Việc trẻ chậm biết đi có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: sandra_seitamaa. |
Về lý thuyết, thông thường trẻ có thể bắt đầu biết đi ở bất cứ thời điểm nào trong khoảng từ 9 đến 15 tháng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể biết đi sớm hoặc muộn hơn khoảng này.
Như thế nào là chậm biết đi?
Theo BS Hoài Thu, Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, hầu hết trường hợp trẻ không biết đi một cách độc lập sau 18 tháng có thể cần đánh giá thêm để biết nguyên nhân của sự chậm trễ.
"Đi bộ là kỹ năng vận động thô, liên quan các cơ lớn của chân. Thông thường, về mặt phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ sẽ bắt đầu từ lẫy, lăn lộn, học cách ngồi độc lập, bò, đứng độc lập và bám vào các đồ đạc hoặc các công cụ hỗ trợ khác để tập đi và di chuyển quanh phòng", vị chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, biết đi muộn có thể kéo theo sự chậm trễ ở các lĩnh vực khác trong quá trình phát triển vận động thô của trẻ sơ sinh.
Đi bộ là kỹ năng vận động thô được phát triển theo quá trình từ khi trẻ sinh ra. Ảnh minh họa: jordan_christian. |
Cụ thể, việc chậm biết bò cũng là một trong những trường hợp đi kèm với chậm biết đi. Trên thực tế, việc trẻ bỏ qua giai đoạn bò và chuyển sang giai đoạn đứng, đi luôn cũng không quá hiếm gặp.
BS Thu nói: "Đi bộ là kỹ năng vận động thô thiết yếu. Việc chậm đạt được kỹ năng này chắc chắn sẽ gây lo ngại cho cha mẹ cũng như người thân trong gia đình. Dù vậy, nếu trẻ đã hoàn thành các cột mốc vận động thô như lẫy, ngồi thẳng, bò dù có chậm thì gia đình cũng không nên quá lo lắng nếu trẻ chậm biết đi".
Nguyên nhân khiến trẻ chậm biết đi
Theo BS Hoài Thu, một số lý do chính khiến trẻ chậm biết đi là:
- Di truyền: Có thể có mối liên hệ giữa việc cha mẹ biết đi muộn lúc còn bé và con. Hệ quả là con của họ cũng chậm biết đi.
- Tính cách: Một số trẻ không vội vàng tập đi, nhóm này thận trọng hơn với việc chấp nhận rủi ro để thành thạo việc đi lại độc lập. Những đứa trẻ này hài lòng với việc dành thời gian và học các bước phát triển trong thời gian riêng của chúng.
- Môi trường: Một số bé thường xuyên bị ốm hoặc phải nằm viện dài ngày khi còn nhỏ có thể ít có cơ hội di chuyển và thực hành các kỹ năng vận động thô hỗ trợ cho việc đi lại. Ngoài ra, một số trẻ sơ sinh cũng ở trong môi trường không có cơ hội di chuyển hay chơi trên sàn nhà, ít điều kiện sử dụng các kỹ năng vận động thô đang phát triển của chúng cũng có thể bị chậm đi.
- Sinh non: Trẻ sinh sớm có thể có các mốc phát triển vận động chậm hơn. Điều này tùy thuộc vào mức độ sinh non của trẻ. Những đứa trẻ sinh non nên được theo dõi, đánh giá dựa trên các mốc quan trọng theo ngày dự sinh chứ không phải ngày chúng được sinh ra.
- Một bệnh hiếm gặp hoặc hội chứng di truyền: Đôi khi chậm đi kết hợp với các biểu hiện chậm vận động thô khác có thể là triệu chứng bệnh hiếm gặp ở trẻ. Một số ví dụ điển hình là hội chứng Barth, hội chứng Rett và hội chứng Russell-Silver. Lúc này, các bác sĩ sẽ yêu cầu phân tích di truyền để xác định nguyên nhân gây chậm vận động thô ở trẻ.
- Sức khỏe thể chất của trẻ: Giảm trương lực cơ (trương lực cơ thấp) là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm biết đi ở trẻ nhỏ. Giảm trương lực cơ cũng có thể xuất hiện trong một căn bệnh hiếm gặp như hội chứng Williams. Chậm biết đi cũng là một dấu hiệu của bệnh bại não nhẹ.
"Điều quan trọng là trẻ nhỏ cần được tạo cơ hội để di chuyển và chơi đùa. Cha mẹ không nên để trẻ ở trong các thiết bị như xe đẩy, ghế em bé quá lâu. Điều này có thể làm hạn chế khả năng di chuyển của trẻ", BS Thu lưu ý.
Gia đình nên tạo điều kiện cho trẻ di chuyển, chơi đùa thay vì lạm dụng các loại ghế, xe đẩy. Ảnh minh họa: picsea. |
Trong hầu hết trường hợp, nếu trẻ chỉ chậm biết đi và các kỹ năng vận động khác vẫn phát triển bình thường, BS Thu cho rằng gia đình không nên quá lo lắng.
"Một số trẻ sơ sinh cần được kích thích và khuyến khích nhiều hơn để tự mình thành thạo kỹ năng", vị chuyên gia chia sẻ.
BS Thu khuyến cáo nếu cha mẹ lo lắng về kỹ năng vận động thô nào của con, chúng ta nên đưa trẻ đi khám và kiểm tra để được các bác sĩ hỗ trợ và tìm giải pháp can thiệp kịp thời.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.