Trước đó, Sở Y tế đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, đại diện lãnh đạo một số quận, huyện về dự thảo Kế hoạch triển khai "Chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" giai đoạn 1, từ 7/12 đến 31/12.
Theo Sở Y tế TP.HCM, kết quả phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua cho thấy phần lớn tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.
Do đó, việc ngăn ngừa, phát hiện sớm những người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus nhằm hạn chế trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo quyết định của UBND TP.HCM ngày 7/12, trong kế hoạch bảo vệ người nguy cơ, TP.HCM đề ra nhiều nhóm giải pháp.
Rà soát người nguy cơ theo từng hộ gia đình
Theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM, các địa phương sẽ tổ chức khảo sát và lập danh sách hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Sau khi nắm được số lượng, lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ vào danh sách để dự trù kit test nhanh kháng nguyên, sẵn sàng cho chiến dịch.
Hai cụ bà được thăm khám, kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Hoàng Giám. |
Xét nghiệm tìm F0 ở nhóm nguy cơ
Các địa phương triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn. Ngành y tế khuyến khích hộ gia đình tự lấy mẫu.
Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm cho người thuộc nhóm nguy cơ sẽ thực hiện.
Số lần làm xét nghiệm: Người thuộc nhóm nguy cơ thực hiện test nhanh kháng nguyên 2 lần, cách nhau 3 ngày (nếu lần một âm tính).
Nếu kết quả xét nghiệm sau 2 lần đều âm tính thì sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì được chăm sóc điều trị ngay. Thời gian hoàn thành xét nghiệm trước ngày 18/12.
Bảo vệ người nguy cơ cao
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) sẽ thực hiện chiến dịch truyền thông cho đối tượng đích là những người thuộc nhóm nguy cơ, người thân hoặc người chăm sóc cho người thuộc nhóm nguy cơ. Nội dung tập trung vào việc hướng dẫn biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, hướng dẫn phát hiện sớm triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.
Tổ chức tiêm vaccine tại nhà
Với người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, ngành y tế sẽ thuyết phục và nhanh chóng hướng dẫn họ đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm an toàn.
Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm, các đội tiêm lưu động sẽ tổ chức tiêm chủng tại nhà. Người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều sẽ được tiêm liều nhắc lại nếu đã tiêm mũi cuối trên 6 tháng.
Các trường hợp suy giảm miễn dịch sẽ được tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Thời gian hoàn thành tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 29/12.
Nhân viên y tế quận Phú Nhuận mang vaccine Pfizer đến nhà tiêm cho người dân. Ảnh: Hoàng Giám. |
Cấp thuốc kháng virus cho F0 thuộc nhóm nguy cơ
Trường hợp phát hiện F0 là người nguy cơ, y tế địa phương sẽ tổ chức cấp ngay thuốc kháng virus (gói thuốc C) và gói thuốc A, B.
Thuốc C được sử dụng ngay khi được cấp phát. Thuốc B (kháng viêm, kháng đông dạng uống) được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả chỉ định của bác sĩ tư vấn qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”.
Việc xem xét cho F0 thuộc nhóm nguy cơ được điều trị tại nhà hay bệnh viện đảm bảo các yếu tố: tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.
Chăm sóc sức khỏe từ xa
Song song bảo vệ người nguy cơ trước Covid-19, ngành y tế TP.HCM chủ trương chăm sóc bệnh nền cho các trường hợp này.
Danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) sẽ được chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.
Trong quá trình tư vấn và thăm hỏi sức khỏe từ xa, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ chuyển nặng, lực lượng y tế địa phương sẽ lập tức sơ cấp cứu tại nhà và chuyển viện.
Ngoài ra, Tổng đài 1022 cũng sẵn sàng để tư vấn và hướng dẫn cho FO thuộc nhóm nguy cơ khi cần hỗ trợ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.