Ngày 17/11, sau khi ăn bán trú tại trường, hàng trăm học sinh trường iSchool ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Sự việc khiến một em tử vong, 21 em đang được điều trị đặc biệt tại các bệnh viện. Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận tác nhân khiến hàng trăm học sinh ngộ độc là vi khuẩn Salmonella.
Vi khuẩn salmonella thường sống trong ruột của động vật và con người, thải ra ngoài qua phân. Con người thường bị nhiễm bệnh thông qua nước, thực phẩm bị ô nhiễm hoặc các loại thực phẩm chưa nấu chín hoặc chưa tiệt trùng.
Với hậu quả nghiêm trọng làm hơn 600 học sinh bị ngộ độc, trong đó có một em tử vong, vụ việc có dấu hiệu hình sự không? Nếu có, tội danh nào có thể được áp dụng?
Chị Lăng Thị Kiều Thu (ảnh) chăm sóc con bị ngộ độc sau bữa ăn ngày 17/11. Ảnh: Xuân Hoát. |
Luật sư Hoàng Ngọc Biên, nguyên điều tra viên hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng, nhìn nhận đây là vụ ngộ độc thực phẩm rất nghiêm trọng, có tính chất phức tạp vì xảy ra tại nơi có nhiều học sinh nhỏ tuổi, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn trương, quyết liệt nhằm sớm tìm ra nguyên nhân ngộ độc cũng như xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ việc này.
Theo hiệu trưởng iSchool Nha Trang, hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam là đơn vị cung cấp thực phẩm, còn bếp nấu là của nhà trường. Từ thông tin này, ông Biên cho rằng cần kiểm tra quy trình nuôi trồng, kiểm định thực phẩm của hộ kinh doanh này cũng như quy trình lưu giữ các mẫu thực phẩm mỗi ngày tại nhà bếp. Việc lưu giữ thực phẩm là quy trình bắt buộc đối với các bếp ăn tập thể đông người, trong đó trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh trước mỗi bữa ăn của các cháu thuộc về nhà bếp và nhân viên y tế của trường.
Bình luận về quy trình bảo quản thực phẩm, nguyên điều tra viên cho rằng thông thường, các mẫu thực phẩm phải được lưu giữ trong tủ chuyên biệt sạch sẽ, thoáng mát và an toàn. Nếu sau 24h mà không xảy ra ngộ độc thì mới được tiêu hủy các mẫu này.
Trường hợp xảy ra ngộ độc như hiện tại, ông Biên cho rằng câu hỏi đặt ra sẽ là nhà trường đã có quy định cụ thể về việc bảo quản thực phẩm ra sao hay chưa. Và nhân viên y tế cũng như nhà bếp có tuân thủ đúng quy trình lưu trữ hay không.
"Các phụ huynh nên đề nghị gửi các mẫu thực phẩm lưu trữ đi xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân ngộ độc là từ món ăn nào trước khi làm rõ các câu hỏi khác như nguồn gốc thực phẩm từ đâu, ai là người chịu trách nhiệm lưu trữ, đầu bếp chế biến những món ăn này là ai... Đây là yêu cầu chuyên môn không phải ai cũng biết để yêu cầu nhà trường thực hiện. Cha mẹ học sinh và hội phụ huynh nên có yêu cầu cụ thể để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của con em mình", ông Biên nói.
Từ kết quả giám định, trách nhiệm pháp lý của những cá nhân liên quan sẽ được xác minh, làm rõ. Luật sư nhìn nhận do hậu quả xảy ra của vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan công an cần khởi tố vụ án hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến ngộ độc hàng loạt. Nếu do nguồn thực phẩm thì phải làm rõ người cung cấp là ai để khởi tố, xử lý cá nhân.
Ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng iSchool Nha Trang. Ảnh: Xuân Hoát. |
Cùng theo dõi sự việc, luật sư Quách Thành Lực,cGiám đốc Công ty Luật Pháp trị, cho rằng kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn lấy từ iSchool Nha Trang sẽ là căn cứ để cơ quan tố tụng xác minh khâu nào của quá trình chế biến, bảo quản thức ăn có vấn đề khiến vi khuẩn Salmonella xâm nhập. Từ đó, công an sẽ xác định chủ thể có lỗi và sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
"Hiện tại, vụ ngộ độc đã khiến một em học sinh tử vong. Với hậu quả này, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm trong vụ việc này", luật sư nhận định.
Trường hợp phát hiện có hành vi chế biến, cung cấp thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng thực phẩm là động vật chết, động vật dịch bệnh thuộc diện tiêu hủy hay sử dụng thực phẩm có hóa chất, các loại thuốc cấm theo quy định của pháp luật... gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người, các cá nhân vi phạm có thể bị khởi tố theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo khoản 2 Điều này, trong trường hợp hậu quả làm chết một người, người phạm tội có thể bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù 3-7 năm. Trong trường hợp hậu quả được xác định là gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên, mức phạt cho người phạm tội sẽ là 12-20 năm tù. Như vậy, tùy thuộc các tình tiết định khung, người phạm tội có thể đối diện mức án tối thiểu là 3 năm tù giam hoặc phạt tiền 200 triệu đồng.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.