Bác sĩ Trần Thị Sáu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết sau khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp chống dịch, số người đến khám sức khỏe tâm thần gia tăng.
Gần đây, bác sĩ Sáu tiếp nhận ca bệnh là một nữ sinh lớp 12, ở Hà Nội, đến khám vì có hành vi gây tổn thương trên cơ thể.
Gia đình bệnh nhân chia sẻ trước khi bắt đầu năm học mới, nữ sinh này đã có biểu hiện lo âu, buồn chán và dùng vật sắc nhọn tự cắt vào tay. Thời điểm đó, gia đình gọi điện xin ý kiến tư vấn của bác sĩ. Sau khi được tư vấn, tình trạng của nữ sinh đã được cải thiện.
Học được một thời gian, nữ sinh này tiếp tục xuất hiện tình trạng buồn chán, suy nghĩ tiêu cực… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập. Nữ sinh có biểu hiện hay cáu gắt và bắt đầu lặp lại hành vi cắt tay, hành hạ cơ thể.
Gia đình sau đó đã đưa nữ sinh đến Bệnh viên Tâm thần ban ngày Mai Hương thăm khám. Tại bệnh viện, nữ sinh chia sẻ với bác sĩ: "Mỗi khi làm đau bản thân như vậy, em cảm thấy tư tưởng thoải mái hơn".
"Sau khi thăm khám, chúng tôi đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc, kết hợp gia đình, dùng biện pháp điều trị tâm lý", bác sĩ Sáu cho hay.
Bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương gần đây tăng. Ảnh: L.P. |
Theo chuyên gia này, áp lực học tập cùng với việc phải ở nhà lâu do dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. Với trường hợp như nữ sinh trên, đây chính là lý do.
Khi ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý, những tác động khách quan bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý, hành vi.
Hiện nay, tại cơ sở y tế này, bệnh nhân đến khám ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất. Đa số bệnh nhân đến khám đều chung một nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học online lâu dài.
Thậm chí, những trường hợp bị biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng, đến mức tự hành hạ cơ thể mình.
Bác sĩ Sáu khuyến cáo để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời, vai trò của người thân là rất quan trọng. Bố mẹ thường xuyên phải quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ.
"Ví dụ như trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền nhưng bỗng nhiên thấy con có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu găt, rối loạn giấc ngủ, cần đi khám chuyên khoa tâm thần sớm. Với trường hợp trẻ tìm đến những cách như rạch tay, hành hạ cơ thể thì đã ở tình trạng quá nặng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn”, bác sĩ Sáu tư vấn.
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, cộng với việc học online thường xuyên, nếu bố mẹ không hiểu tâm tư của trẻ, gây áp lực cho trẻ rất dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng. Bởi vậy, phụ huynh cần thường xuyên hỏi han, chia sẻ và không gây áp lực, không giao mục tiêu, đặt kỳ vọng quá lớn với con trẻ.
Bác sĩ cũng cảnh báo phụ huynh khi để trẻ tiếp cận các thiết bị điện tử quá dễ dãi, điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn với trẻ.
"Sau mỗi đợt học online, trẻ đến khám về nghiện game, điện thoại thường tăng. Đó là chưa kể đến việc trẻ dễ tiếp cận các nội dung xấu, độc hại trên mạng…Vì thế, phụ huynh không chỉ là người quan tâm, giám sát mà còn đóng vai trò là người bạn, chia sẻ với con để giải tỏa áp lực, căng thẳng giúp trẻ cân bằng cuộc sống, thoải mái tâm lý", bác sĩ Sáu khuyến cáo.