Nhiều quán cà phê phòng ở Hàn Quốc được bài trí như nhà nghỉ, khách sạn. Ảnh: Shim Story. |
Ở Sinchon, khu vực sinh viên gần Đại học Yonsei tại Seoul, những tấm biển “Room Cafe” (tạm dịch: quán cà phê phòng) tranh nhau thu hút sự chú ý của người qua đường.
Chúng không phải là nơi để thưởng thức cà phê hay món tráng miệng.
Đó là loạt phòng, thường rộng chưa đến 3 m2, đều được lắp đặt TV, phòng tắm có vòi sen và giường. Nhiều trong số này công khai phục vụ trẻ vị thành niên - nhóm bị cấm sử dụng phòng trọ với người khác giới.
Giá thuê quán cà phê phòng là khoảng 10.000 won/giờ (8 USD) - mức phải chăng cho những thanh thiếu niên muốn trốn tránh ánh mắt soi xét và tụ tập uống rượu, quan hệ tình dục, theo The Korea Herald.
Thường được đăng ký là nhà hàng, loại hình quán cà phê phòng kín gần đây thu hút sự chú ý từ các quan chức do khó xác định và quản lý. Các địa điểm ở khu Hongdae gần Sinchon có điện thoại cho phép khách hàng liên lạc với chủ quán mà không cần ra ngoài, cũng như biển báo “Cấm uống rượu”.
“Một khi bước vào đó, bạn sẽ không bao giờ biết chuyện gì đang xảy ra bên trong. Vài cô gái nói rằng họ thích đến đó nếu muốn thân mật với bạn trai”, một học sinh 17 tuổi từng đến quán cà phê phòng 2 lần để xem phim và uống bia cho biết.
Theo bài đăng trên Chosun Ilbo vào năm ngoái, cảnh sát nhận thấy việc đề cập đến các quán cà phê phòng, nơi thanh thiếu niên quan hệ tình dục, xuất hiện trên các cộng đồng trực tuyến.
Tác giả Seo Min-soo cho biết khi hỏi một học sinh trung học về cảm nhận đối với các quán cà phê phòng kín, anh nhận được câu trả lời rằng đó là nơi hợp túi tiền để hẹn hò. Chúng không chỉ phổ biến với học sinh trung học, nhiều học sinh cấp hai cũng từng ghé những địa điểm này.
Theo cuộc khảo sát năm 2020 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, 14% thanh thiếu niên cho biết họ từng đến các quán cà phê phòng.
Biển báo có nội dung cho phép thanh thiếu niên tiếp cận các quán cà phê phòng ở khu vực Đại học Hongik ở Seoul hôm 2/2. Ảnh: Lee Jung-youn/The Korea Herald. |
Lỗ hổng quy định
Các quán cà phê phòng là phiên bản cải tiến của “multi-rooms” (tạm dịch: nhiều phòng) cung cấp nơi để thanh thiếu niên thực hiện mong muốn mà không bị quấy rầy. Các phòng bên trong được trang bị nhiều thứ khác nhau để giải trí như máy chơi game, màn hình cỡ lớn và máy hát karaoke.
Năm 2012, một đạo luật được đưa ra cấm thanh thiếu niên vào địa điểm này.
Các cơ sở tương tự như “phòng DVD” và “phòng video” - cung cấp màn hình, ghế sofa và giường trong các phòng riêng lẻ - cũng bị hạn chế đối với thanh thiếu niên từ lâu.
Các quán cà phê phòng chỉ là phiên bản hơi khác của những loại hình kể trên, được sửa đổi để lách luật. Chúng thường được đăng ký dưới dạng nhà hàng nên khó phân biệt hơn.
Quan chức của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình nhấn mạnh bất kể được gọi là gì, các cơ sở có không gian kín, có khóa và giường - nói cách khác là nơi thanh thiếu niên có thể quan hệ tình dục - được coi là không phù hợp cho thanh thiếu niên kể từ năm 2011.
“Quy định pháp lý đã có từ năm 2011, nhưng hễ xảy ra tranh cãi là các cơ sở lại thay tên đổi họ và tìm cách lách luật. Các quán cà phê phòng không dễ bị triệt phá vì được đăng ký là nhà hàng tổng hợp, không giống như phòng DVD hay nhiều phòng”, Kim Sung-byuk, người đứng đầu văn phòng bảo vệ thanh thiếu niên thuộc Bộ, cho biết.
Ông Kim nói thêm rằng các cơ sở tương tự từng giảm đáng kể do bị đàn áp mạnh mẽ, nhưng dường như đã xuất hiện trở lại gần đây.
Hành lang của quán cà phê phòng kín ở Sinchon (trái) và Hongdae (phải) hôm 2/2. Các phòng không có cửa sổ và cửa ra vào tại cơ sở Sinchon có thể bị khóa từ bên trong. Ảnh: Lee Jung-youn/The Korea Herald. |
Giữa phản ứng chỉ trích ngày càng tăng đối với các quán cà phê phòng, một số chủ sở hữu phàn nàn rằng công việc kinh doanh của họ không vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi có rất nhiều khách hàng tuổi teen, nhưng các em phải rời đi trước 22h, theo quy định của pháp luật. Chúng tôi nghiêm cấm uống rượu bên trong và luôn giữ không gian sạch sẽ”, một chủ quán cà phê phòng ngoài 40 tuổi cho biết.
Dù vậy, người này thừa nhận anh không thể giám sát mọi thứ diễn ra sau cánh cửa.
Kim, chủ quán cà phê phòng khác ở Hongdae, nói rằng không phải tất cả quán cà phê phòng đều tiếp tay cho thanh thiếu niên làm “những việc không phù hợp”.
“Chỉ có rất ít cơ sở kinh doanh có khóa hoặc giường. Thật không công bằng khi triệt hạ tất cả quán cà phê trong phòng chỉ vì một số ít trường hợp ngoại lệ đó”, anh nói.
Một học sinh 17 tuổi cho biết cha mẹ cấm cậu không được đến các quán cà phê phòng, nhưng nhiều bạn bè ở trường cậu đã đến đó.
Song, sinh viên năm nhất đại học, cho biết cô từng đến các quán cà phê phòng khi còn là học sinh trung học.
“Nhiều thanh thiếu niên sẽ luôn làm theo ý mình, bất kể xã hội có cố gắng ngăn cản họ như thế nào. Một số đến quán cà phê phòng với bạn trai hoặc bạn gái, nhưng có ngươi chỉ đến để dành thời gian riêng tư với bạn bè. Không phải lúc nào địa điểm này cũng được sử dụng như không gian cho những điều không phù hợp”, cô nói thêm.
Tuy nhiên, Song đồng ý rằng các cơ sở có khóa và giường không phù hợp với trẻ vị thành niên.
Căn phòng bên trong quán cà phê phòng ở Sinchon được trang bị nhà tắm riêng, giường ngủ, máy lọc không khí, điều hòa và TV. Ảnh: Lee Jung-youn/The Korea Herald. |
Tuần trước, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã gửi công văn tới chính quyền các địa phương yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn để ngăn thanh thiếu niên tiếp cận những cơ sở có phòng, khóa và giường.
“Chúng tôi đã đưa ra lời giải thích cụ thể về loại cơ sở mà trẻ vị thành niên phải tránh xa. Thay vì nêu rõ loại cơ sở, như ‘quán cà phê phòng’, Bộ đang cố gắng đưa ra tiêu chuẩn chính xác để ngăn chặn những thủ đoạn tinh vi”, ông Kim Sung-byuk cho biết.
“Ngoài ra, những doanh nghiệp như vậy phải đính kèm thông báo trước cửa cấm thanh thiếu niên không được vào đó. Chúng tôi sẽ đưa ra lệnh điều chỉnh đối với các cơ sở thông qua cuộc đàn áp”, ông nói thêm.
Vết nứt trong hệ thống giáo dục giới tính
Những cơ sở vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục xuất hiện, chỉ đơn giản là đổi tên để phá vỡ các quy định. Các chuyên gia giáo dục giới tính khuyến cáo rằng giải pháp cơ bản để bảo vệ thanh thiếu niên là giáo dục đúng cách.
Cho Ara, Giám đốc Viện Giáo dục Giới tính và Giao tiếp, cho biết hệ thống giáo dục giới tính của Hàn Quốc cần phải thay đổi hoàn toàn.
“Trong hầu hết trường hợp, giáo dục giới tính trong xã hội bị mắc kẹt ở điểm dạy cách bảo vệ bản thân khỏi bạo lực tình dục, trong đó nhấn mạnh ‘sự đồng thuận của cả hai’ là yếu tố chính của hành vi tình dục. Khoảng 90% yêu cầu giáo dục giới tính từ các trường học là giáo dục phòng chống bạo lực tình dục”, bà nói.
Cho đồng ý rằng giáo dục như vậy là cần thiết, nhưng chỉ ra tác dụng phụ của giáo dục không cân bằng, lỗi thời.
“Bằng cách chỉ coi sự đồng thuận của cả hai bên là yếu tố chính của hành vi tình dục, nó khiến nhiều thanh thiếu niên nghĩ rằng đó là yếu tố duy nhất cần xem xét trong các hành vi tình dục, bỏ qua việc cân nhắc sự an toàn, hậu quả hoặc sự hài lòng”.
Giám đốc Viện Giáo dục Giới tính và Giao tiếp nhấn mạnh các khía cạnh khác của tình dục - những hậu quả thực tế có thể xảy ra và suy ngẫm sâu sắc hơn về nhu cầu của một cá nhân - phải được đưa vào các chương trình giáo dục.
“Chúng ta nên cho phép thanh thiếu niên thảo luận về tình dục một cách tự nhiên, cũng như chia sẻ với các em về các vấn đề thực tế như tránh thai, mang thai, chăm sóc trẻ em và phá thai. Hơn nữa, chúng ta cần cung cấp môi trường nơi thanh thiếu niên có thể suy ngẫm về những gì chúng thực sự muốn”, bà nói.
Quán cà phê tphòng ở Hongdae cung cấp tấm nệm mỏng, TV và chăn. Một thiết bị thông gió được lắp đặt vì không có cửa sổ bên trong. Ảnh: Lee Jung-youn/The Korea Herald. |
Bae Jung-won, giáo sư tại Đại học Sejong, viết chuyên mục nổi tiếng về giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên, cũng chỉ trích hệ thống giáo dục giới tính lỗi thời hiện nay.
“Các trường học ở Hàn Quốc không cung cấp giờ học giáo dục giới tính. Do không có thời gian được ấn định chính thức nên giáo viên phải lấn vào các giờ học khác, dẫn đến việc giáo dục giới tính không quá một giờ, mỗi năm một lần”, ông nói và cho biết thêm rằng giáo dục giới tính bị tắc nghẽn như vậy trong nhiều thập kỷ.
Nam giáo sư chỉ ra rằng trẻ em tiếp xúc với nội dung tình dục trên Internet, nhưng chúng không thể thảo luận về vấn đề này một cách lành mạnh vì giáo dục giới tính chưa được thực hiện đúng cách.
“Chỉ la mắng thanh thiếu niên rằng ‘Đừng đến quán cà phê phòng kín’, ‘Đừng làm thế’ mà không giải thích về hậu quả của quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên hoặc quan hệ tình dục không an toàn sẽ chỉ khiến con cái chúng ta thiếu hiểu biết và không được bảo vệ”, ông nói.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.