Khi phát hiện bất kỳ triệu chứng đau ngực nào không rõ nguyên nhân, người bệnh cần đến khám để điều trị kịp thời. Ảnh: Solacesleep. |
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 1/4 ca tử vong ở nam và 1/5 ca tử vong ở nữ là do bệnh tim. Bệnh tim nói chung liên quan đến một số tình trạng ảnh hưởng đến cơ quan này, trong đó có nhồi máu cơ tim.
Cùng một căn bệnh nhưng nam giới và nữ giới xuất hiện những dấu hiệu khác nhau. Phụ nữ thường ít có khả năng cảm thấy áp lực trong lồng ngực hơn nam giới. Tuy nhiên, họ dễ bị chóng mặt, mệt mỏi hoặc buồn nôn. Họ cũng có thể bị đau ở cả hai cánh tay, thay vì chỉ đau ở cánh tay trái.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), các triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim ở phụ nữ bao gồm:
- Đau ngực hoặc khó chịu;
- Khó thở;
- Đổ mồ hôi lạnh, choáng váng hoặc buồn nôn;
- Khó chịu, tê nhức hay đau ở một hoặc cả hai cánh tay, cổ, dạ dày, hàm và lưng;
- Cảm giác bị ép chặt, đau nhói và áp lực ở giữa ngực.
Những triệu chứng ảnh hưởng đến ngực có thể kéo dài hơn vài phút hoặc dừng trước khi bắt đầu đau lại.
Nguyên nhân khác gây đau ngực
Một số nguyên nhân khác có thể gây ra đau ngực ở phụ nữ. Mặc dù chúng không nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, người có các triệu chứng này vẫn nên đi khám bác sĩ.
Tình trạng liên quan đến tim
Một số vấn đề liên quan đến tim có thể gây đau ngực bao gồm:
- Viêm cơ tim;
- Đau thắt ngực, cơn đau do tim không nhận đủ máu;
- Bệnh cơ tim;
- Viêm màng ngoài tim, tình trạng lớp màng bao quanh tim bị kích thích và sưng lên;
- Lóc tách động mạch chủ, tình trạng hiếm gặp khi trong động mạch chủ xuất hiện vết rách.
Biến chứng đường tiêu hóa
Trong một số trường hợp, đau ngực có thể do các biến chứng và bệnh lý liên quan đường tiêu hóa bao gồm:
- Ợ chua hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD);
- Túi mật hoặc tuyến tụy bị viêm;
- Sỏi mật.
Tình trạng liên quan đến phổi
Các nguyên nhân khác gây ra đau ngực liên quan đến phổi như viêm phế quản, vỡ phổi, viêm phổi, tắc mạch phổi hay co thắt phế quản.
Vấn đề về xương hoặc cơ
Trong một số trường hợp khác, phụ nữ có thể bị đau ngực do các vấn đề về xương hoặc cơ.
Xương sườn bị gãy hoặc bầm tím có thể gây đau và sưng, trong khi hội chứng đau mạn tính và hoạt động quá sức của cơ đều có thể gây đau ở ngực. Ngoài ra, gãy xương do đè ép cũng có thể tạo áp lực lên dây thần kinh, gây ra cơn đau.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim của phụ nữ bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt và đau nhức ở cả hai cánh tay. Ảnh: Pexels. |
Khi nào cần đến bác sĩ?
Bất kỳ ai bị đau ngực không rõ nguyên nhân nên đến gặp bác sĩ, để tiến hành các xét nghiệm và xác định nguyên nhân cơ bản. Từ đó, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.
Cách chẩn đoán
Thông thường, bác sĩ sẽ hỏi một số câu về tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình của người bệnh. Họ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng khác và loại thuốc nếu bệnh nhân đang dùng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện vài xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra cơn đau. Những thử nghiệm này có thể bao gồm chụp X-quang ngực, xét nghiệm máu, chụp MRI, chụp mạch vành, điện tâm đồ (EKG), các bài kiểm tra căng thẳng hay siêu âm tim.
Cách điều trị
Tùy thuộc vào chẩn đoán và kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đề xuất một hoặc nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Nếu đau ngực do các vấn đề về tim, bệnh nhân có thể được đề xuất đặt ống thông tim, uống thuốc để làm mở động mạch, tan cục máu đông hoặc làm loãng máu, hay thậm chí phẫu thuật để sửa chữa động mạch.
Trong trường hợp nguyên nhân của cơn đau ngực không liên quan đến tim, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân uống thuốc kháng axit hoặc thuốc giảm axit để ngăn ngừa trào ngược, ợ chua hay uống thuốc chống lo âu.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.