Dứa (còn gọi là thơm) có vị ngọt và thơm đặc trưng. Dứa vừa là loại trái cây để ăn tráng miệng, vừa có thể dùng xào, nấu với các loại thực phẩm.
Dứa mật có dinh dưỡng khác dứa thường không?
Theo BS Đoàn Hồng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, dứa rất giàu vitamin, khoáng chất, nhiều dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Dứa cũng chứa một lượng các chất vi lượng như phốt pho, kẽm, canxi và vitamin A và vitamin K. Dứa có nhiều vitamin, đặc biệt giàu vitamin C và mangan. Vitamin C cần thiết cho sức khỏe hệ miễn dịch, giúp hấp thụ sắt, tăng trưởng và phát triển tốt hơn, trong khi đó mangan cung cấp các đặc tính chống oxy hóa, hỗ trợ tăng trưởng, trao đổi chất.
Tác dụng chống oxy hóa giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa trong cơ thể của bạn, có thể giúp ngăn ngừa chứng viêm có thể dẫn đến ung thư và một số bệnh mạn tính khác. Dứa cũng chứa các vi chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như đồng, thiamine và vitamin B6, rất cần thiết cho sự trao đổi chất lành mạnh.
BS Đoàn Hồng cho hay dứa mật là giống dứa phổ biến thứ hai tại Việt Nam. Ưu điểm lớn nhất của loại dứa này là ăn nhiều không bị rát lưỡi hay tưa lưỡi như thông thường. Loại dứa này có nhiều nước, ngọt, tuy nhiên một số người không thích ăn do dứa mật mềm hơn dứa thường.
Quả dứa rất giàu vitamin, khoáng chất, nhiều dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. |
Về thành phần dinh dưỡng của dứa mật và dứa thường khá tương tự nhau. Về calo, dứa mật nhiều calo hơn dứa thường với 98 calo trong cùng định lượng, ít chất béo hơn với chỉ 0,1 gam, lượng protein và carbs không chênh lệch nhiều.
Ăn dứa bị ngứa lưỡi có sao không?
Về nguyên nhân ăn quá nhiều dứa có thể gây ra cảm giác rát ở miệng, ngứa lưỡi, BS Đoàn Hồng cho biết do trong dứa có chứa một lượng lớn enzym bromelain. Enzym bromelain là một hỗn hợp của các enzyme tiêu hóa, có nhiều lợi ích trong việc điều trị chống viêm nhiễm. Enzyme bromelain có nhiều trong lõi và vỏ dứa.
Enzyme bromelain tuy có lợi cho sức khỏe nhưng khi tiếp xúc với lớp da nhạy cảm và xung quanh miệng sẽ làm có tác dụng làm mềm thịt, phân hủy protein trên môi, lưỡi và cả má của bạn. Do đó, chúng ta có cảm giác đau rát. Hầu hết trường hợp cảm giác đau rát này sẽ tự mất đi sau vài tiếng.
Tuy nhiên, nếu cảm giác này vẫn còn hoặc bạn xuất hiện thêm triệu chứng phát ban, nổi mày đay, thậm chí khó thở. Bạn nên đi khám ngay lập tức vì đây có thể là triệu chứng của dị ứng dứa.
Phần lõi của dứa chứa hàm lượng bromelain nhiều gấp 20 lần thịt dứa. Vì vậy, lõi dứa gây rát lưỡi nhiều hơn phần thịt dứa. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ lõi dứa khi ăn vì chất bromeliain có rất nhiều công dụng như: Hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa ở dạ dày và ruột; chia nhỏ protein, giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn protein trong thức ăn; làm tăng hiệu quả của một số loại thuốc như kháng sinh, an thần, chống co giật; giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Phương pháp để ăn dứa không bị rát lưỡi
BS Đoàn Hồng cho hay nếu ăn dứa sống mà không muốn bị rát lưỡi, sau khi gọt vỏ nên cắt thành từng miếng nhỏ, ngâm nước muối nhạt trong khoảng 10 phút. Cách làm này sẽ khiến men phân giải protein bị ức chế và chúng ta không có cảm giác rát lưỡi. Mặt khác, nước muối giúp giảm niêm mạc miệng và lưỡi sẽ làm cho dứa có vị thơm và ngọt hơn.
Bạn cũng có thể ngâm dứa trong baking soda. Bạn cho một thìa baking soda vào nước sôi để nguội, khuấy tan (không cho muối). Sau đó, ta cho dứa đã cắt vào ngâm trong khoảng 2-3 phút là có thể ăn trực tiếp.
Với dứa xào, nấu, nên bỏ mắt và cắt phần sâu, rửa sạch và tráng qua bằng nước muối nhạt. Khi xào nấu, do tác dụng của nhiệt, khả năng gây dị ứng của dứa không nhiều như khi ăn dứa sống.
Vì baking soda cũng có tính kiềm, tác dụng khi cho vào nước tương tự như ngâm nước muối, khử nhanh vị chua của dứa, khi ăn sẽ có vị ngọt.