Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản. Ảnh: Shutterstock. |
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD) là tình trạng trào ngược axit xảy ra thường xuyên. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến, xảy ra ở 10-20% người lớn. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh cũng có khả năng mắc bệnh.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Thông, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trào ngược axit là cảm giác nóng rát mà bạn có thể cảm thấy ở ngực hoặc cổ họng sau khi ăn một số loại thực phẩm.
Đây là hiện tượng xảy ra do cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả khiến các thành phần của dịch dạ dày, bao gồm axit dạ dày (HCI) trào ngược vào phần dưới thực quản.
Trong khi dạ dày có một lớp niêm mạc bảo vệ khỏi axit thì thực quản lại không có chức năng này. Điều này có nghĩa là axit có thể gây ra tổn thương cho các mô trong thực quản.
Mối liên hệ giữa trào ngược dạ dày và ung thư
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến – một trong hai loại ung thư thực quản chính.
Trào ngược dạ dày thực quản mạn tính có thể dẫn đến Barrett thực quản. Đây là tình trạng các tế bào phần dưới của thực quản bị ảnh hưởng, được thay thế bằng các tế bào bất thường. Các tế bào này không phải ung thư nhưng có thể phát triển thành tế bào tiền ung thư.
Những người bị cả trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản sẽ có nhiều khả năng bị ung thư thực quản hơn những người chỉ bị trào ngược dạ dày thực quản.
Mặc dù rủi ro từ trào ngược dạ dày thực quản tiến triển thành ung thư là nhỏ, nhưng việc kiểm soát và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản là rất cần thiết để hạn chế nguy cơ ung thư. Đồng thời, việc này cũng tránh một số biến chứng có thể xảy ra sau đây:
- Viêm thực quản: Gây đau khi nuốt, có thể có xuất huyết
- Loét thực quản: Gây chảy máu, đau, nuốt khó, vết loét chậm lành, dễ bị tái phát, thường gây hẹp sau khi hồi phục
- Hẹp thực quản: Gây khó nuốt, bệnh tiến triển dần dần
- Các vấn đề về hô hấp
- Mòn men răng, bệnh nướu răng và các vấn đề răng miệng khác
Những lưu ý cho người bị trào ngược dạ dày thực quản
Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm soát và làm giảm triệu chứng. Quá trình điều trị sẽ bao gồm uống thuốc hoặc có thể phẫu thuật nếu cần.
Tất nhiên, việc thay đổi lối sống vẫn rất quan trọng, bao gồm:
- Giảm cân nếu bị thừa cân/béo phì
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào, rượu bia
- Tránh thực phẩm gây kích thích: sô cô la, bạc hà, cà phê, thức uống có ga, thức ăn mặn và nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu chất béo, thức ăn cay, cà chua, hành tây sống, nước ép trái cây họ cam quýt…
- Ăn đủ protein và chất xơ
- Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, tránh ăn quá no, đặc biệt là buổi tối
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn chậm nhai kỹ
- Chỉ nên nằm xuống sau khi ăn ít nhất 2-3 giờ, nâng cao đầu giường khoảng 10-15 cm
- Tránh mặc quần áo bó sát hoặc nịt bụng
- Hạn chế căng thẳng, lo lắng
Một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý không chỉ giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản mà còn giúp bệnh nhanh khỏi, tránh tái phát nhiều lần.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.