Tưa miệng khiến trẻ quấy khóc vì đau rát khi bú, nuốt thức ăn. Ảnh: Theasianparent. |
Tưa miệng là bệnh nhiễm trùng miệng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các triệu chứng bao gồm các mảng trắng hoặc vàng trong miệng.
Bệnh tưa miệng do một loại nấm có tên là Candida gây ra. Candida được tìm thấy tự nhiên trên da và trong miệng. Nhưng nếu nấm Candida phát triển ngoài tầm kiểm soát, nó có thể gây ra bệnh tưa miệng. Bệnh tưa miệng không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với một đứa trẻ khỏe mạnh. Nó có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm.
Nguyên nhân
Trung tâm Y tế Đại học Rochester (Mỹ) cho biết nấm Candida phổ biến trong môi trường hàng ngày. Nó chỉ gây ra vấn đề khi phát triển ngoài tầm kiểm soát. Điều này có thể xảy ra nếu một đứa trẻ:
- Đã uống thuốc kháng sinh.
- Sử dụng corticosteroid dạng hít, chẳng hạn bệnh hen suyễn.
- Thường xuyên sử dụng núm vú giả.
- Có hệ thống miễn dịch yếu.
Ngoài những điều trên, một đứa trẻ có nhiều nguy cơ bị tưa miệng hơn nếu:
- Có cân nặng khi sinh rất thấp.
- Sinh thường ở người mẹ bị nhiễm trùng nấm men.
Các triệu chứng của bệnh tưa miệng
Bệnh tưa miệng gây ra các mảng màu trắng sữa hoặc vàng trên lưỡi hoặc má trong. Những mảng này có thể gây đau và có thể chảy máu. Một số trẻ không bị đau do tưa miệng. Những trẻ khác có thể bị đau và quấy khóc, không chịu bú. Tình trạng này cũng có thể gây đau khi nuốt.
Bệnh tưa miệng cũng gây nứt da ở khóe miệng. Các triệu chứng có thể xảy ra hơi khác nhau ở mỗi đứa trẻ.
Tưa miệng điều trị như thế nào?
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe chung của con bạn hay tình trạng nghiêm trọng như thế nào. Một em bé khỏe mạnh bị tưa miệng nhẹ có thể không cần điều trị. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm dạng lỏng. Thuốc này được đưa qua ống nhỏ giọt vào miệng của trẻ nhỏ hoặc dạng viên cho trẻ lớn hơn.
Các bà mẹ cho con bú có thể bị tưa miệng trên núm vú. Nếu bạn cho con bú, cả bạn và trẻ sẽ được điều trị để ngăn ngừa lây nhiễm qua lại. Người mẹ có thể được cho thuốc mỡ để bôi lên da hoặc thuốc uống chống nấm.
Điều quan trọng nữa là đun sôi và khử trùng bất kỳ núm vú giả, núm vú bình sữa hoặc đồ chơi nào mà con bạn có thể cho vào miệng sau mỗi lần sử dụng. Điều này sẽ ngăn trẻ bị tái nhiễm. Khi chăm sóc cho trẻ bị tưa miệng ở nhà, người lớn cần:
- Rửa tay sạch bằng nước ấm và xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.
- Cho trẻ rửa tay thường xuyên.
- Nếu trẻ sử dụng bình sữa hoặc núm vú giả, hãy đun sôi nó trong 5-10 phút sau mỗi lần sử dụng.
- Rửa cốc uống nước bằng nước ấm và xà phòng sau mỗi lần sử dụng.
Khi nào cần gọi bác sĩ?
Cha mẹ cần gọi cho bác sĩ nếu trẻ bị tưa miệng:
- Có các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.
- Xuất hiện triệu chứng mới.
- Ngừng ăn hoặc uống.
- Từ 3 tháng tuổi trở xuống và bị sốt từ 38 độ C trở lên. Sốt ở trẻ nhỏ có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.