Zing trích dịch bài đăng từ Quartz India, đề cập đến vấn đề suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và việc người dân nước này thay đổi thói quen chi tiêu, từ bỏ thói quen mua sắm trước mối lo ngại làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Ở một thành phố phía tây nam Trung Quốc, Rocky Chen - chủ của một địa điểm chuyên tổ chức nhạc sống - dự đoán anh sẽ lỗ trong năm tới. Sau khi chính phủ cho phép mở cửa được 6 ngày, Chen lại phải đóng cửa một lần nữa do mối lo ngại làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
“Mọi người vẫn sẽ đi chơi bình thường nhưng tôi nghĩ họ sẽ không chi tiêu nhiều như trước. Ở thời điểm này, tôi có thể chắc chắn một điều rằng thời gian tới sẽ rất khó khăn, nhất là khi nỗi ám ảnh về virus SARS-CoV-2 tác động tới việc chi tiêu và nhu cầu đi lại của người dân, ít nhất là trong nửa năm tiếp theo”, anh nói.
Cắt giảm chi tiêu tối đa
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Chloe Ni (34 tuổi) thường lui tới quán cà phê đều đặn 2 ngày/lần. Vậy mà hiện nay, cô chuyển sang tự pha cà phê tại nhà, thậm chí quyết định không mua chiếc máy pha cà phê chuyên dụng đắt đỏ.
Trung Quốc là đất nước đầu tiên hứng chịu đại dịch. Ảnh: New York Times. |
Ni điều hành một studio chụp ảnh có trụ sở tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc). Khách hàng chủ yếu của cô là các nhà đầu tư bất động sản và khách sạn.
Cô chia sẻ: “Ngành dịch vụ là lĩnh vực chịu thiệt hại lớn nhất trong đại dịch Covid-19. Bởi vậy, tôi gần như không có việc làm nào trong 2 tháng vừa qua. Hiện tôi phải cắt giảm chi tiêu của mình trên mọi khía cạnh, dù tôi rất đam mê mua sắm”.
Bên cạnh việc giảm số lần ghé thăm các quán cà phê, Ni cho biết công ty của cô đang tìm mua các thiết bị cũ trên “chợ trời” online Xianyu thay vì mua mới hoàn toàn. Theo Chloe Ni, đây sẽ là xu hướng kéo dài ít nhất 2 năm tới, vì cô cảm thấy bi quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch.
Shirley Xie - quản lý của một trường đại học ở Trùng Khánh (Trung Quốc) - vừa hạ sinh đứa con thứ hai hồi tháng 1.
Cô đang gặp khó khăn trong việc trả khoản vay thế chấp do chồng không có thu nhập 2 tháng nay từ lĩnh vực xây dựng. Xie nói bản thân phải cắt giảm tất cả chi tiêu không cần thiết như quần áo hay đồ trang điểm, đồng thời nhờ cha mẹ giúp đỡ tài chính.
Nhiều người phải cắt giảm tất cả chi tiêu không cần thiết sau dịch Covid-19. Ảnh: QZ. |
Có thể thấy, xu hướng tiết kiệm sẽ còn kéo dài, giống như sự thận trọng trong chi tiêu ăn sâu vào tâm trí những người từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngoài ra, duansheli, một thuật ngữ mượn từ tiếng Nhật mang ý nghĩa “cắt bỏ những thứ tầm thường”, cũng đang là xu hướng ở Trung Quốc lúc này.
Trong một cuộc bàn luận về cuộc “mua sắm trả thù” (thuật ngữ được sử dụng nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc, dùng để mô tả sự gia tăng khổng lồ trong chi tiêu) trên diễn đàn Zhihu, một người dùng cho biết: “Tôi tận dụng thời gian cách ly để dọn dẹp kỹ căn hộ của mình, và duansheli rất nhiều quần áo và đồ hết hạn. Có lẽ trong năm nay, tôi sẽ không mua thêm bất kỳ quần áo hay sản phẩm chăm sóc da nào nữa”.
Suy thoái kinh tế sau đại dịch
Về phía chính phủ Trung Quốc, họ lại hy vọng người dân sẽ tham gia vào cuộc “mua sắm trả thù” nhằm tái khởi động nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 lắng xuống.
Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất. Vốn trước khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua. Trong một số lĩnh vực như công nghệ, hoạt động sa thải nhân viên hàng loạt được thực hiện.
Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn lạc quan hơn so với người Mỹ hay châu Âu. Ảnh: Forbes. |
Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ tháng 1 và tháng 2 giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2, doanh số bán ôtô giảm 79% so với năm trước đó, đồng thời là mức giảm lớn nhất chưa từng thấy. Tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên năm 2020 có dấu hiệu chuyển sang hướng tiêu cực.
Theo cuộc khảo sát gần đây do đơn vị tư vấn về vận chuyển và logistic Trung Quốc Cefuture thực hiện, 41% trong số gần 1.000 người cho biết sẽ giảm chi tiêu để chuẩn bị cho các khủng hoảng trong tương lai, 51% lại lựa chọn làm việc chăm chỉ hơn để kiếm tiền. Chỉ có 8% sẵn sàng mua sắm nhiều hơn sau khi dịch Covid-19 thuyên giảm.
Jason Yu - tổng giám đốc công ty tư vấn tiêu dùng Kantar Worldpanel có trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc) - chia sẻ: “Nhìn chung, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn lạc quan hơn so với người châu Âu hoặc Mỹ, bởi họ đã ít nhiều trụ lại được sau giai đoạn tồi tệ nhất của dịch Covid-19”.
Ông cho biết người dân lo lắng về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai trong xã hội, đồng thời nhu cầu toàn cầu suy yếu cũng khiến mọi người phải suy nghĩ. Một số khách hàng lớn trên thế giới đã hủy đơn đặt hàng ở nhà máy Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch.