Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ thiếu suy nghĩ khi tìm niềm vui trên nỗi đau thể xác

Dù các chuyên gia liên tục cảnh báo, một bộ phận người trẻ vẫn bất chấp nguy hiểm, hùa theo các xu hướng chỉ nghe tên đã thấy ngớ ngẩn để thể hiện bản thân.

Trào lưu tẩy da đến bật máu có đáng để tham gia? Vết thương tứa máu, sẹo vĩnh viễn hay nguy cơ nhiễm trùng da là những hậu quả giới trẻ có thể phải hứng chịu khi tham gia "Eraser Challenge".

Sau hơn một năm chìm vào quên lãng, thử thách Eraser Challenge (hay The ABC Game) hiện hot trở lại, làm dấy lên mối lo ngại cho các bậc phụ huynh trên thế giới.

Thể hiện mình theo cách dại dột

Đúng như tên gọi, người tham gia (thường từ hai cá nhân trở lên) được khuyến khích dùng cục tẩy bút chì chà xát thật mạnh vào da khi đang đọc bảng chữ cái, đếm dãy số hay bấm đồng hồ tính giây.

Tới mốc thời gian đã quy định, họ phân định thắng thua bằng kích thước vết thương và mức độ tổn hại trên da.

Giới trẻ còn cho ra đời biến tấu nguy hiểm hơn khi kết hợp trào lưu này với thử thách xát muối vào da, rồi để đá lên trên. Sự kết hợp thảm họa làm giảm nhiệt độ của đá xuống cực độ (-17 độ C) gây bỏng da.

Tuy nhiên, với nhiều bạn trẻ, những vệt ửng đỏ, xây xát hay thậm chí vết thương tứa máu trên da sau đó chính là "chiến tích" của lòng dũng cảm. Thực tế, đó chỉ là hậu quả từ sự cứng đầu, bồng bột.

TS Wendy Sue Swanson - bác sĩ nhi khoa ở thành phố Seattle (Mỹ), chủ blog Seattle Mama Doc - chia sẻ với tờ Today rằng việc giới trẻ hào hứng tham gia thử thách xuất phát từ bản năng ở lứa tuổi luôn muốn gây sự chú ý và thể hiện mình.

"Các em không ý thức được hậu quả da rất dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập", nữ chuyên gia nói.

TS khuyên người chơi xử lý vết thương nhỏ bằng cách rửa xà bông và nước ấm, rồi đắp thuốc kháng sinh. Nếu da rát đỏ hoặc chảy dịch vàng, họ nên lập tức tới gặp bác sĩ để kiểm tra.

trao luu nguy hiem cua gioi tre anh 1
Nhiều bạn trẻ hiện không ngại dùng tẩy bút chì chà xát da đến bật máu để chứng tỏ mình dũng cảm.

Bà Angela Mattke - bác sĩ y khoa tại Trung tâm Sức khỏe vị thành niên và Nhi khoa Cộng đồng thuộc Tổ chức y tế Mayo Clinic (thành phố Rochester, Mỹ) - cũng cảnh báo nguy cơ tổn thương da khi tham gia thử thách.

"Các bạn trẻ có thể bị nhiễm trùng và cần thuốc kháng sinh. Thậm chí, vết thương nghiêm trọng còn biến tướng và đe dọa tới mạng sống", nữ bác sĩ cho biết.

Tờ Today đưa tin một thiếu niên 13 tuổi - học sinh trường trung học Chico ở thành phố Chico, bang California - suýt mất mạng sau khi tham gia thử thách vào năm 2015. Một người bạn của nạn nhân chia sẻ tại Facebook rằng cậu mắc hội chứng sốc nhiễm độc do mầm bệnh từ cục tẩy bút chì dùng để chà xát trên tay mình.

Một phụ huynh người Mỹ bày tỏ trên kênh radio WCBC của NBC News rằng thử thách Eraser Challenge có cơ hội lan truyền trên mạng do nhiều cha mẹ không giám sát việc truy cập Internet của con.

Nhiều trường học ở Mỹ cũng cảnh báo các bậc phụ huynh mẹ nên để mắt tới con em mình sau khi trào lưu này bùng nổ trở lại.

Về phía các bạn trẻ, không ít người sau khi làm tổn hại bản thân đã đăng ảnh băng bó vết thương trên da kèm hashtag #Regret (hối hận) và khuyên mọi người không nên tham gia trào lưu vô bổ này.

Có đáng mất mạng vì thử thách không giống ai?

Giống trào lưu tẩy da, nhiều xu hướng không mang lại lợi ích gì, song vẫn có sức hút kỳ lạ với rất nhiều thanh thiếu niên.

Đầu tháng 7/2015, giới trẻ Mỹ rộ trào lưu cháy nắng nghệ thuật với hashtag #sunburnart tại mạng xã hội. Theo đó, nhiều người chỉ bôi kem chống nắng theo hình dạng khác nhau để tạo thành các "hình xăm" độc đáo trên da.

Xu hướng này nhanh chóng nhận được làn sóng phản đối dữ dội. Dân mạng cho rằng việc bôi kem chống nắng có thể ngăn ngừa ung thư và lão hóa sớm. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ lại lãng phí nó chỉ để hùa theo trào lưu nhất thời mà không lường tới hậu quả.

trao luu nguy hiem cua gioi tre anh 2
Một bộ phận giới trẻ không ngại đứng hàng giờ dưới ánh nắng gay gắt để có các "hình xăm" nổi bật trên da. Ảnh: Fox59.

Các chuyên gia liên tục cảnh báo việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời mà không có gì bảo vệ có thể dẫn đến lão hóa và ung thư da.

TS Berney Kenet - bác sĩ da liễu ở New York, Mỹ - cho biết: "Cháy nắng chỉ mang lại tàn nhang, nếp nhăn và gây ung thư da dạng khối u ác tính. Cháy nắng nghệ thuật nguy hiểm hơn tắm nắng bình thường, bởi mọi người ở lại ngoài trời nắng gay gắt lâu hơn để những 'hình xăm' nổi bật hơn".

Theo Daily Mail, mỗi năm có khoảng 73.000 trường hợp mắc ung thư da xuất phát từ u ác tính. Cháy nắng là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này.

Nỗi ám ảnh mang tên Fire Challenge (thử thách tự thiêu) từng khiến một nam sinh 15 tuổi người Mỹ tử vong vào năm 2014, theo The Sun. Trước đó, chàng trai đổ chất dễ bắt cháy lên cơ thể và tự châm lửa biến mình thành "ngọn đuốc sống".

Hàng nghìn đoạn video ghi lại cảnh tương tự được tải lên YouTube, Facebook của nhiều bạn trẻ. Tất cả đều kết thúc trong tiếng la hét hoảng loạn từ người tham gia, cũng như "khán giả" có mặt tại đó.

Bỏng từ nhẹ đến nặng, thậm chí phải phẫu thuật ghép da, hay mất mạng là hậu quả khó tránh khỏi với những người này.

"Tôi không thể lý giải sự liều lĩnh của con trai mình tới từ đâu. Trước đó, con chưa bao giờ gây rắc rối. Tôi có nghe về việc học sinh, sinh viên tự thiêu mình và quay clip để đổi lấy sự tung hô trên mạng, song không ngờ con trai mình cũng trở thành nạn nhân", chị Sarah Sharp - mẹ cậu bé 11 tuổi bị bỏng 40 %, phải ghép da sau khi tham gia Fire Challenge - tâm sự.

trao luu nguy hiem cua gioi tre anh 3
Chàng trai người Mỹ biến mình thành "ngọn đuốc sống" khi tham gia trào lưu tự thiêu nguy hiểm.

 

Sau khi tiếp nhận quá nhiều ca bị bỏng, các đội cứu hộ khẩn cấp trên toàn nước Anh cảnh báo cha mẹ nên tác động để con em mình nhận thức được hiểm họa rình rập khi tham gia trào lưu tự thiêu.

"Hành động liều lĩnh này không chỉ gây nguy hiểm cho những người tham gia mà còn đe dọa sự an toàn của mọi người xung quanh, nếu như lửa cháy lan sang các thứ khác", đại diện Đội cứu hộ và chữa cháy hạt Humberside nhận định.

Nhiều người lắc đầu ngán ngẩm khi một bộ phận giới trẻ bất chấp tất cả để a dua, hùa theo các xu hướng tiêu cực, nghe tên đã thấy ngớ ngẩn như trò chơi nghẹt thở (Choking Game), đổ Vodka vào mắt (Vodlka Eyeballing), đội bao cao su lên đầu (Condom Challenge), ăn xương rồng (Castus Challenge).

Chỉ cần nghe hai từ "trào lưu" và thấy nhiều người trải nghiệm, họ làm theo bản năng thích thể hiện mà không xét tới các yếu tố tích cực hay tiêu cực, ý nghĩa hay vô bổ, bổ ích hay nguy hiểm.

TS tâm lý học người Mỹ - Harry Stratyner - nhận định "ma lực" từ các trào lưu nguy hại đều xuất phát từ tâm lý muốn được nhiều người chú ý, tung hô, song đôi khi mọi chuyện lại kết thúc trong bi kịch.

Ông cho rằng đó là lối sống lệch lạc và hy vọng giới trẻ thể hiện sự nghiêm túc, có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.

Các trào lưu nguy hiểm của giới trẻ thế giới Đổ vodka vào mắt, ăn xương rồng, tự thiêu hay thử cảm giác súng điện là những xu hướng rất nguy hiểm, song lại có sức hấp dẫn kỳ lạ với nhiều bạn trẻ.

Nhiều bạn trẻ chấp nhận nợ ngập đầu để đi du lịch khắp thế giới

Phần lớn người trẻ Australia cho rằng nên đầu tư cho các chuyến xê dịch khắp thế giới, thay vì chỉ nghĩ tới chuyện kiếm tiền mua nhà.

Thu Thảo

Bạn có thể quan tâm