Tiết trời Hà Nội rét buốt, có ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C. Ảnh: Thụy Trang. |
Những ngày qua thời tiết chuyển lạnh sâu, một số bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan.
Bên cạnh đó, một số bệnh hô hấp như cúm A, RSV, sốt xuất huyết cũng tăng số ca nhập viện.
Nhiều ca nhập viện vì đột quỵ, cúm
Mới đây, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Út Trang, Phó trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết giáp Tết Nguyên đán, khi thời tiết lạnh sâu, số người đến khám và nhập viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gia tăng.
COPD là một bệnh lý hô hấp mạn tính khiến người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp.
Thời điểm này, trung bình mỗi ngày khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy, thăm khám cho khoảng 20-30 bệnh nhân mắc COPD. Trong đó, khoảng 20-30% người bệnh phải nhập viện điều trị và có không ít trường hợp bệnh chuyển nặng phải thở máy và chăm sóc toàn diện.
Theo bác sĩ Trang, thời tiết là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh sâu. Bởi phổi là cơ quan trực tiếp thông thương (giao lưu) với môi trường bên ngoài khi hít thở. Tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi.
Đặc biệt, đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp như hen phế quản, COPD, giãn phế quản hoặc suy giảm miễn dịch)… rất dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa hoặc giá rét.
Không khí đi vào cơ thể thường được các cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm. Nếu không khí bị lạnh việc sưởi ấm khó hiệu quả hơn. Ngoài ra, thời tiết lạnh, thay đổi môi trường khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể giảm sút, đặc biệt đối với người có bệnh nền.
Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đang thăm khám cho một bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: BVCC. |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, khoa Cấp cứu, Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết thời tiết biến đổi thất thường như những ngày qua khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.
Ngoài đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) ghi nhận bệnh nhân nhập viện vì tim mạch tăng cao, chủ yếu là người lớn tuổi. Thời tiết chuyển lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa.
Song song đó, những bệnh truyền nhiễm như cúm A, sốt xuất huyết cũng tăng. Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số ca mắc cúm A tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trung bình 100 ca dương tính cúm A trong ngày.
Trong khi đó, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), đã tiếp nhận hơn 150 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A, virus hợp bào hô hấp RSV.
Những người có nguy cơ bị đột quỵ khi trời lạnh
Đột quỵ gây ra do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột, khiến các tế bào não chết, mất chức năng thần kinh. Khi tắc nghẽn mạch máu lớn trong thời gian dài, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề, gây ảnh hưởng đến ý thức, hôn mê.
Khi tình trạng nặng hơn, hiện tượng chèn ép, gây thoát vị não, ảnh hưởng đến vùng thân não, hệ hô hấp và hệ tuần hoàn. Đến lúc này, đột quỵ có thể làm cho bệnh nhân tử vong.
Dưới đây là một số trường hợp có nguy cơ đột quỵ cao khi thời tiết chuyển lạnh, theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
- Có những cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân.
- Hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim.
- Luôn cảm thấy mệt mỏi khó thở nhiều, thở khò khè, đau mỏi cơ bắp, bị chuột rút.
- Mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường
- Béo phì, thừa cân, ít vận động.
- Hút thuốc lá thường xuyên hoặc uống rượu bia nhiều.
- Có người thân trong gia đình bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.
- Bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.
- Nữ trên 45 tuổi, nam trên 40 tuổi.
- Với những người từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trời lạnh sẽ làm tăng nguy cơ nặng/tái phát các bệnh nói trên.
Nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt trong thời tiết lạnh giá, có thể khiến một số người có nguy cơ cao bị đột quỵ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Chủ động phòng bệnh
Để dự phòng bệnh đột quỵ trong mùa giá rét, các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 105 (Hà Nội) khuyến cáo người dân cần có chế độ sinh hoạt hợp lý.
Hơn nữa, việc hạn chế rượubia, thuốc lá, giữ đủ ấm, tránh những đợt gió lạnh bất thường ùa vào khi cửa mở, sống thư thái, tránh căng thẳng, ngăn ngừa stress… sẽ giúp cơ thể thích ứng tốt hơn với môi trường sống, tránh được tai biến mạch máu não, đột quỵ.
Theo Bộ Y tế, các bệnh đường hô hấp, cúm mùa phát sinh nhiều trong thời điểm cuối năm. Trong dịp Tết, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng, thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây là các tác nhân làm gia tăng bệnh đường hô hấp, cúm mùa đặc biệt ở người già, người có bệnh mạn tính, trẻ em.
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo để bảo vệ sức khoẻ, phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, truyền nhiễm người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
- Khi ra ngoài, người dân nên trang bị đủ trang phục ấm, che chắn được gió lùa.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.
- Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như caffeine.
- Không nên tắm sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể.
- Vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy, súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, tiêm vaccine phòng ngừa cúm.
Bên cạnh đó, việc ăn uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hàng ngày, cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán, cần chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cuốn sách "Câu chuyện nơ hồng" được viết dựa trên những nhân vật có thật - những người đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú trong thời gian dài. Ở đây, độc giả có thể cảm nhận được thách thức, khó khăn của những người bệnh ung thư nhưng họ vẫn vượt qua nghịch cảnh để sống vui vẻ, viết lên câu chuyện nơ hồng cho chính họ và cuộc đời của họ.