“Bác sĩ phác thảo sơ bộ cơ quan sinh sản của tôi và phân tích. Những dòng chữ đen thưa thớt trên trang giấy trắng. Nhưng nó lại là hy vọng của tôi về tương lai. Chồng và tôi đã có một đứa trẻ. Con đang học mẫu giáo, sức khỏe bình thường, thông minh và hiếu động. Nhưng chúng tôi vẫn muốn có thêm con. Lần đầu tiên đậu thai khá dễ dàng nên tôi không quá lo lắng.
Nhưng mất nhiều năm, tôi vẫn không thể mang thai lần nữa. Nó tiêu tốn thời gian, sức lực và ước mơ của chúng tôi chết mòn trong tháng ngày đợi chờ.
Bác sĩ gọi đó là tình trạng vô sinh thứ phát. Tôi sốc và mệt mỏi khi biết mình vô sinh dù đã có con. Tôi đã nghe nhiều về nó nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra với mình”.
Những dòng tâm sự trên là của Shannon Stocknon, bà mẹ một con ở Mỹ, 37 tuổi. Năm 28 tuổi, Stocknon sinh con đầu lòng. Lần mang thai đầu không có gì đáng lo ngại nên đến năm 33 tuổi, Stocknon và chồng mong muốn có thêm con. Nhưng 4 năm sau, bà mẹ này vẫn trong tình trạng hiếm muộn.
Vô sinh thứ phát khiến nhiều cặp vợ chồng khó đậu thai lần nữa dù đã từng có con. Ảnh minh họa: Freepik. |
Không thể tìm ra nguyên nhân
Stocknon chỉ là một trong số hàng chục nghìn trường hợp phát hiện vô sinh dù đã có con. Tình trạng vô sinh thứ phát được dùng cho những cặp vợ chồng phát hiện vô sinh dù đã từng mang bầu và sinh con thành công. Như nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác, Stocknon trải qua cảm giác mệt mỏi, bàng hoàng khi nhận tờ kết quả vô sinh.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, hơn 6 triệu phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi gặp khó khăn khi mang thai dù họ đã sinh con hay chưa. Trong số đó, 1/3 được ước tính gặp phải tình trạng vô sinh thứ phát.
Tiến sĩ Jacqueline Ho, chuyên gia khoa sản tại trường Y khoa Keck, thuộc Đại học Nam California, Mỹ, cho hay giới nghiên cứu đã nhiều lần đi tìm câu trả lời cho hiện tượng trên nhưng nguyên nhân vẫn là ẩn số. Đây cũng chính là điều khiến tình trạng này khó giải quyết. Các cặp vợ chồng phải sống trong cảm giác buồn bã, căng thẳng vì hiếm muộn.
Ở một số cặp vợ chồng, điển hình là nhóm trên 40 tuổi, vô sinh thứ phát xảy ra do yếu tố tuổi tác. Tuy nhiên, những trường hợp khác có liên quan tình trạng sức khỏe hoặc ca mổ bắt thai trước đó gây sẹo trên ống dẫn trứng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ
Theo PGS.TS Vương Tiến Hòa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, nhiều yếu tố gây hiện tượng vô sinh thứ phát. Trong đó, đứng đầu là giảm khả năng sinh sản và số lượng tinh trùng của nam giới thấp (32%). Tiếp đến, tổn thương ống dẫn trứng ở phụ nữ chiếm 16,7%. Nguyên nhân là trục trặc trong quá trình rụng trứng của người phụ nữ chiếm 4,9%. Lạc nội mạc tử cung hoặc các bệnh khác ảnh hưởng đến dạ con gây ra 3,3% trường hợp vô sinh thứ phát.
Ngoài ra, các yếu tố kết hợp của cả nam lẫn nữ, chiếm 17%. Đáng lo ngại là vô sinh thứ phát đang dần tăng cao, số ca bị ngang ngửa vô sinh nguyên phát. Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, tỷ lệ vô sinh thứ phát năm 2010 ở nữ tăng khoảng 15-20 %, nâng tổng số vô sinh thứ phát lên hơn 50% trong số các bệnh nhân điều trị vô sinh.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, cảnh báo vô sinh thứ phát là căn bệnh đáng lo ngại của môi trường hiện đại. Bởi cuộc sống căng thẳng, áp lực công việc, viêm nhiễm đường sinh dục khiến chất lượng tinh trùng của nam giới suy giảm.
Rối loạn quá trình sinh tinh, trưởng thành của tinh trùng cũng góp phần dẫn đến vô sinh ở nhiều cặp vợ chồng dù đã có con đầu lòng. Ngoài ra, PGS Tiến cho hay nhiều nam giới bị chứng bất lực hoặc rối loạn phóng tinh cũng khiến khả năng thụ thai của người vợ bị giảm.
Với phụ nữ, rối loạn rụng trứng cũng là yếu tố dẫn tới vô sinh thứ phát. Phụ nữ gặp tình trạng này thường có kinh nguyệt thưa (chu kỳ trên 35 ngày) hay vô kinh (không có kinh từ 3 đến 6 tháng trở lên).
Một nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) do GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và bác sĩ Lê Ngọc Diệp tiến hành cũng chỉ ra phụ nữ từng nạo hút thai có nguy cơ vô sinh thứ phát cao gấp 5,2 lần nhóm chưa từng thực hiện. Người nạo hút thai tại những nơi không phải bệnh viện uy tín có nguy cơ vô sinh thứ phát gấp 3,7 lần. Tiền căn sẩy thai và viêm cổ tử cung làm tăng nguy cơ vô sinh thứ phát với tỷ lệ lần lượt là 3,9 và 7,4.
Vô sinh thứ phát còn có nguy cơ tăng cao do nhiều cặp vợ chồng chủ quan, từng có con nên chuyện chăn gối nguội lạnh trong thời gian dài. Lúc này, độ tuổi vàng để đậu thai và sinh con đã qua đi. Việc mang bầu trở nên khó khăn và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thai nhi.
Vô sinh thứ phát có thể đến từ vấn đề sinh sản của cả hai giới. Ảnh minh họa: Freepik. |
Ngoài những yếu tố trên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Sản phụ khoa Mỹ, cặp vợ chồng khỏe mạnh dưới 30 tuổi có 25% cơ hội đậu thai bất kỳ khi nào. Đến tuổi 40, cơ hội đó giảm xuống còn 10% với phụ nữ. Thậm chí, theo Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ, con số này thấp hơn, chỉ dưới 5%. Theo tiến sĩ Jacqueline Ho, vòng đời sinh sản tự nhiên của phụ nữ sẽ khép lại vào năm 46 tuổi. Do đó, tuổi càng cao, nguy cơ vô sinh càng lớn.
Yếu tố quan trọng khác dẫn tới hiện tượng vô sinh thứ phát là sẹo, dính và tắc ống dẫn trứng. Với những phụ nữ gặp tình trạng này, phẫu thuật tách dính ống dẫn trứng có thể giúp thụ thai lại. Tuy nhiên, tiến sĩ Zev Rosenwaks, Tổng giám đốc Trung tâm Y học Sinh sản, Bệnh viện NewYork - Presbyterian, Mỹ, khuyến cáo nếu gặp tình trạng dính, tắc ống dẫn trứng, chúng ta nên sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để đảm bảo an toàn và tỷ lệ thành công cao.
Viêm, nhiễm trùng vùng chậu cũng gây ra hiện tượng vô sinh bởi nó làm tổn thương ống dẫn trứng, tử cung. Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường sinh dục như chlamydia, lậu cũng nằm trong số thủ phạm gây vô sinh thứ phát. Ngoài ra, những người bị lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, suy tuyến giáp..., cũng khiến nguy cơ bị vô sinh cao hơn.
Dù không thể tìm thấy nguyên nhân chính xác cho hiện tượng vô sinh thứ phát, các bác sĩ cho rằng các cặp vợ chồng vẫn chưa hết hy vọng. Để giảm nguy cơ gặp tình trạng vô sinh, nam - nữ giới nên chú ý tới sức khỏe sinh sản, đi khám sàng lọc thường xuyên nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời.