T
hông tin Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được xã hội quan tâm.
Zing.vn có cuộc trò chuyện với GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT về vấn đề này.
#Giáo viên lo lắng là có cơ sở
- Quan điểm của ông như thế nào về việc Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói sẽ chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng?
- Tôi rất ngạc nhiên khi nghe đến việc sẽ thí điểm xóa biến chế giáo viên ở trường phổ thông. Tôi không tán thành và cho rằng đó là đề xuất vô bổ, nặng hơn là nguy hại. Đề xuất này không làm phát triển, nâng cao phong trào, chất lượng giáo dục, mà có thể làm nát hệ thống giáo dục.
Có thể thấy phần lớn giáo viên trên toàn quốc đang kêu cứu và lo lắng khi nghe Bộ trưởng GD&ĐT phát biểu ý kiến này. Họ không biết cuộc sống sẽ thế nào? Giáo viên sống bằng đồng lương ổn định, bỏ biên chế nghĩa là lương sẽ không có hàng tháng. Vì vậy, việc băn khoăn của họ rất chính đáng.
GS Phạm Minh Hạc cho rằng bỏ biên chế trong giáo dục là nguy hại và vô bổ. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
- Theo Bộ trưởng GD&ĐT, xóa biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- Bộ trưởng GD&ĐT nói xóa biên chế để tăng lương, tôi cho rằng lương là cần thiết, nhưng giáo viên không phải chỉ vì đồng lương mà dạy học. Khác với lao động khác, nghề giáo có đặc thù riêng là “trồng người”. Vì vậy, không thể để tư tưởng thương mại hóa lọt vào hệ thống trường học.
Bộ trưởng nói thay hợp đồng để tăng năng lực cạnh tranh chuyên môn, tôi thấy hơi lạ. Tôi không bao giờ có khái niệm này khi nói về môi trường giáo dục. Mong muốn đảm bảo, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường đều rất chính đáng, nhưng không vì thế mà bỏ biên chế, giáo viên.
Có thể, đề xuất bỏ biên chế của Bộ trưởng GD&ĐT sẽ đáp ứng cho việc phát triển ở một bộ phận nhỏ giáo viên, nhưng đa số thầy cô trong cả nước sẽ ra sao?
Phần lớn các quốc gia có nền giáo dục lâu năm như Mỹ, Đức đều không bao giờ có chuyện trường công lập bỏ biên chế giáo viên. Các nước chỉ tự chủ đại học chứ không có nguyên tắc tự chủ phổ thông. Giáo viên phổ thông đều thuộc biên chế và hưởng lương của Nhà nước.
Vấn đề tăng chất lượng giáo viên cần có sự quan tâm của Bộ GD&ĐT và toàn xã hội với nhiều cách thức khác nhau chứ không phải việc bỏ biên chế.
#Hậu quả báo trước
- Theo giáo sư, bỏ biên chế giáo viên sẽ để lại hậu quả gì?
Tôi không tán thành và cho rằng đó là đề xuất vô bổ, nặng hơn là nguy hại. Đề xuất này không làm phát triển, nâng cao phong trào, chất lượng giáo dục, mà có thể làm nát hệ thống giáo dục.
GS Phạm Minh Hạc
- Hậu quả thất bại của việc bỏ biên chế đã được dự báo trước. Giáo viên phải thật sự yên tâm và say sưa với nghề mới có thể thực hiện tốt công việc giáo dục. Người làm nghề giáo còn không ổn định, tâm trạng bất an thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, người chịu hậu quả lại là học sinh.
Nước ta đã có hơn một triệu giáo viên, trường học phủ khắp vùng cao, hải đảo, thôn xóm. Chúng ta không thể làm ngơ trước cuộc sống của họ. Tôi mong Bộ trưởng GD&ĐT quan tâm hơn để giáo viên có thể yên tâm công tác.
Nếu không có biên chế thì sẽ có hợp đồng, đã là hợp đồng đương nhiên phải có người đứng đầu ký. Như vậy, quyền ký hợp đồng và sa thải người lao động nằm trong tay hiệu trưởng.
Cô giáo vùng cao gian nan đến trường. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Ngành giáo dục cần thấm nhuần tư tưởng này trong chỉ đạo, quản lý. Nếu hiệu trưởng điều hành, ký hợp đồng rồi sa thải nhân viên, thầy giáo chỉ là người đi làm thuê, hết tất cả sứ mệnh cao cả. Tôi cho rằng lo lắng trường học biến thành doanh nghiệp của giáo viên là rất có cơ sở.
Trong khi đó, giáo dục không bao giờ được thương mại hóa, nhà trường không bao giờ được là doanh nghiệp. Ngay những nước tư bản châu Âu cũng không thương mại hóa trong nhà trường.
- Giáo sư muốn chia sẻ gì với giáo viên?
- Các thầy cô giáo không nên quá lo lắng về điều này, bởi đây mới chỉ là đề xuất của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Vấn đề này rất lớn, liên quan nhiều cơ quan khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ… và Thủ tướng mới có quyền quyết định.
> Chủ đề: Bộ GD&ĐT thí điểm bỏ biên chế giáo viên |
* Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, lo lắng: Ai là người có quyền tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên? Ai là người ký quyết định hủy bỏ hợp đồng?
Những cán bộ quản lý, giáo viên kém cỏi về mặt trình độ quản lý, chuyên môn, tệ hại về nhân cách đạo đức liệu có bị ra khỏi guồng “biên chế” không khi họ là những “con ông này, cháu bà kia”?
* TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh đổi mới giáo dục diễn ra trong điều kiện rất khó khăn, đại bộ phận giáo viên hiện nay đang phải sống trong môi trường làm việc với áp lực nặng nề, thậm chí là quá sức so với khả năng chịu đựng.
Như vậy, nếu bỏ biên chế, giáo viên trường công lập sẽ thấy áp lực không giảm, công việc bấp bênh, không "an cư" thì không "lập nghiệp". Một khi người thầy đứng lớp còn hoang mang, lo lắng bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt hợp đồng, họ không thể toàn tâm, toàn ý làm việc.
* Cô giáo Vân Phạm (Mù Cang Chải, Yên Bái) bày tỏ: “Nhà nước đang có nhiều chế độ thu hút mà vẫn chưa nhiều giáo viên giỏi đến với vùng cao. Vậy, giáo dục vùng cao sẽ đi về đâu nếu bỏ biên chế?”.