"Nhằm thực hiện quy định phòng chống Covid-19, cửa hàng xin chỉ phục vụ khách mua mang về".
Dòng thông báo được dán trước cửa tiệm cà phê quen vào ngày 28/5 khiến Trâm An (25 tuổi, TP.HCM) có chút thất vọng.
Vốn làm freelancer trong lĩnh vực thiết kế, cô thường "cắm rễ" ở đây 4-5 lần/tuần để làm việc.
Trước đó, cô từng thở phào nhẹ nhõm khi UBND thành phố chỉ yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán cà phê hạn chế số lượng khách dùng tại chỗ, khuyến khích bán mang đi để phòng dịch.
Các cửa tiệm cà phê trên địa bàn TP.HCM chỉ được phép bán mang về nhằm phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu, Quỳnh Danh. |
"Mình tự nhủ rằng việc quán hạn chế lượng khách ra, vào còn tốt hơn đóng cửa hoàn toàn. Ít nhất, mình vẫn có thể nhắn tin nhờ giữ bàn hoặc xác nhận số khách trước khi đến", An kể với Zing.
Không còn được ra quán cà phê làm việc, nữ freelancer khá lo lắng, không biết sẽ làm việc ở nhà thế nào trong những ngày tới.
Trâm An không phải người trẻ duy nhất băn khoăn khi mất đi nơi làm việc quen thuộc. Nhiều người cố gắng làm quen với tác phong công tác ở nhà, số khác lại coi đây là dịp thay đổi môi trường.
'Biết sao được, dịch bệnh mà'
Vài năm gần đây, xu hướng tới quán cà phê để học tập, xử lý công việc ngày càng phổ biến. Không chỉ là không gian để thưởng thức đồ uống, gặp gỡ bạn bè, các địa điểm này còn trở thành nơi làm việc của một bộ phận giới trẻ.
"Nhà khá đông người nên mình sống chung phòng với bà và em gái. Lúc thiết kế sản phẩm, chạy deadline, mình muốn ra quán cà phê ngồi cho tập trung, thoải mái hơn", An giải thích.
Ngoài ra, không gian được thiết kế độc đáo, đa dạng phong cách ở các cửa tiệm cũng giúp cô dễ tìm cảm hứng, có động lực làm việc hơn.
Không chỉ là nơi thưởng thức đồ uống, tụ tập bạn bè, các quán cà phê còn được nhiều bạn trẻ lựa chọn làm "nơi làm việc" thường xuyên. Ảnh: Phú Quí, Hồng Anh. |
Giờ, khi tất cả địa điểm quen thuộc đều đóng cửa nhằm phòng dịch Covid-19, An cho biết cô gặp nhiều khó khăn do phải chia sẻ không gian làm việc với người thân, dễ bị phân tâm hơn.
Phương Thảo (20 tuổi, TP.HCM) cũng thường chọn quán cà phê làm nơi học nhóm cùng bạn bè. Cứ cách 1-2 hôm, cô bạn lại ra "quán ruột" gần nhà để tìm cảm hứng làm việc.
"Internet trên phòng mình khá yếu, không gian lại nhỏ nên mình khá thích ra quán ngồi. Ở đó có không gian đẹp, đồ uống ngon, wifi lại tốt nên chạy deadline trên trường cũng nhanh hơn".
Cô nói thêm rằng việc ra ngoài học bài, chạy deadline cũng tạo cảm giác tách bạch giữa chốn làm việc và nơi nghỉ ngơi.
Chia sẻ với Zing, nữ sinh này cho biết cô dành khoảng 1/3 thu nhập hàng tháng từ công việc làm thêm vào hạng mục đi cà phê làm việc. Thảo cảm thấy khoản tiền này không quá lớn, có tác dụng thực tế nên không tiếc nuối gì.
"Giờ, quán xá, thư viện đều đóng cửa. Cá nhân mình thấy khó tập trung khi học ở nhà, đôi khi đang vào guồng làm việc thì lại vướng việc nọ, việc kia. Nhưng biết sao được, dịch bệnh mà", Phương Thảo nói.
Tự cải tạo không gian làm việc ở nhà
Khoảng 1-2 lần/tuần, Mẫn Linh (23 tuổi), phóng viên, sẽ tới quán cà phê để làm việc trong 2-3 tiếng. Ngoài tòa soạn, cô thích được viết lách, tìm cảm hứng và đề tài cho bài viết ở các không gian độc đáo, yên tĩnh.
"Với mình, khung cảnh có tính thẩm mỹ cao giúp ích rất nhiều trong quá trình sáng tạo. Ngoài ra, nhìn mọi người chăm chú gõ máy tính, viết lách, thỉnh thoảng có tiếng người xì xào nhỏ to cũng làm mình có tinh thần làm việc hơn", cô chia sẻ.
Trước dịch, Mẫn Linh dành 1-2 lần mỗi tuần để ra quán cà phê làm việc, tìm cảm hứng. Ảnh: NVCC. |
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các quán cà phê trên địa bàn Hà Nội cũng ngừng cho khách ngồi lại, chỉ nhận bán mang đi. Kể từ đó, Mẫn Linh chuyển sang làm việc ở nhà phần lớn thời gian.
Dù khá buồn vì không còn dịp thay đổi môi trường làm việc từ văn phòng ra quán xá, Linh cho biết đây là việc làm cần thiết trước tình hình hiện tại. Vì thế, cô đã dành thời gian sắp xếp góc làm việc gọn gàng, tinh tế, với mong muốn tự tạo không gian lý tưởng ở nhà.
"May mắn mình có phòng riêng rộng rãi, nhiều ánh sáng nên chỉ cần bố trí một chút là được. Đôi lúc cũng mất tập trung vì việc nhà và 'sức hấp dẫn' từ chiếc giường yêu quý, nhưng mọi thứ vẫn ổn cả", Linh cười, nói.
Long Hải tự cải tạo không gian phòng ngủ, bàn học để tăng tính thẩm mỹ, giúp tăng hiệu suất và có động lực làm việc hơn trong thời gian tới. Ảnh: NVCC. |
Còn với Long Hải, nhân viên văn phòng 23 tuổi, việc không thể ngồi cà phê tán gẫu, làm việc trong những ngày tới không khiến anh thấy phiền lòng. Trái lại, anh coi đây là cơ hội để thay đổi lối sinh hoạt và tiết kiệm tiền.
"Dịch bệnh căng thẳng, ngồi cà phê đông người cũng không an toàn lắm. Mình thấy công tác ở nhà cũng tốt, tiết kiệm được một khoản 'kha khá' mỗi tháng", anh nói.
Kể từ đợt dịch trước, Long Hải bắt đầu quan tâm hơn tới việc tạo dựng không gian sống, làm việc lý tưởng ngay tại nhà. Tận dụng khoảng thời gian nghỉ dài, anh tự thiết kế lại phòng ngủ, mua nội thất, đồ dùng cần thiết cho việc cải tạo.
"Nhờ vậy mà mình có một không gian riêng ưng ý để có thể cảm thấy thoải mái, yên tĩnh ngay trong nhà. Mình vừa có thể làm việc, vừa nghỉ ngơi, tránh dịch an toàn và không tốn tiền", anh kể.