Cầm trên tay hơn 5 cuốn sổ theo dõi sức khỏe, bà Lan (63 tuổi, Bình Định) phải ngồi sắp xếp lại thứ tự theo từng đợt khám. Bệnh viện bà Lan tái khám là cơ sở tuyến huyện.
Cuốn sổ khám bệnh đầu tiên với chẩn đoán đái tháo đường type I từ năm 2011. Suốt 9 năm, bà giữ gìn cẩn thận nhưng qua mỗi đợt đến viện khám, quyển sổ dần dần nhàu rách, những nét chữ vốn khó đọc càng thêm nhòe. Quyển sổ khám bệnh thứ 2 ra đời sau đó một năm khi bà đột ngột lên cơn cao huyết áp và phải nhập bệnh viện tại TP.HCM.
Từ đó đến nay, mỗi khi đến viện tái khám hoặc chuyển viện điều trị các cơn mệt do đái tháo đường, huyết áp, tầm soát di căn ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật, người phụ nữ này đều phải mang theo những quyển sổ cũ kỹ.
“Nếu quên mang chúng theo, tôi phải mua sổ mới. Hồ sơ mới, phiếu chỉ định mới, bác sĩ khám sau sẽ không biết được tiền căn thế nào. Nếu có một quyển sổ chung hết, ghi lại tất cả bệnh tình từ trước đến nay, người bệnh chúng tôi đỡ vất vả hơn”, bà Lan bộc bạch.
Một quyển sổ ghi chung hết tất cả bệnh tình như mong ước của bà Lan thực tế cũng là mong mỏi chung của nhiều người bệnh và nhân viên y tế.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện quận 7 (TP.HCM), cho biết, hồ sơ sức khỏe cá nhân được hình thành dữ liệu từ các trạm y tế. Thông qua dữ liệu này, người dân sẽ được kiểm soát và chăm sóc sức khỏe cá nhân từ khi chào đời đến lúc mất đi. Điều này giúp cơ sở y tế dễ dàng quản lý người bệnh hơn. Khi lên tuyến quận, về nguyên tắc, bác sĩ điều trị tuyến trên sẽ nắm được hồ sơ sức khỏe cá nhân này để theo dõi và ra các chỉ định phù hợp.
Mới đây, Bộ Y tế ra mắt hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân với mục tiêu quản lý sức khỏe cho từng người dân dễ dàng hơn. Mỗi người sẽ được chăm sóc sức khỏe trọn đời, từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và mất đi. Toàn bộ dữ liệu sức khỏe của người dân được liên kết từ các cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Khi hệ thống của Viettel phối hợp với Bộ Y tế xây dựng hoàn thành, người Việt sẽ có “trợ lý y tế thông minh” trọn đời. |
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, đơn vị hợp tác với Bộ Y tế để phát triển và xây dựng nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân, cho biết tất cả dữ liệu khám, chữa bệnh và sức khỏe của người dân sẽ được đưa lên cơ sở dữ liệu chung của Bộ Y tế, đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin.
Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân phải tuân thủ quy định bảo mật 4 lớp do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đồng thời, Viettel cũng ứng dụng các công nghệ mã hóa dữ liệu 2 lớp để tăng tính bảo mật. Khi truy cập người dùng cần sử dụng các phương án như sinh trắc học hoặc OTP (One time password), chỉ có bệnh nhân mới truy cập được dữ liệu của mình.
PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế cho biết, hồ sơ sức khỏe cá nhân giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời. Từ đó, mỗi người có thể chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của bản thân. Thông qua hồ sơ sức khỏe, bác sĩ nắm được tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa của người bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ. Điều này tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.
Phát biểu tại lễ khai trương hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, đại diện Chính phủ nhấn mạnh: "Mơ ước từ rất lâu của người dân Việt Nam là muốn mình được quản lý sức khỏe, hay nói cách khác là lúc nào cũng có bác sĩ riêng. Qua hồ sơ sức khỏe cá nhân, sức khỏe của mỗi người dân sẽ được cả hệ thống y tế theo dõi, quản lý. Đó là một mục tiêu, mơ ước nhưng không hề viển vông, chúng ta hoàn toàn có thể làm được".
Ông Lê Đăng Dũng cam kết: “Chúng tôi đảm bảo trong tương lai rất gần, mỗi người dân đều có một trợ lý thông minh về vấn đề sức khỏe của mình trọn đời”.
Với quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel, mong ước về “một quyển sổ ghi chung hết tất cả bệnh tình” của bà Lan và nhiều bệnh nhân khác trên cả nước được kỳ vọng trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Bình luận