Thông tin từ Cục Thú y, năm 2015 Việt Nam có hơn 394.000 người bị cho cắn phải đi tiêm phòng dại. Theo thống kê sơ bộ, tổng đàn chó hiện nay có khoảng 10 triệu con.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 ca bị bệnh dại. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là 100%.
Nhỏ tuổi nhất là bệnh nhân 3 tuổi có tiền sử thích chơi với chó. Bé hay bị vật nuôi liếm và cắn nhưng người nhà không để ý. Sau đó, đàn chó con chết dần do mắc bệnh dại. 3 tháng sau, bé mới bắt đầu phát bệnh với biểu hiện sợ nước, gió, co thắt họng và tử vong.
Ngày 14/10, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân mắc bệnh dại lây từ chú chó nuôi trong gia đình. Trong quá trình bắt chó để bán cho lò mổ, bệnh nhân bị cắn nhưng không đi tiêm phòng. 3 tháng sau, ông lên cơn “điên dại” nhưng đã quá muộn để cứu chữa.
Bệnh nhân N.T.B. bị bệnh dại điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: NLĐ. |
Theo bác sĩ Cấp, các đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm. Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên truyền trực tiếp virus sang người. Do không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh không còn cơ hội sống sót.
Triệu chứng bệnh dại ở người
Bệnh nhân mắc bệnh dại từ chó thường được cấp cứu thường với hai thể diễn biến.
Ở thể viêm não, một vài ngày đầu, bệnh nhân thường lo lắng, mất ngủ, sau đó xuất hiện tình trạng tăng kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió. Tình trạng này ngày càng nặng đến mức độ co thắt cổ họng, không thể nuốt và thở.
Với thể liệt, bệnh nhân bị liệt lan toàn cơ thể, chân, tay, cổ ngực rồi tử vong. “Khi đã lên cơn dại, bệnh nhân không thể điều trị. 100% ca bệnh đều tử vong”, BS Cấp cho hay.
Đặc biệt, virus dại thường tiềm ẩn trong cơ thể người khá lâu trước khi phát bệnh nên ít người biết để đề phòng.
Là người chứng kiến nhiều bệnh nhân ra đi vì căn bệnh này, bác sĩ Cấp trăn trở: “Tiếp xúc với cái chết hàng ngày nhưng chúng tôi vẫn luôn ám ảnh khi phải chứng kiến cái chết của người bệnh dại. Họ luôn khiến chúng tôi phải bật khóc".
Cách xử lý khi bị chó cắn
Tiêm phòng là cách tốt nhất bảo vệ tính mạng sau khi bị chó dại cắn. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp chó cắn người đều là động vật đang mang bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay: “Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, ‘thủ phạm’ vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không bị mắc bệnh. Trong trường hợp con chó đó ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng”.
Ngoài ra, nếu bị tấn công ở mức độ nhiều tổn thương, dập nát hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, vùng sinh dục, người dân cũng cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong.
Đối với vết thương do chó cắn, người dân cần xử lý bằng cách rửa, sát trùng. Nếu vết cắn phức tạp, gia đình nên đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin. Người có sở thích chơi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác.