Chiều 6/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án liên quan đến Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) và 80 bị cáo khác.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lúc 16h20, đại diện VKS công bố xong bản cáo trạng dài 160 trang.
Chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo 8h ngày 7/3, HĐXX bắt đầu xét hỏi về hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan (ở tất cả hành vi) trừ hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) do hành vi của bị cáo Trí là độc lập, không liên quan đến hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác.
HĐXX cho biết trong phiên xử ngày 7/3, tất cả bị cáo khác vẫn được áp giải đến tòa để xét xử, riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí do tình hình sức khỏe không tốt, được ở lại trại giam trong phần xét hỏi đối với bị cáo Lan và đồng phạm.
Thủ đoạn phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm
Cáo trạng xác định cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã dùng những thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội, gồm:
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu. |
1. Thực hiện tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại ngân hàng SCB.
2. Thành lập một số đơn vị thuộc ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan.
3. Chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty "ma" nhằm tạo lập hồ sơ vay khống.
4. Câu kết với các công ty liên quan, có hoạt động thực tế vay tiền SCB để sử dụng, chiếm đoạt.
5. Thông đồng với 5 công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.
6. Tạo lập lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ ngân hàng SCB.
7. Lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau khi giải ngân.
8. Bán nợ xấu và các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu nhằm che giấu sai phạm.
9. Chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc 17 cán bộ, lãnh đạo Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và chi nhánh TP.HCM nhằm bưng bít sai phạm của SCB.
7 cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước được miễn trách nhiệm hình sự
Trong vụ án này, nhóm 7 thành viên của Đoàn thanh tra ngân hàng Nhà nước tham gia thanh tra ngân hàng SCB gồm: Phạm Quốc Thịnh (Chuyên viên Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng), Phạm Hồng Linh (Thanh tra viên); Nguyễn Lan Hương (Thanh tra viên); Lại Văn Bách (Phó trưởng phòng Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII); Bùi Vũ Hồng Trang (Phó trưởng phòng giám sát lĩnh vực ngân hàng - Ban giám sát tổng hợp - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia); Phạm Thị Thùy Linh, (Chuyên viên Phòng giám sát lĩnh vực ngân hàng); Nguyễn Hà Linh, (Thanh tra viên Vụ II, Thanh tra Chính Phủ).
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cáo trạng xác định những người này đã có hành vi sai phạm trong quá trình thanh tra và nhận tiền từ Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, quá trình tham gia đoàn thanh tra, họ chỉ tham gia một phần việc do Tổ trưởng giao...
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, các cá nhân trên đã thành khẩn khai báo sai phạm, nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ SCB (từ trước khi khởi tố vụ án), hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án; quá trình công tác có nhiều thành tích, nên VKSND Tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 7 cá nhân này.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo cáo trạng, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. Từ năm 2011, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, Trương Mỹ Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác. Sau khi thâu tóm thành công, bị cáo Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống.
Để rút được tiền từ ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân, những người giữ vai trò chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty; thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB theo phương thức rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.
Cũng theo cáo trạng, từ năm 2012 đến 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng nghìn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỷ đồng. Đây là vụ án được xác định có thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh. Hành vi của bị cáo Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự