Sáng 20/7, theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, nước ta ghi nhận tổng cộng 56.530 bệnh nhân.
Tính riêng TP.HCM, tổng số bệnh nhân của thành phố là 35.984. Trong đó, 362 trường hợp nặng đang thở máy và 10 người được can thiệp ECMO.
Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 cập nhật lần thứ 6 của Bộ Y tế sẽ phần nào hỗ trợ được hệ thống y tế Việt Nam trong thời điểm số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh chóng.
Thời gian bệnh nhân diễn biến nặng nhanh
- Thưa ông, những điểm mới trong phiên bản cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 thay đổi công việc của các bác sĩ như thế nào?
- Điểm mới đầu tiên của lần cập nhật này so với phiên bản trước đó là Bộ Y tế bổ sung các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân Covid-19 như đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp còn có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
Trên thực tế, các triệu chứng này đã xuất hiện ở bệnh nhân Covid-19 trước đó. Đây là các biểu hiện lâm sàng thường gặp và triệu chứng nhẹ. Do đó, việc điều trị các triệu chứng trên không có quá nhiều thay đổi.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc đã điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên từ khi dịch mới xâm nhập vào Việt Nam. Ảnh: Quốc Vương. |
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ phác đồ điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ gồm:
- Vệ sinh mũi họng. Có thể giữ ẩm mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng, họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.
- Giữ ấm.
- Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.
- Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết.
- Hạ sốt nếu sốt cao. Có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 g/ngày với người lớn.
- Giảm ho bằng các thuốc ho thông thường nếu cần thiết.
Ngoài ra, với các triệu chứng nôn, tiêu chảy nhiều, đặc biệt ở những bệnh nhân cao tuổi, trẻ nhỏ, nhân viên y tế sẽ phải theo dõi sát, bù dịch và điện giải kịp thời, tránh để bệnh nhân mất nước, điện giải nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Điểm mới thứ 2 là thời gian từ khi có triệu chứng đến khi bệnh nhân diễn biến nặng được xác định là 5-8 ngày thay vì 7-8 ngày như trước. Việc này sẽ giúp các bác sĩ chú ý sớm hơn tới những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, phân loại mức độ diễn biến chính xác, kịp thời, tránh phát hiện triệu chứng nặng muộn, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Theo các thống kê lâm sàng của bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta, triệu chứng khởi phát sớm hơn, thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến chủng khác.
Điểm thứ ba là Bộ Y tế đặc biệt lưu ý việc phát hiện và xử trí sớm các biểu hiện thần kinh, tâm thần ở bệnh nhân Covid-19. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các hiệp hội y khoa của nhiều quốc gia cũng như thực tế lâm sàng ở các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam cho thấy biểu hiện thần kinh, tâm thần xuất hiện khá phổ biến, nhất là ở người cao tuổi, trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch.
Do đó, tôi nghĩ lưu ý này của Bộ Y tế sẽ giúp các nhân viên y tế, người mới hoặc lần đầu tham gia điều trị Covid-19 sớm nhận biết và đưa ra phương án xử trí kịp thời cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phúc cùng các nhân viên y tế tại khoa Hồi sức tích cực phụ trách điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng và nguy kịch. Ảnh: Việt Linh. |
Vấn đề cuối cùng, trong hướng dẫn mới, thời gian để bệnh nhân Covid-19 xuất viện được nêu rất rõ ràng và đầy đủ. Thời gian này được rút ngắn hơn cho một số trường hợp không có triệu chứng, đáp ứng đủ thời gian và có tối thiểu 2 lần xét nghiệm rRT-PCR âm tính với SARS-Cov-2 hoặc nồng độ virus rất thấp (CT≥30).
Việc không cần lấy mẫu sau khi về nhà trong phác đồ mới giúp giảm chi phí và gánh nặng xét nghiệm cho ngành y tế theo dõi những bệnh nhân Covid-19 sau xuất viện. Những trường hợp này rất ít có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Bằng chứng là hướng dẫn này đồng nhất với hướng dẫn mới của WHO. Trong quá trình thống kê, chúng ta cũng thấy rằng nhiều trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 ở Việt Nam sau quá trình điều trị bệnh đều không lây lan ra cộng đồng.
- Bác sĩ đánh giá như thế nào về phiên bản cập nhật này của Bộ Y tế?
- Cá nhân tôi nghĩ phiên bản hướng dẫn này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 của các nhân viên y tế nhờ sự kịp thời và rõ ràng.
Qua hướng dẫn này, các bác sĩ có thể phát hiện sớm các bất thường, từ đó có phương án điều trị kịp thời, tránh tình trạng diễn biến nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, hướng dẫn mới cho phép giảm thời gian bệnh nhân nằm viện, bớt gánh nặng cho ngành y tế khi số lượng bệnh nhân đang liên tục gia tăng, đặc biệt ở những điểm nóng như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Chìa khóa để kết thúc đại dịch
- Từng cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, theo bác sĩ, đâu là điểm cốt lõi trong công tác điều trị lúc này?
- Qua thực tế điều trị, tôi nhận thấy điểm mấu chốt khi chăm sóc các trường hợp mắc Covid-19 là bác sĩ cần tập trung phát hiện sớm bệnh nhân có biểu hiện hay yếu tố nguy cơ diễn biến nặng, từ đó kịp thời xử trí.
Việc điều trị sớm các trường hợp này sẽ giúp chúng ta giảm lượng bệnh nhân cần can thiệp thở máy hay tim phổi nhân tạo (ECMO). Thông qua đó, việc phân tầng, điều trị chính xác các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ sẽ giúp giảm được số lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như hạn chế tỷ lệ tử vong.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các loại thuốc được bổ sung trong hướng dẫn điều trị mới của Bộ Y tế?
- Ngoài vaccine phòng bệnh, thuốc kháng virus là một trong các chìa khóa để chúng ta kết thúc đại dịch Covid-19.
Thuốc kháng virus là một trong các chìa khóa để kết thúc đại dịch Covid-19.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc
Trong lần cập nhật này, các loại thuốc kháng virus được bổ sung đều đã được được áp dụng và có trong hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19 trên thế giới. Chúng đều có bằng chứng cho thấy giúp giảm tải lượng virus cũng như tỷ lệ diễn biến nặng của bệnh nhân.
Việc Bộ Y tế bổ sung thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19 còn giúp các bác sĩ có thêm những sự lựa chọn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã bào chế thành công một số loại như Favipiravir, qua đó chủ động hơn trong nguồn cung cấp thuốc.