học lên thạc sĩ, học piano hoặc mở một cửa hàng bán đồ thủ công.
Còn Wang cũng đang tiếp tục kế hoạch của mình.
“Lo lắng không thể thay đổi bất cứ điều gì. Tôi giống như một hạt cỏ dại có thể nảy mầm ở bất cứ đâu. Nếu gặp rắc rối, cùng lắm là tôi quay trở lại làm việc”, cô nói.