Hình ảnh trên được các thành viên STQ ghi lại trong chương trình từ thiện Gom nắng chào xuân diễn ra từ 2/12/2014 đến 19/1/2015.
Người phụ nữ trong ảnh quê ở Thái Bình, họ hàng đều đã mất. Bà đang bị ung thư cần đi xạ trị thường xuyên. Đội sinh viên STQ chia sẻ: “Hằng ngày bác đi rửa bát thuê với số tiền công ít ỏi. Bác nói, bây giờ sống hay chết chỉ phụ thuộc vào ông trời thôi”.
Người đàn bà bật khóc. |
Trong đêm mùa đông lạnh giá, nhận được tấm áo ấm của sinh viên tình nguyện, người vô gia cư đã xúc động bật khóc. Đây cũng là một hình ảnh ấn tượng mạnh với các thành viên STQ.
Những tấm thiệp sinh viên làm tặng người vô gia cư nhân dịp năm mới. |
Cũng trong hoạt động này, một thành viên của STQ chia sẻ những dòng xúc động như sau: “Bác năm nay đã 61 tuổi, quê ở Lào cai, gia đình có một mẹ già và hai con nhỏ. Bác lên Hà Nội làm đã được 2 năm bằng nghề nhặt rác. Bác kể: “Cuộc sống ngày càng khó khăn, bác không biết phải làm gì để còn có thể kiếm tiền nữa".
Ngày nào bác cũng đi nhặt rác từ 3h sáng đến 9-10h đêm. Mình hỏi tại sao bác lại đi làm sớm như thế thì bác trả lời: “3h sáng đường đông rồi, bác sợ ngủ quên, chủ nhà người ta đến mở hàng đuổi thì xấu hổ lắm”.
Bác còn bị đau dạ dày một thời gian, nhiều khi cơn đau đến dữ dội. Bác tâm sự: “Hàng ngày bác mua một chiếc bánh mì chia làm nhiều bữa, buổi trưa ghé vào nơi có bóng mát để nghỉ ngơi, ăn trưa và thiếp đi một lúc để chiều tiếp tục làm việc. Buổi tối mùa đông lạnh lắm, lại đói nên cái rét càng giá hơn, chưa kể những hôm trời mưa, gió thổi mạnh, nước tạt vào ướt hết quần áo".
Dòng chia sẻ trên gây xúc động về hoàn cảnh của những người vô gia cư còn nhiều khó khăn ngay giữa lòng thành phố.
Hoàn cảnh của những người vô gia cư được sinh viên chăm chú lắng nghe. |
Gom nắng chào xuân là việc làm thiết thực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như người vô gia cư, trẻ em cơ nhỡ, lao động nghèo trên địa bàn Hà Nội đón Tết ấm áp.
Sinh viên chuẩn bị lên đường tặng quà cho người vô gia cư. |
Chương trình diễn ra trong gần 2 tháng, STQ trao được số lượng lớn quần áo, chăn màn, sữa, xôi… cho người lao động nghèo.