"Trong suốt những tháng ngày chống dịch, điều tôi ấn tượng nhất chính là sự chung tay, đồng hành của toàn thể nhân dân. Chúng tôi đã có nguồn năng lượng tích cực để chiến đấu với Covid-19. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng giữ gìn ngọn lửa này để cống hiến hết mình vì sức khỏe, sự an toàn của nhân dân", đó là những chia sẻ của bác sĩ CKII Phạm Thanh Hải - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM tại Lễ trao giải cuộc thi "Lan toả năng lượng tích cực (lần 2)".
Với chủ đề "Cùng nhau vượt đại dịch", cuộc thi được tổ chức bởi báo Tuổi trẻ đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng từ bạn đọc trên khắp cả nước.
Cuộc thi năm nay, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ tham gia với hai video. Đó đều là thước phim ghi lại những khoảnh khắc không thể nào quên bên trong nơi tiếp nhận, điều trị những sản phụ là bệnh nhân Covid-19.
Giai đoạn căng thẳng nhất của đợt dịch bệnh thứ tư tại TP.HCM đã qua đi, nhưng bác sĩ Hải cùng tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Từ Dũ vẫn không thôi xúc động khi nhớ đến những em nhỏ sinh ra trong khu vực điều trị F0. Vừa lọt lòng, các em đã chịu cảnh xa mẹ cha và chỉ có sự vỗ về của các bác sĩ qua bộ đồ bảo hộ.
Ban tổ chức cuộc thi chụp ảnh kỷ niệm cùng các khách mời và cá nhân đoạt giải thưởng. |
"Tôi điều trị bệnh nhân nhưng đôi lúc quá căng thẳng nên không thể nhớ được những cảm xúc rất thiêng liêng khi các bé vừa chào đời. Tôi đã chụp lại hình ảnh của các con và gửi đến cha mẹ. Họ rất bất ngờ và xúc động. Đó chính là nguồn năng lượng tích cực mà những người làm nhiệm vụ y tế chúng tôi có thể làm trong lúc dịch bệnh", một bác sĩ từ Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ.
Với đội ngũ ban giám khảo có chuyên môn cao, cuộc thi "Lan toả năng lượng tích cực (lần 2)" đã lựa chọn ra 15 tác phẩm để trao giải, bao gồm: 10 giải khuyến khích, 2 giải ba, 1 giải nhì, 1 giải nhất và 1 giải được khán giả yêu thích nhất.
Hai tác phẩm tham dự cuộc thi của Bệnh viện Từ Dũ đã đoạt một giải nhì và một giải tác phẩm được yêu thích nhất.
Giải nhất cuộc thi thuộc về tác giả Lê Minh Thi đến từ Đồng Tháp với tác phẩm "Phan Văn Sanh - Từ vực tối đứng lên". Đoạn phim kể về chàng trai Văn Sanh, từ một cầu thủ bóng đá đã trở thành người khiếm thị do tai nạn giao thông.
Không chịu ngồi yên trong bóng tối, Sanh đã miệt mài và cố gắng trở thành một huấn luyện viên bóng đá đặc biệt.
Anh hiện là người thầy của trên 400 em nhỏ yêu bóng đá của hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Đến nay, những lứa học trò được anh đào tạo, có em trở thành học viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và nhiều Câu lạc bộ bóng đá lứa U trong ngoài tỉnh.
Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, cho biết thông qua cuộc thi, chính bạn đọc đã lan truyền những năng lượng tích cực cho nhau và cho những người làm báo, giúp cộng đồng có tinh thần ý chỉ để cùng vượt qua đại dịch Covid-19.
"Tuy cuộc thi không phải những người làm báo chuyên nghiệp, xong các tác phẩm đều rất chuyên nghiệp, tỉ mỉ… Tất cả cho thấy một năng lượng tích cực, dồi dào và là động lực góp phần hồi sinh cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ rằng, với chiếc điện thoại đơn giản, chúng ta có thể xem những video sẽ giúp chúng ta bình tâm, tìm ra niềm vui và góp phần lạc quan trong cuộc sống", ông Trung chia sẻ.