Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân gây phát ban ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ bị phát ban có thể do viêm da, nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm nấm hoặc nhiều tình trạng bệnh khác.

Phát ban là tình trạng có thể gây khó chịu cho trẻ nhỏ nhưng thường không nguy hiểm. Ảnh: Continuumpediatrics.

Nhiều nguyên nhân có thể gây phát ban ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng chúng thường không gây hại và cha mẹ không cần lo lắng. Những phát ban này thường rất dễ điều trị. Mặc dù có thể gây khó chịu cho trẻ, chúng không đáng báo động.

Phát ban hiếm khi là trường hợp khẩn cấp. Nhưng đôi khi, phát ban ở trẻ có thể chỉ ra căn bệnh nghiêm trọng. Là cha mẹ, bạn có thể cần biết khi nào phát ban gây nguy hiểm và nên đưa con đi bệnh viện.

Các loại phát ban ở trẻ

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), nhiều loại phát ban khác nhau có thể ảnh hưởng đến con bạn. Viêm da, nhiễm virus, nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm và nhiều tình trạng khác có thể gây ra vấn đề này.

Phát ban kèm sốt cao

- Ban đỏ nhiễm khuẩn: Phát ban ở 1 hoặc cả 2 bên má kèm theo sốt cao, chảy nước mũi, đau họng và đau đầu.

- Bệnh tay chân miệng: Nổi mụn nước ở tay chân, có vết loét trong miệng.

- Sốt tinh hồng nhiệt: Phát ban gồm những vết sưng nhỏ, nổi lên có cảm giác thô ráp, giống như giấy nhám.

- Bệnh sởi: Phát ban dạng đốm xuất hiện trên đầu hoặc cổ và lan ra các phần còn lại của cơ thể.

Phát ban kèm ngứa

- Do nhiệt: Phát ban gồm những đốm nhỏ, nổi lên gây cảm giác ngứa hoặc châm chích (cơn nóng như kim châm).

- Chàm dị ứng: Da ngứa, khô, có vảy và nứt nẻ. Nó phổ biến ở sau đầu gối, khuỷu tay và cổ, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu.

- Dị ứng: Các đốm hoặc mảng nổi lên, ngứa có thể do phản ứng dị ứng (nổi mề đay). Phát ban thường có thể được điều trị tại nhà. Nhưng hãy gọi bác sĩ nếu xung quanh miệng của con bạn bị sưng tấy hoặc chúng khó thở.

- Bệnh hắc lào: Một mảng da khô, ngứa, hình chiếc nhẫn. Các mảng này có thể có màu đỏ, hồng, bạc hoặc tối hơn vùng da xung quanh.

- Bệnh thủy đậu: Những đốm nhỏ, ngứa biến thành mụn nước và đóng vảy.

- Chốc lở: Các vết loét hoặc mụn nước vỡ ra và để lại những mảng màu nâu vàng có vảy có thể là bệnh chốc lở. Các vết loét hoặc mụn nước có thể ngứa, to hơn hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

- Ghẻ: Những đốm nổi lên rất ngứa có thể do những con ve nhỏ chui vào da (ghẻ). Có thể có các đường nổi lên với một dấu chấm ở một đầu, thường xuất hiện đầu tiên giữa các ngón tay.

Phat ban o tre nho anh 1

Nhiều loại phát ban có thể khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu và muốn gãi. Ảnh: Healthgeelong.

Phát ban không sốt hoặc ngứa

- Mụn sữa: Những đốm rất nhỏ, được gọi là mụn sữa, thường xuất hiện trên mặt trẻ sơ sinh khi trẻ được vài ngày tuổi. Mụn sữa có thể xuất hiện màu trắng hoặc vàng, tùy thuộc vào màu da của bé. Chúng thường biến mất trong vòng vài tuần và không cần điều trị.

- Ban đỏ nhiễm độc: Các đốm đỏ, vàng và trắng nổi lên do ban đỏ nhiễm độc có thể xuất hiện trên trẻ sơ sinh khi chúng được sinh ra. Chúng thường xuất hiện trên mặt, cơ thể, bắp tay và đùi.

- Hăm tã: Mông của bé đỏ và đau.

- Vảy nến: Những mảng màu vàng hoặc trắng, nhờn, có vảy trên da đầu của bé.

Khi nào nên đưa con đi bác sĩ?

Theo Healthline, mặc dù phát ban thường lành tính và tự khỏi, cha mẹ cần cho con đi khám nếu trẻ gặp phải các triệu chứng sau:

- Sốt: Nếu em bé bị phát ban kèm theo sốt hoặc sau khi sốt, tốt nhất cha mẹ nên gọi cho bác sĩ nhi khoa. Nguyên nhân có thể là nhiễm trùng và trẻ cần đi khám.

- Phát ban kéo dài hơn một tuần: Nếu em bé bị phát ban kéo dài hơn một tuần, không đáp ứng với các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc khiến bé đau hoặc khó chịu, bạn nên gọi cho bác sĩ.

- Phát ban lan rộng: Nếu trẻ bị phát ban lan rộng, đặc biệt là quanh miệng hoặc phát ban kèm theo ho, nôn mửa, thở khò khè hoặc các triệu chứng hô hấp khác, bạn nên đưa con đến phòng cấp cứu. Đây có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ.

- Dấu hiệu khẩn cấp: Phát ban kèm theo sốt rất cao, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, thay đổi thần kinh hoặc run không kiểm soát được có thể do viêm màng não gây ra được coi là trường hợp cấp cứu y tế.

Ngăn ngừa phát ban cho trẻ nhỏ

Mặc dù phát ban ở trẻ sơ sinh rất phổ biến, có một số bước bạn có thể thực hiện để giúp ngăn ngừa tình trạng này, bao gồm:

  • Thay tã thường xuyên.
  • Giữ cho da sạch và khô.
  • Sử dụng bột giặt không gây kích ứng hoặc bột giặt được pha chế đặc biệt cho trẻ sơ sinh.
  • Mặc quần áo cho bé bằng các loại vải thoáng khí, chẳng hạn cotton.
  • Mặc quần áo cho bé phù hợp với thời tiết để tránh quá nóng.
  • Theo dõi bất kỳ phản ứng nào của da với thực phẩm để tránh con bị dị ứng thực phẩm.
  • Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
  • Không để người lạ hoặc bất cứ ai có triệu chứng bệnh hôn con.
  • Sử dụng kem dưỡng da, dầu gội đầu và xà phòng được thiết kế dành riêng cho làn da nhạy cảm của trẻ.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Dấu hiệu nguy hiểm khi bị sốt phát ban

Bố tôi đang bị sốt phát ban với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau đầu, phát ban. Đây có phải là tình trạng nghiêm trọng hay không? Khi nào bệnh nguy hiểm?

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm