Ngày nay, kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ được phổ cập cùng với những tiến bộ trong kỹ thuật điều trị đã làm cho viêm tắc tia sữa thật sự không còn là nỗi ám ảnh với nhiều người.
Viêm tắc tia sữa là gì?
Sữa mẹ được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa nằm ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, lòng ống dẫn bị hẹp bít lại làm sữa không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng tròn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Huê, chuyên khoa II sản phụ khoa, cho biết: “Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bị tắc tia sữa không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, lâu dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa”.
Điều trị tắc tia sữa bằng sóng siêu âm đa tần. Ảnh: M.T |
Nguyên nhân của viêm tắc tia sữa
Theo bác sĩ Huê, viêm tắc tia sữa có rất nhiều nguyên nhân như người mẹ không cho trẻ bú sớm và thường xuyên, cho con bú khi đầu vú và bàn tay không vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào ống dẫn sữa thông qua đầu vú. Hệ thống ống dẫn sữa nhiễm khuẩn sẽ bị nhỏ hẹp gây cản trở sữa thoát ra ngoài.
Những sản phụ có đầu ti bị kéo vào trong hoặc bằng phẳng, quá to, biến dạng khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn nứt đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới động tác mút sữa của bé, đầu ti của sản phụ sẽ nứt rộng hơn hoặc sữa không thông nhưng con vẫn cứ bú, nhai đi nhai lại, gây tổn thương. Khi đó, vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tắc tuyến sữa.
Sản phụ bị căng thẳng tinh thần trong thời kỳ cho con bú hoặc chế độ dinh dưỡng cho người mẹ chưa hợp lý cũng làm tăng nguy cơ tắc tia sữa.”
Dấu hiệu nhận biết viêm tắc tia sữa
Bác sĩ Huê chia sẻ một số dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm tắc tia sữa như sau:
- Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít.
- Có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, sốt, đau vú tăng lên nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong.
- Khi sờ sẽ thấy có những khối tròn bề mặt gồ ghề, mật độ cứng với nhiều kích thước khác nhau, khi chạm vào rất đau.
Khi có các dấu hiệu trên, các sản phụ cần được thăm khám sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác và tiến hành phương pháp điều trị cho phù hợp. Các sản phụ cũng được khuyên tránh tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng hoặc trì hoãn việc điều trị.
Dự phòng và điều trị
Để phòng ngừa viêm tắc tia sữa sau sinh, quan trọng nhất là phòng nứt đầu vú. Trong thời kỳ đầu mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng, chị em cần phải vê kéo dần ra ngoài hàng ngày.
Người mẹ cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10-15 phút là đủ, bú hết một bên, không để trẻ ngậm đầu ti ngủ. Nếu con bú không hết, mẹ cần vắt sữa ra ngoài.
Mỗi lần cho bú, sản phụ cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho con bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô.
Khi các phương pháp dự phòng thất bại, sản phụ cần được điều trị kịp thời. Hiện nay, phương pháp mới được áp dụng trong điều trị viêm tắc tia sữa là sử dụng các tác nhân vật lý như sóng siêu âm trị liệu, laser cường độ cao, nhiệt trị liệu (nóng hoặc lạnh tuỳ vào tình trạng) và massage trị liệu kết hợp máy hút sữa chuyên dụng.
Theo chuyên viên vật lý trị liệu Lê Thị Lệ Thuỷ, Bình Dương, trước đây, việc điều trị viêm tắc tia sữa chủ yếu bằng các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh làm ảnh hưởng đến việc tiết sữa, đôi khi sau điều trị sản phụ cũng không còn khả năng tiết sữa.
Hiện nay, vật lý trị liệu là phương pháp điều trị tiên tiến và được áp dụng tại một số cơ sở y tế, dựa trên cơ sở lý luận bóc tách các kết dính sâu bởi các loại sóng xuyên thấu, đem lại hiệu quả nhanh ngay sau lần điều trị đầu tiên. Thông thường sau khoảng 2-3 lần điều trị, sản phụ có thể cho con bú trở lại mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Song song với quá trình điều trị, sản phụ sẽ được tư vấn các kiến thức về sữa mẹ và phương pháp cho con bú một cách hiệu quả nhằm đạt được kết quả tốt nhất cũng như phòng tránh tái phát.
Thấu hiểu nỗi lo của hàng ngàn bà mẹ đang và sẽ mang thai, Zing.vn ra mắt ứng dụng tra cứu Lần đầu làm mẹ giúp 9 tháng 10 ngày mang thai của mẹ khỏe mạnh và trọn vẹn hạnh phúc.
Ứng dụng được xây dựng dựa trên 40 tuần thai kỳ. Sau khi nhập ngày dự sinh, các bà mẹ sẽ được cung cấp thông tin chi tiết về sự phát triển của em bé, quá trình thay đổi trên cơ thể mẹ theo từng tuần. Điều đó giúp cho các thai phụ và có được kiến thức cơ bản về hành trình mang thai.
Lần đầu làm mẹ không chỉ dừng lại ở việc tra cứu thông tin mà còn hỗ trợ giải đáp một số thắc mắc cơ bản của các sản phụ khi mang thai về chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, xét nghiệm cần làm, nhắc bạn lịch tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
Trải nghiệm ứng dụng tra cứu Lần đầu làm mẹ tại đây.