Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết viêm tinh hoàn quai bị là loại đặc hiệu, lây truyền cấp tính do virus tác động lên tuyến nước bọt dưới hàm.
Virus quai bị là một trong những nguyên nhân gây viêm tinh hoàn. Gần 1/3 nam giới mắc quai bị sau tuổi dậy thì bị biến chứng viêm tinh hoàn, thường 4-7 ngày sau khi khởi phát bệnh quai bị.
Triệu chứng phổ biến
Bác sĩ Tạ Việt Cường cho biết trẻ em và thanh thiếu niên là trường hợp có nguy cơ gặp biến chứng. Ở nam giới trưởng thành, tỷ lệ mắc bệnh viêm tinh hoàn do quai bị khoảng 20-37%.
Tình trạng sưng tấy thường đột ngột và chỉ ảnh hưởng đến một bên tinh hoàn, hiếm gặp bị viêm cả hai bên, biểu hiện là viêm tuyến nước bọt và sưng viêm tinh hoàn cùng bên, diễn tiến dần đến teo bên tinh hoàn bị viêm.
Ở trẻ em trai và đàn ông bị ảnh hưởng, sưng tinh hoàn thường bắt đầu từ 4 đến 8 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Đôi khi, sưng tấy có thể xảy ra đến 6 tuần sau khi các tuyến bị sưng.
Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu của bệnh viêm tinh hoàn thường phát triển đột ngột. Chúng bao gồm: sưng ở một hoặc hai tinh hoàn; đau từ nhẹ đến nặng; sốt; buồn nôn và ói mửa; cảm giác khó chịu, không khỏe.
Viêm tinh hoàn do quai bị hiếm khi gây vô sinh, nhưng nó có thể góp phần gây vô sinh. Bệnh có thể dẫn đến khiếm khuyết về tinh trùng như số lượng thấp, không có và giảm chất lượng.
Quai bị là một trong những nguyên nhân chính gây viêm tinh hoàn ở nam giới. Ảnh: Nature. |
Phòng ngừa viêm tinh hoàn khi mắc quai bị
Theo bác sĩ Cường, hiện viêm tinh hoàn do quai bị vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các chuyên gia khuyến cáo cần sớm tiêm vaccine phòng bệnh quai bị để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gây ra. Việc phòng tránh lây quai bị khá khó khăn do bệnh lây qua tiếp xúc. Trong đó, thời điểm lây mạnh nhất là lúc người bệnh chưa có triệu chứng, vì vậy, tiêm phòng là giải pháp tốt nhất.
Ở những trường hợp bị viêm tinh hoàn sau quai bị, tinh hoàn bên viêm sẽ có xu hướng teo dần, chức năng sinh tinh, nội tiết giảm dần. Trong khi đó, tinh hoàn phía bên kia vẫn hoạt động bình thường nếu không bị viêm nhiễm.
Những bệnh nhân có tiền sử viêm tinh hoàn do quai bị hoặc các nguyên nhân khác cần đi xét nghiệm tinh dịch đồ. Ngoài ra, người bệnh có thể đông tinh để dự phòng những bất trắc xảy ra trong tương lai.