Zing trích dịch bài đăng trên BBC, đề cập đến xu hướng "trả thù giấc ngủ" của người lao động trẻ tại Trung Quốc.
5 năm trước, Emma Rao rời quê nhà Nam Kinh tới Thượng Hải để làm việc cho một công ty dược phẩm đa quốc gia. Kể từ lúc đó, cuộc sống của cô chủ yếu chỉ xoay quanh công việc. “Tôi gần như rơi vào trầm cảm”, cô bộc bạch.
Rao chia sẻ một ngày làm việc sẽ bắt đầu từ 9h sáng đến 9h tối, liên tục 6 ngày/tuần, đôi khi phải tăng ca để bắt kịp tiến độ. Sau khi tan sở, cô lập tức về nhà nấu ăn, tắm rửa và lên giường. Thế nhưng, vì nuối tiếc khoảng thời gian cá nhân ít ỏi, Rao không ngủ ngay mà thường thức khuya lướt mạng, đọc báo hay xem phim.
Emma Rao không phải người duy nhất chấp nhận hy sinh giấc ngủ để gỡ gạc chút thời gian dành cho bản thân. Tại Trung Quốc, xu hướng này được gọi là “trả thù giấc ngủ”. Thuật ngữ trên bắt đầu phổ biến rộng rãi khi nhà báo Daphne K. Lee sử dụng trong một bài đăng Twitter vào tháng 5 năm nay.
“Tình trạng này xảy ra khi con người không được chủ động về mặt thời gian vào ban ngày nên từ chối ngủ sớm để tìm lại cảm giác tự do khi đêm xuống”, cô mô tả.
Tăng ca, làm thêm giờ khiến người lao động Trung Quốc không có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Ảnh: Nikkei. |
Bài đăng của Lee nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận. Một bình luận nhận được 4.500 lượt thích của người dùng tên Kenneth Kwok đồng tình: “Mỗi ngày, tôi thường về nhà lúc 10h tối. Tôi không muốn đi ngủ ngay sau đó và lặp lại chu trình tương tự vào ngày hôm sau. Vài tiếng dành cho bản thân là điều tôi cần để nạp lại năng lượng”.
Cụm từ “trả thù giấc ngủ” xuất hiện lần đầu trên một blog cá nhân vào tháng 11/2018. Tác giả bài viết là một người đàn ông sống ở Quảng Đông, nhấn mạnh cảm giác “lạc lõng, mất kiểm soát”, chỉ “tìm thấy chính mình” khi kết thúc một ngày dài.
“Trả thù giấc ngủ thật tệ. Vì muốn tận hưởng khoảng thời gian tự do hiếm hoi, tôi buộc phải đánh đổi sức khỏe của mình”, anh viết.
Thực tế, hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với người lao động Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác. Họ tình nguyện cắt xén thời gian ban đêm, vốn dành cho giấc ngủ, để làm những việc mình thích dù biết điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trả thù giấc ngủ
Từ lâu, nhiều nghiên cứu cảnh báo chứng mất ngủ có thể trở thành một đại dịch sức khỏe cộng đồng. Năm 2019, khảo sát về giấc ngủ trên 11.000 người tại 12 quốc gia của tập đoàn Phillips cho thấy 62% người trưởng thành không ngủ đủ giấc.
Thời gian ngủ trung bình của hơn 10.000 công dân trên là 6,8 tiếng/ngày, ít hơn mức 8 tiếng theo khuyến nghị của các chuyên gia sức khỏe. Đáng nói, 37% người tham gia cho rằng áp lực và lịch học tập, làm việc dày đặc khiến họ không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi vào ban đêm.
Tại xứ tỷ dân, cuộc khảo sát của chính phủ năm 2018 chỉ ra 60% công dân sinh sau năm 1990 mắc chứng thiếu ngủ, chủ yếu sống ở thành thị. Đây là những khu vực ưa chuộng văn hóa “996” - phong cách làm việc vắt kiệt sức lực của người lao động.
Theo báo cáo gần đây của Đài Truyền hình Quốc gia CCTV và Cục Thống kê Quốc gia, một người Trung Quốc chỉ có trung bình 2,42 tiếng/ngày không vướng bận công việc, giảm 25 phút so với năm ngoái.
Gu Binh (33 tuổi), giám đốc sáng tạo một công ty truyền thông ở Thượng Hải, thường làm việc thâu đêm. Cô coi việc đi ngủ trước 2h sáng là "chuyện xa xỉ".
"Dù hôm sau mệt mỏi cỡ nào, tôi vẫn không thể chìm vào giấc ngủ. Tôi muốn gỡ gạc thời gian dành cho bản thân", Gu nói. Gần đây, cô mới cân nhắc thay đổi thói quen sinh hoạt vì sức khỏe của mình.
Dù mệt mỏi, nhiều người vẫn không thể chìm vào giấc ngủ vì nuối tiếc khoảng thời gian ít ỏi dành cho bản thân vào ban đêm. Ảnh: Getty. |
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ hiện đại đang xóa mờ lằn ranh giữa văn phòng và nhà, khiến thời gian dành cho công việc dài thêm. Ngoài giờ làm, nhân viên vẫn thường xuyên nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hay email yêu cầu báo cáo tiến độ từ cấp trên.
"Điều này khiến chúng ta có cảm giác 'nơi đâu cũng là văn phòng', luôn phải sẵn sàng trong mọi lúc", Ciara Kelly, giảng viên chuyên ngành tâm lý tại ĐH Quản lý Sheffield, nói.
Jimmy Mo (28 tuổi), chuyên viên phân tích dữ liệu tại một công ty phát triển game ở Quảng Châu, nói rằng đam mê của anh đang trở thành "con dao hai lưỡi". "Tôi coi công việc là sở thích, tình nguyện hy sinh thời gian nghỉ ngơi để làm việc".
Chia sẻ với BBC, Mo cho biết anh cần liên tục chơi game để nâng cao kỹ năng để bắt kịp đồng nghiệp. Nhưng điều này đồng nghĩa anh không thể đi ngủ trước 2h sáng. Nhận thức được tác hại từ việc thiếu ngủ song chàng trai 28 tuổi này không còn sự lựa chọn nào khác.
Lằn ranh mờ ảo giữa công việc - nghỉ ngơi
Dù đem lại khoảng thời gian cá nhân ít ỏi, việc đánh đổi giấc ngủ lại không phải phương án tối ưu. Trong cuốn sách Why We Sleep: Unlocking the Power of Sleep and Dreams, một nhà thần kinh học nhấn mạnh: “Ngủ càng ít, sống càng ngắn”. Chứng thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, cả về thể chất và tâm lý.
Dù đem lại khoảng thời gian cá nhân ít ỏi, song việc đánh đổi giấc ngủ lại không phải phương án tối ưu, lâu dài. Thiếu ngủ trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cả về tâm lý và thể chất.
Không thể tách bạch thời gian cho công việc và nghỉ ngơi là một trong những lý do tình trạng “trả thù giấc ngủ”. “Nhiều người mắc kẹt trong suy nghĩ về công việc ngay cả sau giờ tan tầm. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của họ”, giảng viên Kelly nói.
“Chúng ta đều cần thời gian để thư giãn. Các nhân viên có rất nhiều việc khác để làm ngoài công việc”, Heejung Chung, nhà xã hội học tại ĐH Kent (Anh), bày tỏ.
Người lao động gặp khó khăn trong việc tách bạch thời gian dành cho công việc và nghỉ ngơi. Ảnh: Bloomberg. |
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhiều công ty tại các quốc gia bắt đầu khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà. Đây vừa là cơ hội để người lao động có môi trường làm việc thoải mái hơn, song cũng khiến ranh giới giữa nhà và công sở thêm mờ nhạt.
Tại đất nước tỷ dân, khi mái ấm trở thành văn phòng, thời gian dành cho công việc của người dân có xu hướng gia tăng. Các báo cáo cho thấy không ít doanh nghiệp đã buộc nhân viên làm thêm giờ nhằm phục hồi tình hình kinh doanh sau dịch.
Krista Pederson, kế toán tại một công ty đa quốc gia có trụ sở ở Bắc Kinh, nhận xét rằng các công ty Trung Quốc coi văn hóa “996” là một giá trị cần được phát huy. “Họ được kỳ vọng trở thành những nhân viên mẫn cán, luôn sẵn sàng công tác bất cứ lúc nào”.
Không thể thay đổi văn hóa làm việc trong một sớm một chiều, thế hệ lao động trẻ xứ Trung phải tiếp tục tìm cách thích ứng. Với Gu Bing, cô hài lòng với cuộc sống hiện tại. “Đôi lúc, tôi thấy khoảng thời gian buổi đêm thật tuyệt vời. Tôi cùng bạn bè sẽ ngồi ngắm cảnh, ca hát cùng nhau”.
Thậm chí, nhiều người quyết định từ bỏ công việc “996” của mình để tìm đến một môi trường làm việc thoải mái hơn. Trong trường hợp của Emma Rao, dù đã nghỉ việc, cô vẫn giữ thói quen ngủ trễ đến ngày nay.