Điều còn mãi vẫn giữ được tính kinh viện
- Anh có thể chia sẻ về màn trình diễn sắp tới tại hòa nhạc Điều còn mãi?
- Hai năm trước, tôi đã được chọn để trình bày tác phẩm Bên kia sông Đuống của NS Hồ Bắc. Tôi đã thực sự thăng hoa, mường tượng lại một thuở oanh liệt oai hùng bên dòng sông Đuống trong thời kì kháng chiến. Dù không được chứng kiến 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc nhưng trong tôi luôn thể hiện trách nhiệm, sự tự hào, lòng tự tôn dân tộc và yêu quê hương tha thiết của tuổi trẻ,
Đến nay, chương trình vẫn giữ được tính kinh viện của một buổi hoà nhạc trong nhà hát. Năm nay, tôi sẽ tự chọn cho mình 2 tác phẩm Người lái đò trên sông Pô Kô và Chiếc khăn Piêu.
Người lái đò trên sông Pô Kô đòi hỏi người hát phải có quãng giọng rộng và một không gian trải dài mênh mang. Tôi giữ nguyên tinh thần mênh mang và hào sảng, cuồn cuộn ấy trong Điều còn mãi lần này. Chiếc khăn Piêu tuy là một dấu ấn của Tùng Dương nhưng sẽ được phối khí lại và hát với dàn nhạc giao hưởng thay vì hát với dàn nhạc nhẹ và thanh âm điện tử như trước đây.
Hình ảnh của Tùng Dương trong chương trình Điều còn mãi 2013. |
Vào ngày đại lễ 2/9 trọng đại của đất nước, tôi tự hào được cất cao tiếng hát tại thánh đường Nhà hát lớn trong một chương trình hoà nhạc tôn vinh vẻ đẹp của lịch sử, của các tác phẩm bất hủ qua thời gian và được biên tập rất bài bản, sâu sát, chân thực qua qua các thời kỳ và đúng như tên gọi Điều còn mãi. Đó là đêm hòa nhạc rất ý nghĩa tôn vinh những điều đẹp đẽ thiêng liêng sẽ còn mãi và lan tỏa tới cộng đồng.
- Anh có lo rằng chương trình sẽ kén khán giả?
- Mỗi chương trình đều sẽ có đối tượng khán giả riêng. Chúng ta không thể bắt các bạn trẻ đều phải am tường, đam mê dòng nhạc hàn lâm, các bài hát bất hủ trong kháng chiến. Ở lứa tuổi của các bạn, tiếp cận những dòng nhạc trẻ trung, sôi động, đa dạng ở tính thể loại hợp xu hướng thời đại và nhịp sống nên đương nhiên sẽ dễ dàng đồng cảm hơn.
Nhưng tôi biết khán giả luôn là những bạn trẻ trí thức. Họ vẫn quan tâm đến nhạc hàn lâm theo cách của họ. Khi con người họ đã tìm được một lối đi hay trăn trở với lý tưởng, triết lý của chính mình thì họ sẽ vẫn dõi theo âm nhạc cổ điển,thính phòng và nhạc đỏ. Không phải tư tưởng "tìm nghe nhạc cũ là cảm hoài dĩ vãng ", tôi luôn tin họ sẽ luôn tìm thấy động lực trong cuộc sống khi nghe thứ âm nhạc đó.
Để các bạn trẻ yêu thích sâu sắc hơn dòng nhạc hàn lâm thì tôi nghĩ hãy cho họ thêm thời gian để gạn lọc, thẩm thấu. Bản thân các bạn trẻ cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức nhất định về âm nhạc. Việc VietnamNet duy trì tổ chức đêm nhạc này hàng năm cũng rất có ý nghĩa trong việc tạo nên những tác động nhất định cho sự thẩm thấu đến các bạn trẻ.
Thanh Lam, Mỹ Linh... không quý Tùng Dương chỉ vì tôi hát hay
- Vì đâu một Tùng Dương từng bị chỉ trích nhiều vì quá "quái" và "dị" lại trở thành một tên tuổi vững chãi trong nghề như hiện nay?
- Đó là một quá trình phát triển "có tổ chức và hệ thống" của tôi (cười). Không so sánh với ai khác, chỉ so sánh với chính bản thân mình. Vì cách đây một thập kỷ, nó từng là sự khởi nguồn âm nhạc cho tôi, hay nói cách khác, hát những gì là chính mình cảm nhận, là tính cách của mình.
Nhưng tôi không muốn khán giả mặc định rằng: "À Tùng Dương vẫn vậy, bao năm vẫn dị biệt", nhất là khi cảm xúc con người luôn thay đổi. Hôm nay muốn thế này, ngày mai cũng chờ mong cái mới, cái khác lạ. Tôi biến đổi nhưng vẫn là mình. Hát tác phẩm dù ở thời kỳ, thể loại nào tôi luôn dành hết tâm huyết và đặt ra cho mình phải chạm tới sự thăng hoa. Chính vì sự luôn không hài lòng, không thỏa mãn mới có một Tùng Dương chín chắn hơn của ngày hôm nay.
Tôi không so sánh mình với các đồng nghiệp khác. Tôi chỉ quan tâm tôi vạch ra các kế hoạch, các dự án tôi có thể kham được và quyết tâm thực hiện nó tốt hay không như đã đề ra với êkip. Một loạt các dự án lớn như Li Ti, Độc Đạo... đều phải thực hiện dài hơi ở nước ngoài. Nếu không có đủ đam mê tôi đã không thể hoàn thành nó.
- Hát với diva có phải là một cách để khẳng định đẳng cấp khi tôi thấy anh thường chọn song ca với những giọng ca hàng đầu Việt Nam?
- Dù tôi có lựa chọn nhưng nếu họ không thích hay không tìm thấy điểm chung trong âm nhạc thì họ cũng chẳng mặn mà đâu. Âm nhạc là sư tự nguyện, không bắt ép được. Tôi nghĩ rằng mình phải thể hiện chính con người mình trước đã và khi đứng cạnh những người có tầm vóc thì tôi không bao giờ cảm thấy mình nhỏ bé trước họ. Tôi chỉ cho họ thấy mình là một cá tính âm nhạc hoặc những điều gì đó thật thuyết phục.
Thanh Lam, Mỹ Linh... không quý Tùng Dương chỉ vì tôi hát hay mà quan trọng nhất điều tôi luôn trăn trở đằng sau tiếng hát của mình. Do vậy, các chị ấy cũng tự đánh giá đúng thực lực và tâm nguyện làm nghề của tôi.
Tôi từng được hợp tác với nhiều nghệ sĩ quốc tế, chẳng hạn như Nguyên Lê và Julia Sarr trong dự án âm nhạc Độc đạo. Để thuyết phục được họ đứng chung sân khấu hay cộng tác với mình không có gì khác ngoài việc phải chứng tỏ được năng lực của bản thân. 7 năm qua tôi hoạt động rất miệt mài, cân bằng giữa cũ và mới, hay 8 lần vinh danh ở giải thưởng Cống Hiến đã khẳng định giá trị mà tôi đã tạo ra cho chính bản thân, khán giả của mình.
Giọng ca Chiếc khăn Piêu luôn để tinh thần phóng khoáng nhưng làm gì cũng phải đặt ra những giới hạn và điều tiết bản thân để phù hợp với thị hiếu khán giả. |
- Anh làm gì để cân bằng giữa thị hiếu chung của âm nhạc thị trường và chất lượng chuyên môn, nghệ thuật?
- Nếu ôm khư khư sự cực đoạn sẽ làm cho người nghệ sĩ đóng hẹp lại cảm xúc, giới hạn không gian của mình. Tôi luôn để tinh thần phóng khoáng nhưng làm gì cũng phải đặt ra những giới hạn và điều tiết bản thân. Đó là cũng là bài học mà tôi rút ra qua mỗi liveshow, mỗi sản phẩm âm nhạc.
Ông trời cho mình giọng hát, nhưng không vì thế mà ỷ lại, tự tin quá đà. Sự thỏa mãn hay thoả hiệp sẽ giết chết bản thân. Tôi luôn nghĩ nghệ sĩ chân chính luôn có một sự kiêu hãnh ngầm. Họ cũng có thể có cám dỗ nhưng không cho phép mình mất đi sự kiêu hãnh với tôn chỉ nghệ thuật một cách tối cao nhất.
Ai nói tôi vẫn "phòng không gối chiếc"?
Tùng Dương đánh giá cao khía cạnh kỹ thuật trong giọng hát. |
- Theo anh, kỹ thuật thanh nhạc đóng vai trò trong việc truyền tải của người hát? Anh ủng hộ con đường học thuật hay hát bằng bản năng, cảm xúc?
- Mọi người hay nói kỹ thuật quá cũng gây ra cảm giác khô cứng nhưng tôi dám khẳng định hát chỉ bằng bản năng cũng gây ra cảm giác ức chế. Ức chế là vì sự hát hồn nhiên quá mà không tìm cách nào xâm nhập được vào tác phẩm để chạm tới mỹ cảm của nó. Các bạn trẻ ngày nay hầu như để cho sự bản năng lên ngôi nên ở góc độ chuyên môn tôi vẫn có cảm giác như vậy.
Để hài hoà được cảm xúc bản năng và kỹ thuật cần phải có thời gian và tinh thần luôn mở để đón nhận, chiêm nghiệm và gạn lọc. Mấy ai hát bản năng mà hay mãi được nếu không chuyển qua các giai đoạn, những dấu mốc quan trọng để thay đổi và sáng tạo. Tôi vẫn rất đánh giá cao những ai hát có kỹ thuật vì nó giúp cho ta chạm tới những điều ta muốn kỳ vọng . Còn cảm xúc chính là điều ta phải gìn giữ trước những bất biến của đời sống.
- Theo anh, người trẻ làm nghệ thuật hiện nay được gì và thiếu gì?
- Phương châm của tôi làm gì cũng để hết cái tâm của mình vào đó, luôn biết lắng nghe và gạn lọc cho chính bản thân mình. Sự cực đoan là tốt nhưng cũng sẽ mang lại hiệu quả ngược chiều cho con đường sự nghiệp của bạn.
Luôn học hỏi từ những người nhỏ tuổi hơn mình chứ không phải chỉ biết nhìn lên. Xung quanh ta sẽ luôn mang những giá trị, những bài học bổ ích cho chính bản thân chúng ta. Năng lượng, nhiệt huyết và đam mê là khởi nguồn cho chính các bạn trẻ. Còn với các bạn khán giả trẻ, lựa chọn cách thưởng thức âm nhạc cũng nói lên chính cá tính của mỗi con người.
Tôi chuẩn bị thực hiện album Rễ cây với một ê-kíp trẻ. Cơ hội đến với nhau, nhận lại từ nhau năng lượng, sức trẻ cho tâm hồn của mình luôn trẻ trung nên tôi luôn luôn trân trọng những giá trị, sự sáng tạo mà người trẻ tạo ra. Đặc biệt là với Sa Huỳnh, một nữ nhạc sĩ trẻ mà tôi đánh giá rất cao vì còn trẻ nhưng tác phẩm đã tìm thấy tư tưởng của chính mình.
- Thời gian gần đây báo chí phong cho anh danh hiệu Divo nhạc Việt và cũng rộ lên danh hiệu Divo và các tiêu chí. Vậy theo anh, divo cần có những tiêu chí nào?
- Có diva thì sẽ có divo (cười). Tôi muốn mọi người nhìn mình như một nghệ sĩ chân chính. Được làm sứ mệnh là một nghệ sĩ với tôi là điều thiêng liêng hơn bất cứ danh hiệu gì. Còn thực tế, divo hay diva đều là những danh hiệu mà khán giả yêu quý và ghi nhận, đương nhiên là phải hội tụ đủ những tiêu chuẩn trong nghề nghiệp.
Đỉnh cao của kiến trúc là thượng tầng thì trong âm nhạc, nghệ thuật cũng phải có những mỹ từ để gọi tên những đỉnh cao của nghệ thuật, cũng có những danh hiệu khó gọi tên lắm khi muốn vinh danh những giá trị mà họ tạo ra. Tuy nhiên, danh hiệu không hẳn quyết định được đẳng cấp của nghệ sĩ. Cần phải tỉnh táo trước các danh xưng vì nó cũng có thể là sự giới hạn chính con đường sự nghiệp. Với những danh hiệu đạt được, nếu yên vị hay ngủ quên với nó, một ngày nào đó, người nghệ sĩ sẽ nhận ra rằng chính nó phủ định bản thân, cạn kiệt sức sáng tạo.
Lên sân khấu biểu diễn, anh cháy hết mình, có khi nhập tâm như lên đồng. Vậy ngoài đời Tùng Dương là người thế nào, có ‘dị biệt’ hay giản dị hơn thế ?
Càng lớn con người ta sẽ càng chững chạc, thâm trầm hơn. Sự nổi loạn vẫn luôn ngự trị trong bản thể của tôi. Nó chỉ chờ từng thời điểm để phát tiết. Nhưng nó sẽ luôn được chuyển hoá và thay đổi ở từng giai đoạn khác nhau. Và con người ta sẽ luôn học cách chế ngự chính bản thân mình.
- Từng chia sẻ sẽ lấy vợ vào năm 2014 nhưng đến nay anh vẫn ‘phòng không gối chiếc’?
- Ai nói tôi vẫn "phòng không gối chiếc" (cười). Tôi tôn trọng những luật lệ của tình yêu đã đề ra giữa 2 chúng tôi: 'Không công khai chuyện riêng tư một cách chính thức trên các phương tiện truyền thông'. Tôi sợ lắm, nhất là các cặp đôi yêu nhau ngày hôm nay hồn nhiên thể hiện tình yêu trên báo chí còn ngày mai họ lại quay lưng với nhau.
Chúng tôi sống và có khoảng không gian đủ để hít thở điều mà cả hai muốn cảm nhận. Nhưng tôi khẳng định con người ta thường tìm thấy giá trị cao nhất của cuộc sống nằm ở gia đình. Và phụ nữ với tôi luôn là điều đẹp đẽ nhất và luôn ngự trị trong các tác phẩm mà tôi hát.