Cố gắng thụ thai là quá trình thử nghiệm đối với mọi cặp vợ chồng. Một số người gặp may mắn thụ thai trong vòng vài tháng, trong khi những người khác phải đợi nhiều năm mới có thai.
Cho dù bạn đang cố gắng trong nhiều tháng hay nhiều năm, thời gian chờ đợi đều khó khăn đối với mọi người. Khả năng sinh sản bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như lối sống, thói quen ăn uống và các hoạt động khác hàng ngày của chúng ta. Dưới đây là những điều khiến phụ nữ khó thụ thai.
Căng thẳng
Theo India Times, khi bạn đề cập với bạn bè hoặc gia đình rằng bạn đang cố gắng có thai, gần như có ai đó sẽ nói: “Hãy thư giãn và bạn sẽ dễ dàng mang thai hơn”. Thật vậy, căng thẳng sẽ gây hại cho bạn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Phụ nữ phải chịu áp lực trong thời gian dài sẽ khiến cho buồng trứng không tiếp tục bài tiết hormone nữ, rụng trứng, kinh nguyệt thất thường, thậm chí tắc kinh. Điều đó khiến quá trình thụ thai gặp khó khăn. Những người làm việc trong môi trường cạnh tranh ác liệt, lượng công việc luôn chồng chất, căng thẳng, khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng cao.
Theo bác sĩ trị liệu tự nhiên Via Bitidis, Giám đốc Phòng khám chữa bệnh tự nhiên Bắc Toronto (Mỹ), cân bằng và bình tĩnh là một trong những điều quan trọng trong việc cố gắng thụ thai. Để có thai kỳ khỏe mạnh, cơ thể và tâm trí của bạn nên đồng bộ. Ngay cả khi bạn đã mang thai nhưng vẫn bị căng thẳng, nó có thể ảnh hưởng sức khỏe của em bé.
Căng thẳng quá mức khiến phụ nữ bị rối loạn nội tiết, ảnh hưởng quá trình rụng trứng, kinh nguyệt thất thường. Ảnh: Theconversation. |
Mất ngủ
Theo tạp chí Today’s Parent, ngủ quá ít có thể khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch. Điều này làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, tác động tiêu cực đến chu kỳ sinh sản ở cả nam và nữ giới.
“Nhiễm trùng có thể phát triển thành sốt và nhiệt độ quá cao tăng nguy cơ làm hỏng tinh trùng. Ở phụ nữ, thiếu ngủ khiến họ lo lắng, căng thẳng, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, giảm khả năng mang thai”, Megan Karnis, Giám đốc y tế của The ONE Fertility Clinic ở Burlington (Canada), cho biết.
Thiếu cân hoặc thừa cân
Theo tiến sĩ William Schlaff, Trưởng khoa Sản và Phụ khoa, Đại học Y khoa Jefferson (Mỹ), đối với những phụ nữ thừa cân và béo phì, việc mang thai có thể khó khăn hơn một chút so với người khác. Điều này là do chất béo dư thừa trong cơ thể có thể dẫn đến các vấn đề như kinh nguyệt không đều hoặc rụng trứng không đúng cách. Cả 2 điều kiện trên đều làm giảm khả năng sinh sản, dẫn đến khó mang thai.
Ngay cả trọng lượng cơ thể thấp cũng có thể là một vấn đề đối với những người đang cố gắng mang thai. Điều này là do cơ thể họ thiếu leptin, hormone kiểm soát cơn đói và mang lại cảm giác no lâu. Nó sẽ cản trở quá trình rụng trứng và làm chu kỳ kinh nguyệt thất thường, thậm chí mất kinh.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và phát triển một thói quen tập thể dục hợp lý sẽ làm nên điều kỳ diệu cho tinh thần và thể chất của bạn.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Nhiều lý do khiến phụ nữ có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều như điều kiện nội tiết tố, cân nặng quá mức hoặc căng thẳng. Theo bác sĩ Bitidis, nhiều phụ nữ không nắm rõ chu kỳ của mình.
“Hầu hết chúng ta đều được dạy về chu kỳ điển hình là 28 ngày, nhưng mỗi phụ nữ khác nhau và chu kỳ cũng khác nhau về độ dài”, bác sĩ Bitidis nói.
Nếu không có chu kỳ kinh nguyệt cố định, điều đó có thể gây khó khăn trong việc tính toán thời kỳ rụng trứng (thời điểm phụ nữ thụ thai). Vì vậy, ngay cả khi bạn cố gắng quan hệ tình dục đều đặn suốt cả tháng nhưng lại bỏ lỡ thời điểm rụng trứng, khả năng mang thai của bạn là rất thấp.
Nhiều phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều cũng ảnh hưởng quá trình rụng trứng, thụ thai. Ảnh: Cunysph. |
Tiếp xúc hóa chất độc hại
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives cho biết tiếp xúc thường xuyên với các chất gây ô nhiễm, thuốc trừ sâu và hợp chất độc hại trong công nghiệp có thể làm giảm 29% khả năng thụ thai của ở một cặp vợ chồng.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ), 15 loại hóa chất thông dụng có liên quan tới việc mãn kinh sớm ở nữ giới bao gồm phthalates (có trong các mỹ phẩm, nước hoa,…), độc tố furan hay một số chất trong quá trình đốt công nghiệp.
Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn
Nếu bạn đã cố gắng mang thai trong một thời gian dài và không thành công, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Thực tế, việc tham khảo ý kiến của các bác sĩ và khám sức khỏe tổng thể là điều đầu tiên cần thiết bạn phải làm khi có kế hoạch sinh con. Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu vấn đề đang cản trở khả năng mang thai của bạn và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Hội chứng đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai của phụ nữ. Ngoài ra, những người bị rối loạn tự miễn dịch (như lupus, viêm khớp dạng thấp) cũng khó có thai vì nó cản trở quá trình “gặp nhau” giữa trứng và tinh trùng.
Các bệnh như lậu, giang mai hay chlamydia có thể gây ra các vấn đề viêm xương chậu. Vi khuẩn chlamydia có thể gây ra sẹo ở ống dẫn trứng, nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ vô sinh. Phụ nữ mắc các vấn đề về rối loạn tuyến giáp cũng bị ảnh hưởng đến sự rụng trứng và tăng nguy cơ vô sinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người phụ nữ khó thụ thai đều có tuyến giáp hoạt động kém.