20h ngày 12/7, những con đường từng sầm uất nhất của TP.HCM mang vẻ tĩnh lặng và im lìm. Dọc các dãy phố lớn như Hai Bà Trưng (quận 3), Trần Khánh Dư (quận 1) hay Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), tất cả cửa hàng đều đóng sập cửa, trơ ra những hình vẽ graffiti nguệch ngoạc.
Số phận của người nghèo trên những con đường ấy cũng đang nhọc nhằn hơn bao giờ hết. Họ là những người vô gia cư, bán vé số hoặc nhặt ve chai. Cuộc sống của họ thường nhật đã rất khó khăn, giữa giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16 lại càng thêm cơ cực.
Người khó khăn trên vỉa hè những con đường lớn ở TP.HCM. |
Cuộc sống dưới những mái hiên
Chú Chơn (61 tuổi) trải manh chiếu cũ xuống vỉa hè đường Trần Khánh Dư (quận 1). Chú coi đó là ngôi nhà của mình, dù mưa hay nắng vẫn bám trụ để mưu sinh.
Trước đây, chú Chơn làm phụ việc tại một quán hủ tiếu. Giờ đây quán đóng cửa, chú vẫn ở gần chờ hết giãn cách xã hội sẽ quay lại làm việc.
"Tôi không có nhà cửa, cũng không có vợ con. Tôi không buồn gì cả, chỉ mong hết dịch rồi quay lại quán làm việc thôi", chú Chơn chia sẻ.
Nói rồi chú lấy trong túi áo ra 2 tấm phiếu ăn. Chú kể rằng được mạnh thường quân tặng, cứ 10h mỗi ngày sẽ đến Nhà thờ Tân Định nhận cơm trưa. Còn bữa tối, chú ở vỉa hè chờ đợi những nhóm thiện nguyện đi qua. Nếu may mắn gặp gỡ, chú sẽ được một bữa no bụng.
"Giờ tôi ngồi đây để chờ được tặng đồ ăn, đêm tôi vào trong hẻm ngủ để ấm cúng hơn", chú nói.
Chú Chơn chờ mong quán hủ tiếu mở cửa trở lại để có thể đi làm. |
Cũng giống như chú Chơn, chú Vũ (63 tuổi) và chú Minh (59 tuổi) cũng ngồi sát lề đường Hai Bà Trưng (quận 3) để chờ đợi những mạnh thường quân. 2 chú vốn không phải ruột rà nhưng cùng làm nghề nhặt ve chai, trong tình hình dịch bệnh đã cố gắng nương tựa vào nhau để cuộc sống bớt cô quạnh.
"Chúng tôi cứ đi, tối đến đâu thì ngủ ở đó. Từ ngày giãn cách xã hội các đại lý ve chai không mở cửa thu mua nữa nhưng chúng tôi vẫn nhặt, chờ khi nào họ mở cửa lại thì bán lấy tiền", chú Vũ vừa kể, vừa ăn chiếc bánh mì được nhóm thiện nguyện gửi tặng.
Chú Vũ, chú Minh cùng nhau ăn bánh mì. Cạnh 2 chú là những bao lớn ve chai tích dần chờ ngày bán được. |
Con đường Hai Bà Trưng dài khoảng 3km có đến hàng chục người vô gia cư ngồi, nằm rải rác dưới những mái hiên. Đối diện chú Vũ, chú Minh, phía bên kia đường là anh Hoài (37 tuổi), cũng làm nghề nhặt ve chai.
Người đàn ông đã no bụng nhờ bữa tối được mạnh thường quân trao tặng, anh đang nằm ngủ cạnh tài sản lớn nhất của mình - một con tắc kè hoa.
"Một người đã cho tôi con tắc kè này. Họ nói không nuôi được, cho tôi để bán lấy tiền. Nhưng tôi để đây mãi vẫn không có người mua", anh Hoài than thở.
Anh Hoài cạnh chiếc lồng tắc kè - tài sản lớn nhất của anh. |
Không phải ai cũng bình tĩnh
Không phải tất cả những người khó khăn đều có thể bình tĩnh khi nhận quà từ các nhóm thiện nguyện. Sự thiếu thốn khiến họ trở nên vội vàng, đôi khi còn bất chấp an toàn để có được những phần ăn cho mình.
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), khi nhóm thiện nguyện dừng xe để tặng quà cho người phụ nữ bán hàng rong, một nhóm khoảng 2-3 người đàn ông đã chạy lại.
Thành viên nhóm thiện nguyện giải thích phải đảm bảo giãn cách, kêu gọi mọi người quay về vị trí sẽ mang quà trao tận tay. Tuy nhiên, những tiếng gọi vẫn xôn xao, buộc nhóm thiện nguyện phải rời đi để giải tán đám đông.
Người phụ nữ run rẩy nhận phần quà từ nhóm thiện nguyện. |
Trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu (quận 3), một người phụ nữ bán vé số sau khi nhận quà đã nhờ nhóm thiện nguyện chở về nhà với chồng ở quận 1. Tình nguyện viên giải thích không thể tiếp xúc gần, việc tặng quà cũng đã phải đảm bảo giãn cách. Người phụ nữ vẫn nhiều lần nhờ vả, nhóm thiện nguyện đành chào tạm biệt bởi không thể giúp đỡ gì hơn.
Diệu Hiền (29 tuổi), tình nguyện viên nhóm thiện nguyện "Đêm Sài Gòn" nói với PV Zing: "Tôi áy náy lắm khi cô chú cần mà không giúp đỡ được. Nhưng trước tiên phải đảm bảo quy định phòng dịch, bảo vệ bản thân và mọi người".
Mỗi ngày tặng 1.000 phần ăn cho người dân nghèo
"Đêm Sài Gòn" là một trong nhiều nhóm thiện nguyện tặng phần ăn tối cho những hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.
Mỗi ngày, nhóm chuẩn bị từ 700 đến 1.000 phần cơm hộp hoặc bánh mì tươi, sữa, xúc xích… Trước giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16, nhóm gồm khoảng 20 thành viên cùng nhau đi tặng quà khắp các tuyến đường quận 3, quận 4, quận 8, quận 10...
Hiện tại để đảm bảo quy định phòng dịch, nhóm phân bổ để chỉ 2 thành viên đi một địa bàn.
"Nhóm chọn đi phát quà vào buổi tối vì ban ngày, mọi người đã được nhận sự hỗ trợ từ nhiều hội, nhóm thiện nguyện khác”, Trường Thành (27 tuổi), trưởng nhóm "Đêm Sài Gòn" chia sẻ.
Thành và Hiền (ảnh trái) đi tặng quà là bánh mì tươi, sữa và xúc xích. Một đội đi cung đường khác, sử dụng xe tải nhỏ chở hàng trăm phần cơm. |
Thành cũng cho biết thêm những phần cơm mà nhóm trao tận tay người khó khăn là nhờ các bếp thiện nguyện gửi gắm. Ngoài ra, nhóm cũng nhận được sự chung tay từ nhiều mạnh thường quân khác.
"Nhóm chúng tôi được thành lập từ tháng 6/2016. 5 năm qua, các anh chị em đã triển khai nhiều hoạt động để giúp đỡ cho người dân khó khăn.
Trong bối cảnh dịch bệnh như bây giờ, chúng tôi tặng những phần ăn với mong muốn bà con không bị đói bụng, có thể khoẻ mạnh, an toàn trong mùa dịch", Thành nói.
Tối 10/7, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn, giao Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm thiết yếu tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
UBND các phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn để có giải pháp.
Đối với người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác, địa phương có thể chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí.