Bệnh nhân là anh N.V.T quận Gò Vấp, TP HCM. Anh T. đang công tác tại Campuchia, gần đây về nhà nghỉ anh thấy người mệt sáng ngủ dậy hay thấy có những đốt trắng dài 3-5 cm còn cử động bám vào quần lót. Quá sợ hãi, anh T. ra hiệu thuốc mua thuốc về tẩy giun nhưng không hết.
Đến khi không chịu được nữa vì các đốt sán đứt ra và xuất hiện ở chiếu, quần khiến anh và gia đình sợ, anh T. mới đến bệnh viện khám. Bác sĩ xem mẫu bệnh phẩm đã đoán ra sán dải bò và tiến hành sổ sán dải bò thì bắt được con sán dài đến 3 mét.
Thói quen ăn phở tái dễ mắc các bệnh sán. |
Trường hợp thứ hai cũng là một người đàn ông có tiền sử nghiện ăn thịt bò tái. Anh kể, ăn phở hay ăn lẩu bò anh chỉ thích nhúng tái thịt còn hồng hồng ăn cho ngọt mà không biết rằng đó là cách đưa sán dải bò vào cơ thể mình. Bác sĩ cũng sổ được con sán dài gần 2 mét ra khỏi ổ bụng của bệnh nhân.
Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng bộ môn ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội cho biết, sán dải bò không hiếm gặp. Bản thân giáo sư Đề cũng gặp trường hợp sán dải bò dài đến 12 mét. Khi sổ ra các bác sĩ đưa vào lavabo rửa sạch và dải ra nhà đo đúng 12 mét. Đó là con sán của bệnh nhân nam có tiền sử ăn thịt bò tái.
Giáo sư Đề cho biết thói quen ăn phở tái, thịt bò, thịt trâu tái chính là nguyên nhân gây ra bệnh sán dải bò. Một bát phở tái nhìn rất hấp dẫn nhưng có thể ở đó chứa nang sán dải bò rất nguy hiểm cho người dùng.
Sán dây bò phát triển thế nào
Sán dây bò có tên là taenia saginata dài khoảng 2 đến 12 mét gồm 1000 - 2000 đốt, đầu không có chìu và không có vòng móc, có 4 giác bám tử cung chia làm 12-32 nhánh.
Hình ảnh con sán dải lợn. |
Đốt già rụng và chủ động bò ra ngoài hậu môn hoặc theo phân nhưng còn di động, chun giãn. Vật chủ trung gian là trâu, bò.
Nang ấu trùng sán dây bò hình bầu dục, màu hồng chứa dịch màu đỏ và đầu sán với 4 giác bám không có vòng móc. Nang ấy trùng sán dây bò không ký sinh ở người.
Các đốt sán già chui ra khỏi hậu môn người, rơi vào ngoại cảnh, vỡ ra giải phóng hàng trăm ngàn trứng sán. Trâu, bò ăn phải trứng sán vào ruột nở ra ấu trùng và xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “gạo bò” (cysticercus bovis). Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.
Khi người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần 3 tháng để trưởng thành và sản xuất đốt sán.
Giáo sư Đề cho biết tuổi thọ của sán dải bò khoảng 25 năm.Khi bò ra ngoài, mỗi đốt sán chứa khoảng 50 - 80 nghìn trứng. Sán này ra môi trường bị phân hủy, giải phóng trứng, trứng tồn tại trong môi trường từ vài tuần đến hàng tháng.
Tác hại của sán dây bò cũng như các loại sán dây khác, khi sán dây trưởng thành chiếm thức ăn, gây kém hấp thu rối loạn tiêu hóa và nhiễm độc thần kinh.
Các sản phẩm chuyển hóa của sán dây gây độc cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể như tim mạch, cơ quan tạo máu, hệ thần kinh, tuyến nội.ngoại tiết. Tại chỗ sán dây gây đung bụng, có thể bán tắc ruột.
Phòng ngừa sán dây bò, giáo sư Đề cho biết chỉ cần thực hiện ăn chín, uống sôi không ăn thịt bò, thịt trâu tái. Khi có biểu hiện của sán cần đi khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa.