Ho kèm đờm là tình trạng khiến người bệnh cực kỳ khó chịu. Ảnh minh họa: Todaysparents. |
Chất nhầy trong cổ họng thường xuất hiện khi bạn bị ho, cảm lạnh. Tuy nhiên, bạn có nhận thấy mình bị ho có đờm liên tục không? Dưới đây là những nguyên nhân gây ra đờm nhiều lâu khỏi mà không phải ai cũng biết.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Theo Healthshots, nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn cảm lạnh thông thường, cúm, viêm phế quản và viêm phổi, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng dư thừa chất nhầy.
Khi phát hiện sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh như virus hoặc vi khuẩn trong đường hô hấp, cơ thể phản ứng bằng cách tăng sản xuất chất nhầy để bẫy và trục xuất những kẻ xâm lược này.
Dị ứng
Phản ứng dị ứng với các hạt trong không khí như phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng hoặc nấm mốc có thể gây ra phản ứng viêm ở các đường mũi và xoang. Tình trạng viêm này kích thích niêm mạc sản xuất nhiều chất nhầy hơn như một phần trong nỗ lực của cơ thể nhằm loại bỏ các chất gây dị ứng.
Chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau xảy ra khi chất nhầy dư thừa tích tụ ở phía sau họng và đường mũi, thường do các tình trạng như dị ứng, viêm xoang hoặc viêm mũi. Chất nhầy dư thừa này có thể gây kích ứng họng, dẫn đến ho, hắng giọng và có cục u trong họng.
Hút thuốc
Hút thuốc, bao gồm thuốc lá, xì gà hoặc thuốc lá điện tử, có thể gây kích ứng đường hô hấp và làm suy yếu cơ chế phòng vệ tự nhiên của đường hô hấp.
Các hóa chất trong khói thuốc lá gây kích ứng niêm mạc, khiến chúng sản xuất nhiều đờm hơn như một phản ứng bảo vệ. Hút thuốc lá mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Mất nước
Việc cung cấp đủ nước là điều cần thiết để duy trì độ nhớt thích hợp của đờm. Khi cơ thể bị mất nước, đờm sẽ đặc và dính hơn, khiến việc đẩy các mầm bệnh và chất gây kích ứng ra ngoài trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, tình trạng mất nước có thể làm suy yếu chức năng của niêm mạc, làm giảm khả năng sản xuất đủ lượng chất nhầy.
Thời tiết khô
Mũi làm ẩm và ấm không khí hít vào bằng hơi ẩm bốc hơi từ niêm mạc mũi. Khi tiếp xúc với thời tiết khô và lạnh, niêm mạc mũi bị kích ứng và viêm, đồng thời sản xuất nhiều chất nhầy hơn.
Mẹo để đối phó và loại bỏ sớm đờm trong cổ họng, giảm ho hiệu quả:
- Uống nhiều nước giúp làm loãng chất nhầy, giúp dễ tống ra ngoài hơn
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để tạo không khí ẩm có thể làm dịu các mô bị kích ứng ở cổ họng và giúp làm loãng đờm
- Súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm viêm và làm loãng đờm
- Tránh xa khói thuốc, chất gây ô nhiễm và các chất kích thích khác
- Các loại thuốc không kê đơn như thuốc thông mũi hoặc thuốc long đờm có thể giúp làm sạch đờm trong cổ họng
- Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với người bệnh
- Ngủ với đầu hơi cao có thể ngăn đờm tích tụ ở cổ họng qua đêm, giúp giảm khó chịu.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.