Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy kịch vì dùng thuốc bị cấm lưu hành

Bị tiểu đường nhưng ông Văn tự ý uống thảo dược không rõ nguồn gốc dẫn đến bị suy thận. Bác sĩ khẳng định đây là loại thuốc cấm dùng từ nhiều năm trước.

Ngày 6/12, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM, cho biết đang điều trị cho ông Văn (80 tuổi, ở quận 7) bị suy thận cấp sau khi uống thảo dược không rõ nguồn gốc.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn kéo dài. Từ kết quả các xét nghiệm lâm sàng bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH=6.8 (mức bình thường 7.35-7.45). Tình trạng này chỉ gặp ở người bệnh ngưng thở, ngưng tim.

Trước tình trạng tính mạng bệnh nhân bị đe dọa, các bác sĩ đã cho người bệnh lọc máu. Gia đình cho biết trước đó ông Văn uống một loại thảo dược dạng viên, đựng trong các bao nhựa không nhãn mác.

Cơ sở y tế này đã lấy loại thuốc bệnh nhân uống để phân tích thì phát hiện đây không đơn thuần là thảo mộc mà chính là Phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường nổi tiếng ở thập niên 50-70 của thế kỷ trước. Loại dược phẩm này đã bị cấm lưu hành từ hơn 50 năm.

Uong thao duoc cam anh 1
Bệnh nhân bị suy thận cấp vì uống thảo dược cấm lưu hành. Ảnh: N.P.

BS CKI. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết thuốc Phenformin là thuốc hàng đầu trị đái tháo đường được đưa vào thị trường năm 1957 tại Mỹ, ban đầu là thuốc được ưa chuộng vì tác dụng rất tốt nhưng bị cấm sản xuất và lưu hành từ 1973 vì ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm axit lactic khi dùng thuốc này.

Tình trạng nhiễm toan axit lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống Phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu trị huyết áp cao, hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do đái tháo đường lâu năm.

Việc điều trị bằng thuốc này dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong nhanh cho người dùng. Nước ta cũng như các nước trên thế giới đã cấm lưu hành thuốc này, nhưng việc trà trộn thành phần của thuốc vào các viên đông dược không nhãn mác tạo sự nhầm lẫn trong cách suy nghĩ và sử dụng của người bệnh, người nhà người bệnh.

BS. Hậu cũng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường dù có mong muốn điều trị bằng Đông y hay Tây y đều cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn uy tín để được tư vấn để tránh việc tự ý dùng thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

* Tên bệnh nhân đã thay đổi.


Khánh Trung

Bạn có thể quan tâm