Theo VTV, trưa 5/3, trường Mầm non Thanh Khương, (Thuận Thành, Bắc Ninh) tiếp tục bị phát hiện dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm để nấu ăn cho trẻ. Cơ quan công an đã lập biên bản sự việc và lấy mẫu kiểm nghiệm.
Nhiều phụ huynh bức xúc, yêu cầu trường chấm dứt hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm và đưa trẻ đi xét nghiệm sán.
Trước đó, clip ghi hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng (dấu hiệu của sán gạo) tại trường mầm mon này lan truyền trên mạng cũng khiến nhiều người lo ngại và không cho con đến trường.
Bà Cao Thị Hòe, hiệu trưởng nhà trường, nhận trách nhiệm vì đã để xảy ra tình trạng này, đồng thời khẳng định phía doanh nghiệp cũng sẽ chịu trách nhiệm trước giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Hương Thành - đơn vị duy nhất cung cấp thực phẩm cho trường từ năm 2018 - lại cho rằng thịt lợn không có gì bất thường. Từ khi sự việc xảy ra, đơn vị trên vẫn bán thịt lợn cho nhà trường với giá không rẻ.
Thịt lợn nổi hạch nghi nhiễm sán. Ảnh: VTV |
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng (TP.HCM), thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể là điều kiện cho giun sán và các loại ký sinh trùng nguy hiểm đi vào cơ thể.
Trong đó, mỗi loại giun sán sẽ gây một sức tàn phá khác nhau trong cơ thể. Chúng có thể ăn lên não, cơ tim, mắt hoặc chỉ gây ngứa, mủ và viêm da.
Bác sĩ Ánh cho hay khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng không phát triển ngay thành những con giun nhỏ, mà tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, hình thành những khối u di chuyển được trong da và mô mềm, thường xuất hiện ở mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng,...
Khối u này dần chuyển thành một nốt nhỏ hoặc một khối phù nề, gây ra những tổn thương đối với hệ thần kinh trung ương như làm rối loạn tri giác, liệt nửa người, hôn mê.
"Sán ăn não nguy hiểm nhất hiện nay, tiêu biểu là ấu trùng sán gạo heo (thịt lợn không nấu kỹ, tiết canh), sán chó (dễ có trong rau sống, thịt sống, tái, gỏi cá), giun lươn (có trong rau sống, động vật thủy sinh như ốc, sò hấp, có thể gây tử vong)", bác sĩ Ngọc Anh cho biết thêm.
Khi nhiễm giun sán cơ thể bị tác động một cách âm ỉ kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, thể chất, tinh thần và trí tuệ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Để phòng tránh nhiễm giun sán, TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo người dân cần làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi. Ngoài ra, không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Các gia đình tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc, tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ.