Tổ chức giáo dục EF Education First (Thụy Sĩ) vừa công bố bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ 2015. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia về khả năng tiếng Anh, trên cả Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.... Trình độ tiếng Anh của người Việt đứng thứ 5 châu Á, sau Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Hàn Quốc.
So với năm 2014, Việt Nam đã tăng 4 bậc trong xếp hạng của EF (năm 2014, Việt Nam đứng thứ 33).
Lớp học tiếng Anh miễn phí của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam cho các em nhỏ. Ảnh: Hoàng Anh. |
Đánh giá chưa toàn diện
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, người nhiều năm gắn bó ngành giáo dục cho rằng, đánh giá này chỉ mang tính chất tham khảo. “Xếp hạng Việt Nam trên Nhật Bản còn có cơ sở xem xét, nhưng hơn Thái Lan thì không thể”, ông Nhĩ khẳng định.
Cụ thể, theo nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, Thái Lan có chương trình dạy tiếng Anh phổ thông cơ bản, nhiều địa phương có thể trao đổi bằng ngoại ngữ này. Tại các hội nghị quốc tế, đoàn đại biểu Thái Lan nói tiếng Anh rất chuẩn.
Ông Nhĩ nhận xét, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng trình độ tiếng Anh của người Việt chưa thể đạt "đẳng cấp" như bảng xếp hạng đánh giá. Phổ điểm của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho thấy, 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn tiếng Anh, cũng phần nào nói lên thực trạng học ngoại ngữ trong giới trẻ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trẻ em nên học tiếng Anh từ bậc mầm non đến đầu cấp tiểu học là hiệu quả nhất. Hiện nay, học sinh lên lớp 3 mới học môn này là quá muộn.
Chia sẻ quan điểm bảng xếp hạng dựa trên khảo sát chưa toàn diện, cô Thảo Nguyên, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, nói khảo sát của EF là bài kiểm tra trên mạng, chủ yếu ở một số vùng như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, không tiến hành ở vùng núi. Bài kiểm tra khá dễ đối với học sinh thành thị.
"Đối tượng của khảo sát là học sinh khá, có kiến thức tốt, sử dụng mạng Internet thành thạo, nên kết quả không mang tính bao quát", cô Thảo Nguyên nói. Theo nữ giáo viên, trong quá trình giảng dạy, luyện thi IELTS, cô thấy trình độ của học sinh ở mức trung bình.
"Đánh giá này chỉ mang tính chất tham khảo hoặc có giá trị trong tương lai. Còn thời điểm hiện tại, khả năng tiếng Anh của người Việt chưa đều giữa các khu vực và môi trường sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế", Nguyễn Mai Phương – giáo viên dạy tiếng Anh online nói.
Nặng về ngữ pháp
Cô Thảo Nguyên nhận xét thêm, các bạn trẻ học tiếng Anh thường không đầu tư cho nghe, nói mà tập trung ngữ pháp. Vì ít tương tác nên khi gặp tình huống giao tiếp, các em thường phản ứng chậm.
"Tiếng Anh của giới trẻ tương đối khả quan và ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện" là ý kiến của thầy Ninh Bắc, giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo ông Bắc, ở các trường không chuyên, tư duy giáo dục còn cũ, kiểm tra ngữ pháp là chính nên hiệu quả thực tế không cao. Các em học xong là quên ngay chứ không rèn thành kỹ năng.
Còn cô Mai Phương nhận định, nhiều người không học được tiếng Anh vì bỏ ra quá nhiều thời gian cho ngữ pháp mà quên đi yếu tố từ vựng và sử dụng ngôn ngữ. Không có môi trường tiếp xúc, sử dụng tiếng Anh thường xuyên nên việc học tập dễ đi vào lối mòn.
Cô Nguyễn Loan, giảng viên tiếng Anh tại một tổ chức giáo dục quốc tế, khuyên: "Học sinh, sinh viên Việt Nam nên chú trọng khả năng nghe và nói nhiều hơn, từ đó tăng cường khả năng phản ứng trong giao tiếp".
Education First (EF) là công ty giáo dục quốc tế chuyên về đào tạo ngôn ngữ, các chương trình trao đổi văn hóa. Công ty được thành lập năm 1965, có trụ sở tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ. Hiện EF có 40.000 nhân viên và 500 văn phòng, trường học ở hơn 50 quốc gia.
Báo cáo của EF EPI xếp hạng 70 quốc gia từ nguồn dữ liệu của 910 nghìn người trưởng thành học tiếng Anh trên toàn thế giới.