Người trẻ thích lên nóc nhà chọc trời sống ảo phải 'trả giá' thế nào?
Chủ nhật, 27/5/2018 09:49 (GMT+7)
09:49 27/5/2018
Chỉ vì đổi lấy những lượt yêu thích, lời tung hô và danh tiếng ảo trên mạng xã hội mà không ít bạn trẻ mạo hiểm tính mạng của mình để lao theo trào lưu chết người "rooftopping".
Trước khi đến Việt Nam, trào lưu "chụp ảnh nóc nhà" (còn gọi là rooftopping) vốn khá nổi tiếng trong giới trẻ ưa mạo hiểm độ cao ở nước ngoài. Nó xuất hiện ở những nơi có nhiều cao ốc mọc lên như Dubai, London (Anh) hay Thượng Hải (Trung Quốc).
Những cái tên như "Dế" Oleg Sherstyachenko (27 tuổi), Angela Nikolau (25 tuổi) hay Harry Gallagher (20 tuổi) nổi tiếng trong cộng đồng "rooftopping" nhờ các bức hình, video quay trên nóc nhà chọc trời.
Nóc nhà cao tầng hay đỉnh tháp là những nơi dân thường không được phép lui tới. Bởi vậy, các "rooftopper" thường phải đột nhập trái phép bằng cách qua mặt lực lượng an ninh để tiến hành "tác nghiệp".
Vì thực hiện những hành động không phải ai cũng dám làm nên các bức ảnh, video như vậy luôn nhận được lượng tương tác cao trên mạng xã hội. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ không ngại mạo hiểm tính mạng để được tung hô.
Cũng bởi sự coi thường tính mạng và vi phạm an ninh các công trình, không ít bạn trẻ phải hứng chịu những chỉ trích từ xã hội vì hành động của mình.
Vì là hành vi đột nhập trái phép, các "rooftopper" luôn phải nơm nớp lo sợ bị lực lượng chức năng phát hiện và đối diện nhiều mức xử lý.
Tháng 3/2016, sau khi xâm phạm tòa cao ốc ở Lowestoft (Anh), 3 thanh niên Matthew Adams, Daniel Batchelor, Javier Centeno-Gomez cùng một thiếu niên 17 tuổi bị buộc tội đe dọa trật tự công cộng. Họ chịu phạt 100 bảng Anh và bị cấm trèo lên các tòa nhà cao tầng trong vòng 2 năm. Sau đó 8 tháng, "Dế" Oleg Sherstyachenko nổi tiếng cũng bị phạt 5.000 USD vì tội đột nhập trái phép.
Đặc biệt, cái chết đầy ám ảnh của "Spider Man" Trung Quốc Ngô Vịnh Ninh khi rơi từ tầng 62 của một trung tâm thương mại tại tỉnh Hồ Nam vào tháng 11/2017 khiến dư luận thế giới không khỏi bàng hoàng.
Cái chết của Ngô Vịnh Ninh cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều bạn trẻ có ý định đua theo các trào lưu nguy hiểm để được nổi tiếng. Bởi chỉ cần một lần sảy chân trên con đường chinh phục các nóc nhà chọc trời cũng là lúc họ phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.
Hầu hết người nhận lời phỏng vấn Zing.vn đều nhầm lẫn giữa "rooftopping" và "parkour". Họ không dám trải nghiệm thú chơi mạo hiểm trên nóc nhà chọc trời như giới trẻ thế giới.
Bất chấp lời cảnh báo từ chuyên gia, nỗ lực ngăn chặn từ cơ quan chức năng và những cái chết trông thấy, số người tham gia trào lưu "rooftopping" vẫn không ngừng tăng lên.
Phản ứng chung của độc giả thế giới và Việt Nam về trào lưu "rooftopping" là sợ hãi, muốn ngăn chặn, cũng như khẳng định không dại mạo hiểm mạng sống để tham gia.