Tranh thủ ngày cuối cùng ở Hà Nội trước khi lên đường về quê, Linh (24 tuổi, quận Long Biên) và Mai (25 tuổi, quận Đống Đa) liền đến trung tâm thương mại sắm Tết.
Đôi bạn dành 2 tiếng ghé thăm từng gian hàng, chọn quà cho bản thân và gia đình.
"Chúng tôi vừa được nghỉ lễ, sẽ lên xe về quê vào ngày mai. Trước đó, cả 2 không thể đi dạo phố, mua sắm vì công việc bận rộn", Linh kể.
Linh (áo đen) và Mai tranh thủ đi mua sắm trước khi về quê ăn Tết. |
Năm nay, họ định chi dưới 10 triệu đồng cho khoản mua sắm cá nhân, thấp hơn so với mọi năm một chút, vì muốn tiết kiệm và lo Tết cho người thân.
"Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của chúng tôi trong năm qua. Cả 2 đều muốn tìm những món đồ có mức giá hợp lý, giảm chi tiêu một chút để vừa tiết kiệm, vừa 'nuông chiều' bản thân", Mai nói với Zing.
Giống như Mai và Linh, nhiều bạn trẻ cũng đổ về các trung tâm thương mại tại Hà Nội để tranh thủ mua sắm trong ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, trước khi về quê ăn Tết.
Nhiều người đổ về các trung tâm thương mại để tranh thủ mua sắm. |
Tranh thủ mua sắm
18h ngày 28/1, Hào (quận Thanh Xuân) và Chiên (quận Đống Đa) vội vàng từ công ty đến trung tâm thương mại mua quà Tết cho gia đình.
"Đã lâu rồi tôi không về thăm nhà nên mong được quây quần với gia đình lắm. Đây là năm đầu tiên tôi đi làm nên muốn mua thêm ít áo ấm cho bố mẹ", Hào cười, nói.
Chia sẻ với Zing, Hào cho biết anh là kiến trúc sư, còn bạn gái làm thiết kế nội thất. Do đặc thù công việc, cả 2 thường phải tăng ca, làm việc thâu đêm dịp cận Tết.
Chiên (bạn nữ) cho biết không khí mua sắm ở các trung tâm thương mại đã tấp nập hơn hẳn so với vài ngày trước. |
"Những ngày trước, khó khăn lắm chúng tôi mới có 1-2 tiếng đi mua sắm nên chưa kịp ngắm nghía nhiều. Hôm nay được tan làm sớm, chúng tôi mới thong thả đi chơi và tận hưởng không khí sắm Tết", Chiên kể.
"Vài hôm trước, các cửa hàng vắng người hơn nhiều, không nhộn nhịp và có sinh khí như bây giờ", cô nói thêm.
Cách Hào và Chiên không xa, Minh Dũng (20 tuổi, quận Tây Hồ) bước ra khỏi cửa hàng quần áo với một túi "chiến lợi phẩm" lớn.
Sau một tiếng mua sắm, anh đã lựa được 4 chiếc áo khoác cho bản thân và người nhà với giá khoảng 2 triệu đồng.
"Tôi sẽ về quê vào ngày mai nên vừa tan làm đã đi sắm sửa quà Tết luôn. 3 tháng rồi tôi chưa về nhà, lại thêm quy định khai báo y tế ở địa phương nữa nên bố mẹ cũng giục sớm về nhà", anh nói.
Minh Dũng tranh thủ đi mua sắm sớm để kịp lựa chọn và thử đồ, tránh đông người. |
Là nhân viên của một cửa hàng quần áo, Dũng đoán rằng lượng khách sẽ càng trở nên đông hơn sau 19h. Vì thế, anh quyết định đến trung tâm thương mại mua sắm sớm để tránh cảnh đông đúc, chờ đợi 15-20 phút trước phòng thử đồ.
"Cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ cao hơn bình thường. Tôi tranh thủ đi từ 18h để có thể lựa và thử đồ thoải mái hơn. Năm nay, tôi định dành khoảng 5 triệu để mua sắm cho mình và gia đình", Dũng kể.
Cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ cao hơn. |
Giảm chi tiêu
Theo ghi nhận của Zing, lượng khách tại vài trung tâm thương mại ở Hà Nội tăng đáng kể vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Ở một số cửa hàng thời trang, các quầy thanh toán và trước phòng thử đồ có một hàng dài xếp hàng.
"Vài ngày gần đây, chúng tôi bận rộn hơn rất nhiều. Mỗi ca làm đều có 3 nhân viên, song tất cả phải 'chạy hết công suất' từ sáng tới tối. Làm việc liên tục như vậy cũng mệt, nhưng tôi thấy vui vì khách hàng đã trở lại", Nghĩa (25 tuổi), nhân viên tại cửa hàng giày thể thao, nói.
Anh cho biết thời điểm đông khách nhất trong ngày sẽ vào lúc 19h, sau khi người dân đã dùng bữa tối, có thời gian dạo chơi trong trung tâm thương mại hoặc vừa tan sở.
Không khí mua sắm những ngày cận Tết đã đông đúc hơn, song lượng khách vẫn ít hơn mọi năm. |
Trong dịp cuối năm, đơn hàng lớn nhất mà khách hàng đã mua sắm tại cửa hàng của Nghĩa là 24 triệu đồng. Còn lại đa số sẽ mua sắm trong khoảng dưới 3 triệu đồng.
"Đa số khách hàng trẻ sẽ quan tâm tới sản phẩm giày thể thao, nhưng không chi quá 3 triệu đồng. Có lẽ năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng nặng đến kinh tế nên họ muốn siết chặt hầu bao, giảm nhu cầu chi tiêu", anh nói.
Xu hướng chi tiêu này cũng diễn ra tại nhiều cửa hàng khác.
"Những ngày cận Tết, lượng khách đến mua sắm tại cửa hàng của chúng tôi đã tăng dần, nhưng giảm 20% so với năm ngoái. Các đơn hàng giá trị lớn vẫn có song số lượng không nhiều, đa số ở mức 1,5-5 triệu đồng", nhân viên tại một cửa hàng thời trang ở Vincom Center Metropolis (quận Ba Đình) chia sẻ với Zing.
Nữ nhân viên sinh năm 1997 cho biết năm nay, số lượng nhân sự làm việc tại cửa hàng được bố trí thưa hơn năm ngoái do một vài người đã về quê ăn Tết sớm.
Các nhân viên cho biết năm nay, khách hàng trẻ thường chi tiêu trong khoảng 1,5-5 triệu đồng cho các đơn hàng quần áo, giày dép... |
"Hiện tại, chúng tôi vẫn có đủ người để làm việc trong những ngày cuối năm. Ai cũng hiểu vì các bạn ở tỉnh phải về quê sớm để kịp làm các thủ tục khai báo y tế, đồng thời đảm bảo giãn cách phòng dịch tại cửa hàng", cô nói.
Ngắm nghía và thử đồ hơn một tiếng ở cửa hàng, Ngọc Trang (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng) chỉ ra về với một chiếc quần bò trị giá 1,4 triệu đồng.
Cô cho biết mình chỉ được chi tiêu trong hạn mức dưới 3 triệu đồng vì muốn dành tiền sắm Tết cho gia đình, lì xì năm mới.
"Năm nay, thưởng cuối năm của tôi không nhiều như bình thường vì ảnh hưởng dịch bệnh nên cũng đắn đo xem nên mua sắm những món gì, mua thế nào. Mọi năm, tôi có thể chi tới 5-6 triệu đồng cho các khoản mua sắm cá nhân như giày dép, váy áo...", vị khách này nói.
Chung (áo đen) và Tuấn chỉ định chi tiêu trong khoảng 3-4 triệu đồng cho việc sắm Tết. |
Giống như Trang, Chung (23 tuổi) và Tuấn (22 tuổi, cùng ở quận Ba Đình) cũng phải hạn chế chi tiêu.
Trong ngày mua sắm cuối năm, đôi bạn đã sắm được một vài bộ đồ với giá gần 2 triệu đồng, dự định sẽ tiếp tục đi tìm mua giày thể thao để diện Tết.
"Thực ra, chúng tôi mới nhận thưởng cuối năm, lại làm ngành thiết kế đồ họa nên có thể công việc sẽ kéo dài xuyên Tết. Vì thế, tôi và bạn muốn 'nuông chiều' bản thân một chút. Tuy nhiên, cả hai vẫn sẽ giới hạn mức chi tiêu trong 3-4 triệu đồng để tiết kiệm lại một khoản", Chung nói.