Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ chẩn đoán nhầm bệnh tiểu đường type 1 thường ở trẻ em

Trẻ mắc tiểu đường type 1 thường có các triệu chứng giống những bệnh thông thường khác. Do đó, bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trẻ em mắc tiểu đường type thường dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Ảnh: Hopkins Medicine.

Cô bé 8 tuổi Braelynn Starnes là một trong số gần 300.000 trẻ em Mỹ mắc bệnh tiểu đường type 1. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm, thậm chí cả tình trạng chẩn đoán nhầm, xung quanh căn bệnh này ở trẻ.

“Cháu muốn những người khác biết cháu không mắc bệnh tiểu đường type 1 do ăn nhiều kẹo. Các bạn học trong lớp đều nghĩ như vậy. Không ai nghĩ cháu sinh ra đã mắc bệnh”, bệnh nhi 8 tuổi chia sẻ.

Braelynn Starnes được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1 vào năm 2021.

Sự nhầm lẫn về loại bệnh tiểu đường này góp phần vào việc không nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng quan trọng. Trong một số bệnh, nhận biết bệnh sớm có thể cứu sống bệnh nhân. Bệnh tiểu đường type 1 cũng không ngoại lệ.

Theo Iredell Free News, bằng cách tìm hiểu thêm về bệnh tiểu đường type 1, người lớn có thể giúp ngăn ngừa sự hiểu lầm đồng thời nâng cao nhận thức về các dấu hiệu cảnh báo căn bệnh này.

Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường type 1 từng được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên vì nó thường phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Nhưng thực tế, nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bệnh xảy ra khi cơ thể sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin. Insulin là loại hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng glucose hoặc đường trong máu.

"Type 1 về mặt kỹ thuật là dạng tự miễn dịch của bệnh tiểu đường. Đó là một 'sự cố' của hệ thống miễn dịch", Amy Brant, y tá chăm sóc sức khỏe và quản lý chương trình bệnh tiểu đường tại Trung tâm Sức khỏe & Bệnh tiểu đường Iredell, cho biết.

tieu duong type 1 anh 1

Braelynn Starnes cùng mẹ (ngoài cùng bên phải) tham gia lớp học Định hướng Bệnh tiểu đường của Hệ thống Y tế Iredell do bà Amy Brant (ngoài cùng bên trái) giảng dạy. Ảnh: Iredell Free News.

Tiếp xúc với tác nhân môi trường, chẳng hạn virus, bệnh tật hoặc chấn thương tâm lý, có thể khiến hệ thống miễn dịch tự kích hoạt, phá hủy các tế bào beta - tế bào sản xuất insulin.

“Nhiều lần, chúng tôi phát hiện bệnh nhi tiểu đường type 1 từng mắc một số loại virus hoặc bệnh tật, chẳng hạn liên cầu khuẩn hoặc cúm. Hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ đã làm việc rất chăm chỉ để chống lại virus. Nhưng thay vì tấn công virus, mầm bệnh, nó lại tấn công các tế bào beta của tuyến tụy”, bà Brant nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, quá trình phá hủy các tế bào beta trong cơ thể có thể diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện. Khi 90% tế bào beta bị phá hủy, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 thường bao gồm khát nước nhiều hơn, đi tiểu thường xuyên, luôn đói, mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Câu chuyện của Braelyn Starnes

Trong trường hợp của Braelyn Starnes, mẹ em nhận thấy các triệu chứng ở con từ rất sớm, ngay cả trước khi các dấu hiệu điển hình xuất hiện.

“Thành thật mà nói, có lẽ, Covid-19 đã cứu con. Tôi là một giáo viên. Braelyn đang học mẫu giáo. Và cả hai mẹ con đều dạy - học trực tuyến vào năm đó. Vì vậy, chúng tôi thực sự ở nhà cùng nhau mọi lúc. Tôi bắt đầu nhận thấy con mệt mỏi sau khi ăn và kêu đau đầu”, Brittany Starnes nói.

Năm Braelyn 7 tuổi, gia đình đưa em đi kiểm tra sức khỏe. Lúc đó, Brittany đã bày tỏ mối lo ngại của mình với bác sĩ nhi khoa và hỏi liệu họ có thể tiến hành xét nghiệm máu hay không - một quyết định cuối cùng sẽ cứu mạng Braelyn.

Khoảng một tuần sau, bác sĩ nhi khoa gọi điện và nói rằng mức A1C của Braelyn tăng cao. Xét nghiệm A1C là xét nghiệm máu đơn giản để đo lượng đường trung bình trong máu và được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Cô được giới thiệu đến một bác sĩ nội tiết nhưng phải hai tháng sau, họ mới có thể hẹn gặp.

Trong buổi khám, bác sĩ nội tiết chẩn đoán nhầm Braelyn mắc tiểu đường type 2 và đề nghị gia đình thay đổi chế độ ăn uống của em.

Thật không may, bệnh tiểu đường type 1 thường bị chẩn đoán sai. Các dấu hiệu thường có thể bị nhầm lẫn với bệnh tiểu đường type 2, nhiễm trùng đường tiết niệu hay các bệnh thông thường khác ở trẻ em như đau dạ dày hoặc cúm.

“Người lớn có thể nói rõ các triệu chứng của mình. Nhưng với trẻ em, khi bác sĩ hỏi 'cháu cảm thấy thế nào', chúng chỉ biết trả lời ‘cháu cảm thấy không khỏe'. Bác sĩ phải dựa vào cha mẹ để tìm hiểu các triệu chứng, và đôi khi, họ không biết. Họ chỉ nghĩ đó là bệnh của trẻ con”, bà Brant nói.

tieu duong type 1 anh 2

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ mắc tiểu đường type 1 có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng. Ảnh: Hospital Pharmacy Europe.

Sau khi thay đổi chế độ ăn uống trong 6 tuần, Brittany đã lên lịch hẹn với một bác sĩ nội tiết khác. Người này nói với họ rằng Braelyn không mắc bệnh tiểu đường type 2. Em mắc type 1.

“Vì vậy, chúng tôi đã trải qua suốt 4 tháng khi biết rằng A1C của cô ấy tăng cao và không có gì được thực hiện để giải quyết vấn đề đó. Rồi ngày hôm sau, thế giới đã thay đổi và con được tiêm insulin”, Brittany kể.

Cô cho biết Braelyn không có các triệu chứng bình thường điển hình của tiểu đường type 1.

“Nếu không có Covid-19 và hai mẹ con không ở nhà cùng nhau, có lẽ, con bé đã phải nhập viện, đến lúc đó, chúng tôi mới phát hiện ra bệnh. Chúng tôi đã nhận thấy triệu chứng ở con từ rất sớm”, cô nói thêm.

Để tìm hiểu thêm về chẩn đoán và cách chăm sóc con gái bị tiểu đường đúng cách, Braelyn và Brittany đã tham gia các lớp học Định hướng Bệnh tiểu đường của Hệ thống Y tế Iredell với Amy Brant.

Nhận biết sớm triệu chứng tiểu đường type 1 ở trẻ

Brittany tự nhận Braelyn là người may mắn vì họ đã phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em phải nhập viện do các triệu chứng. Nếu con phát triển các dấu hiệu nhận biết của bệnh tiểu đường loại 1 (khát nước, đói, đi tiểu nhiều, cha mẹ nên hẹn khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nếu xác định trẻ mắc tiểu đường type 1, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ nhập viện để truyền dịch IV và insulin.

Trong trường hợp không được phát hiện, bệnh tiểu đường type 1 có thể phát triển thành biến chứng đe dọa tính mạng được gọi là nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA) - kết quả của việc không đủ insulin trong cơ thể. Các dấu hiệu của DKA bao gồm nôn mửa, buồn nôn, khó thở, hơi thở có mùi trái cây. Nếu không được điều trị, DKA có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Vì các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 giống nhiều bệnh khác nhau, việc yêu cầu xét nghiệm lượng đường trong máu giống như Brittany đã làm rất quan trọng.

“Đôi khi, cha mẹ nghĩ con họ chỉ bị ốm. Họ sẽ cho con nghỉ học, ở nhà nghỉ ngơi trong ngày. Nhưng rất nhiều trường hợp để quá lâu hoặc bị chẩn đoán sai trong phòng cấp cứu mà không kiểm tra lượng đường trong máu. Điều đó đã dẫn đến một số trẻ tử vong”, bà Brant nói.

Bà nói thêm ngay cả khi bác sĩ không nghi ngờ gì về bệnh tiểu đường và có chẩn đoán hợp lý hơn, cha mẹ vẫn nên yêu cầu kiểm tra lượng đường trong máu của con.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Làm sao để con bớt bệnh vặt?

Để trẻ bớt mắc bệnh vặt như ho sốt, sổ mũi, tiêu chảy..., phụ huynh cần ghi nhớ 2 điều: Tăng cường miễn dịch cho trẻ và tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Nguyên Lê

Bạn có thể quan tâm