Tại Trung Quốc, người tiêu dùng có thể mua hộp sữa bột Beingmate trị giá 888 nhân dân tệ (137 USD) chỉ với 7,5 nhân dân tệ trên các nền tảng thương mại điện tử. Lý do duy nhất để có sự chênh lệch này là do hộp sữa sắp hết hạn sử dụng.
Thời gian gần đây, việc tìm mua các mặt hàng như vậy ngày càng phổ biến trong giới trẻ đất nước tỷ dân, theo Global Times.
Trên nhiều nền tảng xã hội, nhóm trực tuyến có tên "Tôi yêu thực phẩm sắp hết hạn" còn trở nên nổi tiếng, đặc biệt là trong giới trẻ. Đây là nơi mọi người chia sẻ kinh nghiệm mua và thông tin về nơi bán thực phẩm dạng này.
"Thực tế, việc mua thực phẩm sắp hết hạn là kiểu mua hàng 'đúng sản phẩm, đúng số lượng, tại đúng nơi, vào đúng thời điểm cần thiết'", nhà phân tích kinh tế họ Wang nhận định.
Các loại thực phẩm sắp hết hạn đang trở thành mặt hàng yêu thích của nhiều người trẻ Trung Quốc. Ảnh: Tom Wang. |
Thị trường tiềm năng
Vào năm 2020, tổng giá trị sản lượng của ngành thực phẩm ăn nhẹ ở Trung Quốc đã vượt quá 3 nghìn tỷ nhân dân tệ. Ngay cả khi chỉ tính theo 1% tồn kho, quy mô thị trường của ngành thực phẩm sắp hết hạn sử dụng cũng lên tới 30 tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo của iiMedia Research.
"Các sản phẩm này có thể tạo thành một thị trường lớn. Trước đây, chúng bị nhét vào góc trong các siêu thị, nhiều khách hàng trẻ không để ý đến. Cho đến năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng hàng sắp hết hạn quá nhiều khiến một số chủ tiệm nảy ra ý định đẩy mạnh việc bán các mặt hàng này", Zhang Yi, giám đốc điều hành cơ quan tư vấn iiMedia Research, nói.
Một trong những lý do chính đằng sau sự trỗi dậy của thị trường thực phẩm sắp hết hạn sử dụng là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và ngành giao hàng.
Zhang Xuefeng, nhà quan sát trong ngành, cho biết so với các thế hệ trước, giới trẻ hiện nay mua đồ bằng dịch vụ giao hàng thường xuyên hơn. Vì vậy, họ có thể nhận được thực phẩm trước khi hết hạn.
Xu hướng mua đồ sắp hết hạn được khuyến khích, đặc biệt từ sau khi Trung Quốc triển khai chiến dịch chống lãng phí thực phẩm. Ảnh: VCG. |
Giám đốc phụ trách mảng thực phẩm của một hãng thương mại điện tử cho biết trên trang mua sắm trực tuyến Taobao hiện có gần 10.000 gian hàng bán thực phẩm sắp hết hạn sử dụng. Vào năm 2020, khoảng hơn 2 triệu người đã mua loại thực phẩm này, chủ yếu là những người trẻ tuổi như sinh viên đại học và thế hệ 9X.
Cũng theo nhà quan sát Zhang Xuefeng, một lý do khác khiến trào lưu này bùng nổ ở giới trẻ là tình hình tài chính hạn hẹp của nhóm này.
"Những người trẻ ngày nay đang phải đối mặt với áp lực lớn khi lương thưởng hạn chế và chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là tiền thuê nhà".
Vì vậy, phong cách tiêu dùng mới với mục tiêu “giá rẻ, không cần thương hiệu tên tuổi, chất lượng cao và đủ chức năng cơ bản” đã trở thành xu hướng trong giới trẻ xứ tỷ dân. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cho biết nền văn hóa tiết kiệm ngày càng được chính phủ Trung Quốc khuyến khích, đặc biệt là không lãng phí thực phẩm.
Là thị trường tiềm năng song nhiều chuyên gia cảnh báo các nhà cung cấp, bên mua bán trung gian nên cẩn trọng khi quyết định tham gia kinh doanh mặt hàng thực phẩm sắp hết hạn.
Tính đến tháng 6, có tổng cộng 20 công ty đã đăng ký bán thực phẩm này, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
"Thực phẩm sắp hết hạn sử dụng là một thị trường ngách. Do thời hạn và vòng đời cực ngắn, không thể dự trữ số lượng lớn dù nhu cầu thị trường rất cao. Do đó, nếu doanh nghiệp không thể bán thực phẩm trong thời gian quy định, chi phí xử lý thực phẩm hết hạn lại trở thành vấn đề lớn", An Guangyong, nhà phân tích tại Hiệp hội Mua bán và Sáp nhập Trung Quốc, nhận định.