Theo số liệu công bố từ Bộ Y tế, trung bình 7 ngày qua, số trường hợp mắc Covid-19 trong nước được ghi nhận là 14.077 ca. Số lượng này cao hơn với thời điểm dịch bùng phát và lan rộng ở nhiều tỉnh Đông Nam bộ.
Với số lượng F0 tiếp tục tăng mạnh, nhiều tỉnh, thành phố đứng trước nguy cơ quá tải hệ thống điều trị.
F0 nặng tăng cao ở TP.HCM, Hà Nội
Tại TP.HCM, trong ngày 5/12, số ca tử vong lên đến 94 trường hợp, cao nhất trong hơn vòng 2 tháng qua. Theo lý giải của Sở Y tế TP.HCM, ca tử vong chủ yếu là người có bệnh nền, cao tuổi, có người chưa hề tiêm mũi vaccine nào.
Thành phố này đang triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cao, gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Hiện TP.HCM có hơn 60.000 F0 cách ly, điều trị tại nhà. Mỗi ngày, số ca nhiễm mới luôn ở mức 1.300-1.700. Địa phương này đã mua thêm 300.000 túi thuốc để dự trù cho tình huống F0 tiếp tục tăng.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tiếp nhận nhiều F0 nặng, nguy kịch từ tháng 11, tăng dần đến nay. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 7/12, nhiều nhân viên y tế ở TP.HCM trở lại Bệnh viện dã chiến số 12 (bệnh viện đã giải thể trước đó) để chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng điều trị người nhiễm biến chủng Omicron.
Cùng ngày, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (TP Thủ Đức) đã mở lại khoa 2B (khu điều trị F0 nặng, nguy kịch) sau một thời gian "ế" giường. Số bệnh nhân nặng nhập viện hiện đã quá 200 giường ICU, bệnh viện này đề xuất phương án nâng quy mô lên 300 giường.
Tương tự TP.HCM, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội trong thời gian gần đây, số lượng F0 trên địa bàn liên tiếp tăng nhanh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số lượng bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng và nguy kịch đang tăng cao hơn giai đoạn trước. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân diễn biến nặng.
Số ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội. |
Tình hình gia tăng F0 ở Hà Nội cũng khiến nhiều người lo ngại. Hôm qua, lần đầu thành phố này nằm trong top 10 địa phương có số ca nhiễm nCoV cao nhất trong ngày. Trước tình hình này, Hà Nội đã chấp nhận phương án điều trị F0 tại nhà để giảm gánh nặng cho cơ sở y tế.
Các biện pháp chăm sóc F0 tại nhà, bao gồm cấp túi thuốc, trạm y tế lưu động và quy chế quản lý F0 cũng được ngành y tế Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cần Thơ, Cà Mau đứng trước nguy cơ quá tải
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 7/12, thành phố ghi nhận 898 ca nhiễm. Con số này giảm hơn so với ngày hôm trước nhưng Cần Thơ vẫn đứng thứ 2 cả nước về số lượng ca mắc.
Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ, hệ thống y tế của địa phương này đang chịu sức ép do lượng F0 mắc mới tăng quá nhanh.
Toàn thành phố có 13.319 F0 điều trị tại nhà. Tầng 2 là những cơ sở y tế điều trị F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc có diễn biến vượt chuyên môn của y tế địa phương. Công suất tầng 2 là 2.710 giường (tăng 50 giường so với 4 ngày trước đó), tuy nhiên, số F0 đang điều trị cũng suýt soát, khoảng 2.431 bệnh nhân.
Số liệu tính đến 14h ngày 7/12 | F0 đang điều trị tại nhà | F0 điều trị tại cơ sở y tế | |
Tầng 1 | Tầng 2 | Tầng 3 | |
Khả năng điều trị (giường) | 2.710 | 330 | |
Tổng số bệnh nhân đang điều trị | 13.319 | 2.431 | 453 |
Đáng chú ý, tầng 3 chuyên điều trị F0 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân có bệnh lý nền theo chuyên khoa, bệnh lý cần cấp cứu với công suất 330 giường, nhưng có đến 453 ca nặng đang điều trị.
Ngày 6/12, Bộ Quốc phòng đã tăng cường cán bộ quân y có kinh nghiệm để hỗ trợ Cần Thơ. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng chủ động huy động nguồn lực y tế công lập và tư nhân vào cuộc, tính toán phương án mở thêm giường điều trị ở với tầng 3.
Cần Thơ cũng đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, khoảng 97,2% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 liều vaccine, trong đó có 73,9% người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vaccine.
Số ca F0 cộng đồng tại Cần Thơ những ngày qua | |||||||||||||||||||||||||||||
Nguồn: Sở Y tế TP Cần Thơ. | |||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 10/11 | 11/11 | 12/11 | 13/11 | 14/11 | 15/11 | 16/11 | 17/11 | 18/11 | 19/11 | 20/11 | 21/11 | 22/11 | 23/11 | 24/11 | 25/11 | 26/11 | 27/11 | 28/11 | 29/11 | 30/11 | 1/12 | 2/12 | 3/12 | 4/12 | 5/12 | 6/12 | 7/12 | |
Số ca F0 trong ngày | người | 341 | 341 | 341 | 341 | 341 | 389 | 547 | 712 | 690 | 939 | 508 | 897 | 989 | 941 | 924 | 1310 | 1067 | 835 | 1072 | 978 | 1128 | 899 | 1199 | 1153 | 1174 | 1163 | 1152 | 898 |
TP Cà Mau có thể sẽ quá tải nếu dịch cứ gia tăng. Đó là nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau trong cuộc họp khẩn sáng 7/12, theo Báo Cà Mau.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dũng cho biết thiết bị y tế điều trị, thuốc điều trị của địa phương này hiện còn đáp ứng cho 2.700 ca. Với tình hình dịch kéo dài như hiện tại, khả năng Cà Mau rơi vào tình trạng quá tải rất cao.
Ngành y tế tỉnh đang tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Y tế để cung cấp thêm thuốc kháng virus, bổ sung thêm test xét nghiệm để tầm soát diện rộng.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đánh giá nếu tình hình này kéo dài, hệ thống y tế vượt ngưỡng chịu đựng, khi số giường, thiết bị đáp ứng không đủ, số ca tử vong sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí Thư Tỉnh ủy Cà Mau, chỉ đạo không để số ca nhiễm tăng lên hàng ngày như hiện tại, mà phải tìm giải pháp để “hạ ngọn”, thậm chí, có thể tính tới cả giải pháp nâng cả thành phố lên vùng đỏ nếu cần.
Ðến nay, Cà Mau được Bộ Y tế phân bổ hơn 1,6 triệu liều vaccine, đã tiêm được hơn 887.880 người, đạt hơn 95% người từ 12 tuổi trở lên, trong đó, hơn 786.610 người đã được tiêm đủ 2 mũi, đạt trên 83%.
Bộ Y tế chi viện phía Nam
Theo thông tin từ Bộ Y tế, mới đây, cơ quan này đã điều động, tăng cường nhân lực điều trị từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện E và Bệnh viện Nội tiết Trung ương chi viện cho các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ An Giang; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa- Vũng Tàu; Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng.
Riêng TP Cần Thơ được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong công tác điều trị. Đồng thời, bệnh viện này cũng song song triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ. Ngoài ra, TP.HCM cũng cử nhiều đoàn chi viện cho các tỉnh miền Tây.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các bệnh viện này phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.
TP.HCM cũng ghi nhận tình trạng F0 nặng tăng, đặc biệt ở nhóm cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền và chuyển nặng do chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine. Theo các bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19, với tình hình bệnh nhân nặng tăng nhanh trở lại, đơn vị đang gặp khó khăn lớn về nhân sự khi không còn y, bác sĩ chi viện.
Hiện lực lượng nồng cốt tại bệnh viện tầng 3 này vẫn là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Trưng Vương.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, sắp tới, bệnh viện này có thể cần nâng cấp lên 300 giường, tiến tới 500 giường để dự trù tình hình. Tuy nhiên, nhân lực y tế luân phiên tăng cường sẽ là vấn đề khó khăn.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trước biến chủng mới (Omicron.
Đặc biệt là khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định, ưu tiên cho người từ 50 tuổi trở lên, mắc bệnh nền.