Ăn tiết canh vịt cũng mắc bệnh liên cầu lợn
Người nhà bệnh nhân Lương Văn B. (52 tuổi, dân tộc Mường, ở Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, lý do khiến ông B. phải nhập viện cấp cứu là do ăn thịt lợn chết. “Đáng lý con lợn chết đó phải mang đi chôn, nhưng do gia đình ông B. nghèo, nên mổ lợn ăn mới xảy ra cơ sự như vậy”, một người nhà bệnh nhân B. lý giải.
Cũng theo người nhà bệnh nhân B., sau khi ăn thịt lợn chết, nạn nhân có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn rồi ý thức lơ mơ. Ngay lập tức, gia đình bệnh nhân đã chuyển ông B. xuống BV Đa khoa tỉnh Thanh Hoá để điều trị. Tuy nhiên, khi chuyển xuống BV này các bác sĩ thì ở đây cho biết, ý thức của bệnh nhân bị tụt rất nhanh, phải làm thủ tục chuyển thẳng ngay đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau khi được điều trị hơn 4 ngày ở BV Nhiệt đới Trung ương, tình trạng viêm nhiễm của ông B. có thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng rối loạn chức năng chuyển hoá của cơ thể vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Ngoài trường hợp trên, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho bệnh nhân Vũ Mạnh H. ở Hà Nội. Theo người nhà nạn nhân H. trước khi nhập viện, ông và gia đình có ăn tiết canh vịt rồi có biểu hiện sốt, nổi lên với những vết tím ở chân rồi bị hôn mê sâu.
Bệnh tình của hai bệnh nhân trên, các bác sĩ điều trị cho biết, nhiều khả năng sẽ bị trả về, vì thông thể cứu chữa được.
Không nên ăn các loại tiết canh
Trước thông tin về bệnh tình của hai nạn nhân kể trên, BS Đoàn Duy Thành - khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Ăn tiết canh vịt không mắc bệnh liên cầu lợn, nhưng đó chỉ là về lý thuyết. Tuy nhiên, có thể nhà hàng pha tiết canh lợn hoặc lây từ tay người chế biến. Tốt nhất mọi người không nên ăn tiết canh vịt nói riêng và tất cả các loại tiết canh khác nói chung”.
Theo bác sĩ Thành, bệnh liên cầu lợn có thể thấy những vết tím trên mặt rồi lan ra toàn thân. Bệnh này lây qua đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, buồn nôn và đa xuất huyết hoại tử trên da. Liên cầu khuẩn lây qua đường tiêu hoá do vậy có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, có biểu hiện xuất huyết hoại tử trên da.
Để phòng chống bệnh này, BS Đới Ngọc Anh (BV Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ: “Mọi người nên phòng tránh các nguồn lây trực tiếp từ máu và thịt lợn chưa chín. Bởi tỷ lệ chữa khỏi bệnh liên cầu lợn cho các bệnh nhân chỉ khoảng 30-50%, tuỳ theo sự đáp ứng của bệnh nhân”.
Theo BS Ngọc Anh, trường hợp để nhiễm liên cầu khuẩn lợn thì bệnh cảnh hết sức đa dạng, vừa có thể có nhiễm trung huyết, vừa viêm màng não, sốc và suy đa chức năng phủ tạng khác. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân ở Thanh Hóa hay Hà Nội như trên, có cả biểu hiện nhiễm trùng huyết và viêm màng não nên bệnh cảnh rất nổi bật.