Không ít người dân có thói quen ăn uống tưởng chừng vô hại nhưng lại không tốt cho sức khỏe chẳng hạn như chỉ ăn thịt, ít ăn cá, ít ăn rau và ăn nhiều nội tạng động vật.
Theo các chuyên gia, nội tạng động vật đúng là thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khỏe. Chính vì vậy, người dân nên tìm hiểu rõ về loại thực phẩm này để hạn chế tối đa những nguy cơ không tốt cho sức khỏe.
Mặc dù đã có rất nhiều lời cảnh báo từ các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia dinh dưỡng về hậu quả của việc sử dụng các thực phẩm nội tạng không an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí nhiều ca đã tử vong do ăn phải tiết canh nhiễm khuẩn, thế nhưng, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh người người, nhà nhà ăn tiết canh, lòng lợn mọi lúc, mọi nơi.
Vốn là món ăn khoái khẩu của nhiều người nên dường như nội tạng động vật cũng là thực phẩm bán chạy và được bày bán nhiều ở các chợ đầu mối, chợ lớn, bé khắp Hà Nội. Chị Hoàng Thị Hà ở Thành Công – Ba Đình - Hà Nội cho biết: “Rất may là ở khu chợ Thành Công, muốn ăn lòng lợn thì giờ nào, ngày nào cũng có. Sống, chín đầy đủ cả. Nếu thuận tiện thì tôi mua đồ ăn sẵn về, còn có thời gian thì tôi mua đồ sống về tự chế biến”.
Thói quen ăn nội tạng hoàn toàn không tốt. |
Giống như nhiều gia đình khác, chị Nguyễn Thị Nhung ở Khương Trung – Thanh Xuân – Hà Nội rất thích chế biến các món ăn từ tim, gan, lòng lợn, lòng bò. Một vài lần, chị Nhung cũng gặp phải những vấn đề không an toàn vệ sinh thực phẩm như chuyện mua đĩa lòng non làm sẵn ngoài chợ, về sơ chế lại thì phát hiện ở trong đó có sán. Tất nhiên là cũng hơi lo một chút nhưng vì sở thích nên chị và các thành viên trong gia đình chấp nhận cho qua.
Thói quen cần được kiểm soát
Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, các bộ phận bên trong của động vật như gan, thận, tim, dạ dày... có hàm lượng calo tương tự như thịt nạc, chúng có hàm lượng protein và chất béo cao… Tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý hoặc lạm dụng giá trị dinh dưỡng từ món ăn này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
ThS. BS Doãn Thị Tường Vy - Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV 19.8 cho biết: “Trong các ruột của các loại động vật có rất nhiều vi khuẩn, ví dụ như econi, các vi khuẩn có thể là gây tả, kiết lị, thương hàn… hay các vi khuẩn gây lao, bệnh than…nếu lúc chế biến mà chúng ta không làm vệ sinh sạch sẽ hoặc không nấu chín kỹ thì khi chúng ta ăn các thực phẩm mà chứa tất cả các loại vi khuẩn đó sẽ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp”.
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, đã có hàng chục tấn nội tạng không rõ nguồn gốc bị bắt trên đường vận chuyển về Hà Nội với tình trạng ôi thối. Điều này cho thấy, người dân đang phải đối diện với nguy cơ cao tiêu thụ phải các loại nội tạng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Vì thế, ThS.Bs Doãn Thị Tường Vy khuyến cáo tốt nhất là chúng ta nên sử dụng nội tạng có nguồn gốc rõ ràng. Thứ 2 là khi mua về cần phải chế biến đảm bảo vệ sinh rồi nấu chín, kỹ. Thứ 3 là cần để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ, cao ráo không bị ô nhiễm hoặc có thể lây nhiễm bởi thực phẩm bẩn khác sang. Thực phẩm sống và chín cần để riêng biệt. Thứ 4 là nên ăn ở mức độ vừa phải. Đối với những người thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu thì nên hạn chế và tốt nhất là không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật vì hàm lượng cholesterol ở trong những thực phẩm này rất cao.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên trước khi lựa chọn món ăn này, người dân nên trả lời một số câu hỏi: Con vật có nội tạng này có bị bệnh không? Nội tạng này đã được bảo quản bao nhiêu lâu và trong điều kiện như thế nào? Chế biến và sử dụng nội tạng này ra sao cho đảm bảo an toàn thực phẩm? Và chỉ khi câu trả lời cho những câu hỏi trên nằm trong giới hạn an toàn, người dân mới nên sử dụng loại nội tạng đó.