Nhạc trưởng Lê Phi Phi hiện sống và làm việc tại Macedonia và là một trong những nghệ sĩ âm nhạc cổ điển Việt thành danh ở châu Âu. Chuyến trở về quê hương lần này của vị nhạc trưởng tài ba ngoài biểu diễn cùng vợ tại quê nhà, chỉ huy hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi, anh còn đưa con trai 18 tuổi về thăm quê hương.
Vợ nhạc trưởng Lê Phi Phi là nghệ sĩ violin Lidia Dobrevska. Lidia đã biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng khác nhau tại các nước như Nga, Hy Lạp, Montenegro, Pháp, Đức, Italy, Việt Nam, góp mặt trong các liên hoan âm nhạc thế giới nổi tiếng cũng như ngồi ở vị trí giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế… Hiện Lidia là thành viên thường trực của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia, thành viên của dàn nhạc dây Skopie solists và một số nhóm nhạc thính phòng khác.
Nhân chuyến về nước lần này, Lidia đã dành cho phóng viên buổi trò chuyện rất thú vị xung quanh công việc, cuộc sống và đặc biệt là những chia sẻ rất thật của cô dâu ngoại quốc đã gắn bó hơn 20 năm với vị nhạc trưởng được cho là rất kỹ tính.
Lidia Dobrevska cùng chồng luôn tỏa sáng trên sân khấu. |
Bố mẹ hơi "lăn tăn" khi biết con gái yêu một người Việt Nam
- Chị có thể chia sẻ đôi chút về cơ duyên anh chị đến với nhau?
- Tôi sinh tại thủ đô Skopie, Macedonia trong gia đình không có truyền thống âm nhạc. Bố tôi là giáo viên dạy Sử. Tuy nhiên, người Madedonia lại có năng khiếu âm nhạc và khả năng thẩm âm rất tốt. Con người nơi đây rất yêu âm nhạc. Tôi bắt đầu học đàn violin từ nhỏ, đã sớm đạt được một số giải lớn trong các cuộc thi violin cho lứa tuổi thanh thiếu niên thuộc Nam Tư cũ. Sau đó, tôi đã được chuyển tiếp đi học đại học âm nhạc ở nhạc viện Tchaikovsky, Moscow (Nga).
Ở đây, tôi quen Lê Phi Phi và rất nhiều bạn Việt Nam. Trước khi biết tới anh Phi, tôi chỉ biết Việt Nam là đất nước có chiến tranh. Nhưng khi biết anh Phi tôi thấy tính cách của anh, tính cách của con người Việt Nam tương đồng với tính cách của dân tộc Macedonia đó là sự trung thực, hiền lành, mến khách… Tôi có cảm tình với anh Phi từ đó và cả hai nảy sinh tình cảm yêu đương từ lúc nào không hay.
- Cách đây 30 năm, việc một người Việt Nam yêu và lấy một người ngoại quốc thường bị gia đình phản đối lắm bởi sự khác biệt văn hóa. Thời điểm đến với nhau, anh chị có gặp trở ngại gì không?
- Lúc quyết định đi tới hôn nhân, gia đình anh Phi không có ý kiến gì cả. Anh Phi có nói rằng, mặc dù anh được giáo dục trong môi trường rất khắt khe nhưng bố mẹ anh lại rất thoải mái trong việc để con cái lựa chọn bạn đời cho riêng mình. Bố mẹ anh Phi đều là người nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp nên việc giao tiếp với tôi không có gì khó khăn. Vì ngôn ngữ không bất đồng nên chúng tôi rất dễ hiểu nhau.
Từ khi yêu và lấy nhau, tôi cảm thấy anh Phi mặc dù sinh ra trong một gia đình rất nền nếp nhưng tôi không cảm thấy sự hà khắc khó chịu ở trong đó. Chính vì vậy tôi đã quyết định đến với anh Phi.
Còn phía gia đình tôi, biết tôi chọn anh Phi, bố mẹ tôi hơi "lăn tăn" một chút bởi không riêng gì bố mẹ tôi mà đất nước Macedonia lúc bấy giờ biết về Việt Nam quá ít ỏi. Khi gặp bố mẹ anh Phi và anh Phi, sự băn khoăn của bố mẹ tôi hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự tin tưởng: “À, bây giờ mình có thể gả chồng cho con gái được”.
- Lần đầu tiên ra mắt nhà chồng, lại ở một đất nước hoàn toàn khác, cảm xúc đó chắc giờ chị vẫn còn nhớ chứ?
- Lần đầu tiên tôi gặp mẹ anh Phi là ở Moscow. Bà rất cởi mở nên tôi không có cảm giác phải giữ kẽ điều gì cả. Như đã nói, vì bố mẹ chồng của tôi đều nói được 2 thứ tiếng nên chúng tôi giao tiếp thoải mái. Lần đầu tiên gặp mặt tôi đã cảm nhận được sự nồng hậu dễ gần của bố mẹ chồng tương lai.
- Cho tới thời điểm này, anh chị đã đi cùng nhau trên con đường hạnh phúc 23 năm. Điều gì đã khiến anh chị gắn bó với nhau?
- Thứ nhất đó là tình yêu ban đầu, mà tình yêu ban đầu ai cũng có cả. Nhưng sau hết là đời sống vợ chồng. Đời sống vợ chồng thì phải hiểu biết và cảm thông với nhau, chấp nhận cả thói xấu của nhau. Khi một người này tiến thì người kia phải lùi để không gây căng thẳng trong các cuộc tranh luận. Cho tới thời điểm này, tôi có thể khẳng định rằng sự cảm thông và chia sẻ là "liều thuốc" đã khiến chúng tôi đi được một chặng đường hôn nhân dài.
- Anh chị làm cùng dàn nhạc, có khi nào vì khúc mắc công việc mà lại mang sự giẫn dỗi về nhà không?
- Có chứ, đấy là lúc chúng tôi còn trẻ, nhiều khi bị sếp chỉnh ở nhà hát thì chúng tôi cũng tỏ vẻ giận dỗi nhau khi về nhà. Nhưng đấy chỉ là lúc còn trẻ. Khi chúng tôi già hơn chút xíu, chúng tôi đã hiểu thế nào là công việc và thế nào là tình cảm. Thế nên mặc dù bây giờ trên sàn tập vẫn có lúc quan điểm của tôi và anh Phi không trùng nhau và đi đến tranh luận nhưng nó chỉ dừng ở mức công việc. Về nhà chúng tôi lại là vợ chồng.
Vợ chồng nghệ sĩ Lidia Dobrevska cùng con trai Lê Adam Linh trong chuyến du lịch Vịnh Hạ Long. |
Cuối tuần chúng tôi sẽ làm những món đặc sản của Việt Nam
- Chị nói được rất ít tiếng Việt, vậy trong nhà chị, từ cách bài trí cho tới việc chuẩn bị những bữa ăn, phong cách Việt Nam hay Macedonia được chú trọng hơn?- Tiếng Việt thì tôi có thể hiểu được khi mọi người nói nhưng tôi không nói được. Lúc sang Macedonia định cư, khi con trai mới ra đời, anh Phi đã tự nhủ làm sao phải cho cháu sống và lớn lên trong một môi trường mang đậm nét văn hoá Việt. Bằng tất cả mọi nỗ lực, qua đường tàu biển, anh Phi đã mang từ trong nước sang một bộ bàn ghế, tủ chè khảm trai để trang trí cho phòng khách theo phong cách Việt. Nhà không có bàn thờ nhưng có một góc trang trọng nhất dành để thắp hương trong những dịp đặc biệt, chẳng hạn như ngày Tết.
Anh Phi đã giải thích cho tôi ý nghĩa của Tết, ý nghĩa của những nén hương, về những truyền thống của một gia đình khi đón Tết tại Việt Nam… Mâm cỗ cúng đêm giao thừa thật đơn giản: bánh chưng và mứt Tết. Và tôi tôn trọng sự bài trí cũng như nét văn hóa của anh Phi mang sang.
Cũng như thế, anh Phi cũng tôn trọng văn hóa của tôi. Mỗi tuần, chúng tôi có sẽ nấu cơm lúc có thời gian, khi bận bịu thì chúng tôi ăn đồ Tây. Thế nhưng, nhất định cuối tuần chúng tôi sẽ làm những món đặc sản của Việt Nam.
- Chị nấu được những món ăn của Việt Nam chứ?
- Tôi nấu được món phở, nem, bún bò, chả cá… Những món này anh Phi đều dạy tôi cả nhưng anh ấy bảo “trò xuất sắc hơn thầy”. Lúc nào anh ấy cũng nói tôi nấu ngon hơn anh ấy. Anh ấy thường khen: “Vợ nấu cơm Việt như người Việt”.
- Con trai chị có thích ăn món Việt không, cháu có nói tiếng Việt thành thạo không?
- Con trai tôi đặc biệt thích ăn món ăn Việt, những món chấm với nước mắm cháu rất thích. Món nem với phở gà cũng là thực đơn yêu thích của cháu. Mắm tôm, mắm nêm cháu đều rất hào hứng mỗi khi chúng tôi làm món cuốn. Chồng tôi thường đùa rằng có lẽ trừ pizza là khi ăn cháu không chấm nước mắm.
Lúc bé, anh Phi có dạy cháu nói tiếng Việt và cháu nói được. Thế nhưng bắt đầu tới tuổi đi học, cháu bắt đầu cảm thấy nói tiếng Việt khó bởi xung quanh không có ai nói tiếng Việt. Nếu 2 vợ chồng tôi cùng nói tiếng Việt thì không sao, đằng này chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Macedonia nên cháu dần dần không nói được tiếng Việt nữa.
Thế nhưng, chúng tôi tin rằng khi tốt nghiệp đại học xong, cháu vẫn có ý định về Việt Nam sinh sống thì lúc đó chắc chắn cháu phải nói tiếng Việt tốt. Tôi tôn trọng quyết định của cháu.
Mâm cỗ ngày Tết của nhạc trưởng Lê Phi Phi dù ở xứ người bao giờ cũng có mứt, xôi, gà, bánh chưng, canh măng... |
- Con trai chị có thừa hưởng năng khiếu âm nhạc của bố mẹ không?
- Cháu có thừa hưởng năng khiếu âm nhạc của bố mẹ, biết cách chọn nhạc và nghe nhạc. Mặc dù từ bé được tiếp xúc và thường xuyên được nghe nhạc từ cả bố và mẹ nhưng cháu lại không thích nhạc cổ điển, ngược lại thích nghe rock.
Cũng có thể vì thấy bố mẹ vất vả quá trong công việc nên cháu không muốn theo nghề. Vì như bạn biết đấy những nghề khác, chẳng hạn như bạn học kế toán hay kỹ sư, tốt nghiệp cấp 3, bạn ra trường rồi thi đại học, bạn chỉ cần học 4,5 năm là có thể làm nghề. Thế nhưng chúng tôi phải học từ bé, đến khi đi làm rồi vẫn phải học. Bình thường các gia đình khác, bố mẹ sau giờ tan sở có thể nghỉ ngơi, ngồi máy tính một chút nhưng gia đình tôi thì bố ôm đàn đằng bố, mẹ ôm đàn đằng mẹ, tập suốt năm suốt tháng như vậy, lúc nào nhà cũng có tiếng đàn lại là nhạc cổ điển. Có lẽ như thế nó cũng gieo vào đứa trẻ non nớt sợ những thử thách chông gai phía trước.
- Câu hỏi hơi riêng tư một chút, con trai chị đã lớn, anh chị có ý định sinh thêm em bé để cháu có anh có em không?
- Con trai tôi đã 18 tuổi. Tôi thấy tiếc vì chỉ có cơ hội sinh một cháu. Thực ra, công việc của chúng tôi nhìn vậy thôi, tưởng chơi đàn là nhàn hạ nhưng thực chất cực kỳ tốn sức. Lúc còn trẻ, chúng tôi bận bịu lưu diễn đây đó, không có thời gian để nghĩ tới việc sinh con. Như bạn biết đấy, vợ chồng tôi làm cùng nghề, lại cùng đoàn, đi lưu diễn cả 2 cũng đi cùng nhau, tập nhạc cũng tập cùng nhau nên chúng tôi không có nhiều thời gian. Thực ra, cơ hội để sinh cháu thứ 2 với chúng tôi chưa phải là hết nhưng bây giờ còn bận hơn hồi trẻ ấy chứ. Hồi trẻ, vì mới nên chúng tôi hăng say trong công việc, cứ được mời đi diễn là vui lắm rồi. Nhưng bây giờ, không hẳn là hăng say nữa mà còn là trách nhiệm với nghề nghiệp.