Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên Phó công an TP Tuy Hòa chỉ bị đề nghị án treo

Thiếu trách nhiệm nên để xảy ra vụ dùng nhục hình làm chết nghi can, bị cáo Lê Đức Hoàn (nguyên phó Công an TP Tuy Hòa) được đề nghị án treo vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Chiều 10/4, phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo nguyên là Công an TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên trong vụ dùng nhục hình làm chết ông Ngô Thanh Kiều bước vào phần tranh luận.

Sau khi trình bày quan điểm kết luận về vụ án, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên đã đề nghị hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt các bị cáo nguyên là Công an TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên như sau: 

Bị cáo Lê Đức Hoàn (nguyên phó Công an TP Tuy Hòa): 9-12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18-21 tháng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mức đề nghị cho nhóm công an bị xét xử về tội dùng nhục hình gồm: Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa): 7-8 năm tù.

Hai bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên Công an tỉnh Phú Yên) và Phạm Ngọc Mẫn (nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa) cùng bị đề xuất từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Tấn Quang (nguyên điều tra viên Công an TP Tuy Hòa): từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù.  Bị cáo Đỗ Như Huy (nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa): từ 2 năm đến 2 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

VKS cũng đề nghị hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ quyền hạn trong một thời gian kể từ khi chấp hành xong bản án.

Bị cáo Lê Đức Hoàn (nguyên phó Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Bị cáo Lê Đức Hoàn (nguyên phó Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Nhiều nhân chứng công an thừa nhận bắt giữ người trái luật

Trước đó, trong phần thẩm vấn sáng 10/4, nhiều nhân chứng là các công an có liên quan việc bắt giữ ông Ngô Thanh Kiều thừa nhận đến còng tay, bắt người này vào giữa khuya mà không hề có lệnh, quyết định bắt giữ theo như quy định. 

Lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Lai (Công an huyện Tây Hòa), người tham gia kiểm tra nhà và còng tay ông Kiều đưa về trụ sở Công an xã Hòa Đồng lúc 3h30 ngày 13/5/2012, được tòa công bố cho thấy: 

Chiều 12/5, tại Công an huyện Tây Hòa, ông Nguyễn Trần Nguyên Phúc - Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự Công an TP Tuy Hòa - đến bàn việc nắm thông tin về ông Kiều, nếu có ở nhà thì bắt giữ và làm việc.

Khoảng 3h30 ngày 13/5/2012, ông Lai tham gia cùng nhóm Công an TP Tuy Hòa, Công an xã Hòa Đồng đi kiểm tra nhà ông Kiều.

Tại đây, ông Nguyễn Hồ Chu Toàn (Công an TP Tuy Hòa) yêu cầu ông Lai còng tay Kiều lại rồi đưa về Công an xã Hòa Đồng làm việc. Ông Lai thừa nhận khi bắt Kiều không có lệnh gì.

Còn lời khai của Nguyễn Hồ Chu Toàn được tòa công bố cũng thừa nhận khi đến nhà ông Kiều dẫn giải thì không có lệnh, quyết định gì.

“Từ khi bắt giữ ông Kiều đưa lên Công an xã Hòa Đồng đến khi đưa về Công an TP Tuy Hòa thì không ai chỉ đạo chúng tôi cho Kiều ăn uống. Chỉ khi Kiều xin nước uống thì chúng tôi đưa” - lời khai ông Toàn.

Còn lời khai ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng Công an xã Hòa Đồng cho biết, khoảng 3h ngày 13/5/2012, ông Nguyễn Hồ Chu Toàn, Trương Quốc Dũng (Công an TP Tuy Hòa), Trần Phương Nam (Công an huyện Tây Hòa), Nguyễn Văn Lai… đến Công an Hòa Đồng yêu cầu ông đưa đến nhà Kiều để kiểm tra hộ khẩu.

Sau đó thì xảy ra việc còng tay, đưa Kiều về trụ sở Công an xã Hòa Đồng. Ông Thắng khai những việc làm trên không có lệnh, không có quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Ông cũng thừa nhận việc kiểm tra hộ khẩu là không đúng pháp luật. 

Vật chứng chỉ là vật thay thế

Tại tòa, luật sư Võ An Đôn đề nghị HĐXX đưa ra các vật chứng vụ án cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành nhận dạng.

Khi chủ tọa phiên tòa Nguyễn Phi Đô đưa cây dùi cui cao su được cho là vật chứng vụ án lên, bị cáo Thành nói đây chỉ là dùi cui cao su đồng dạng để làm vật thay thế.

Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành khẳng định gậy cao su làm vật chứng không phải là gậy cao su trong phòng lấy lời khai Ngô Thanh Kiều.
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành khẳng định gậy cao su làm vật chứng không phải là gậy cao su trong phòng lấy lời khai Ngô Thanh Kiều.

Chiếc dùi cui thật sự mà bị cáo này dùng để “dọa” ông Kiều và các bị cáo khác đánh nghi phạm này tại phòng Đội điều tra tổng hợp Công an TP Tuy Hòa đã thất lạc, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao không thu thập được.

Bị cáo Thành cũng nói rằng những chiếc còng chính thức còng tay Kiều tại Công an TP Tuy Hòa đã thất lạc, còng được HĐXX đưa ra chỉ là thay thế.

Còn trong lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Thắng mà tòa công bố, chiếc còng tay dùng còng Kiều từ nhà về Công an xã Hòa Đồng, ông đã giao nộp cho Thanh tra Công an tỉnh Phú Yên trong quá trình điều tra vụ án.

Tòa cũng thẩm vấn nhân chứng Lê Hải Phú (Công an TP Tuy Hòa) là người bị Nguyễn Tấn Quang khai là thấy Phú đá nhiều cái vào người ông Kiều khi ông này mới được đưa từ xã Hòa Đồng về và đang nằm lăn trong phòng của Đội điều tra tội phạm ma túy Công an TP Tuy Hòa.

Tuy nhiên, ông Phú phủ nhận cho rằng lời khai của Quang không chính xác.

Làm lại giấy triệu tập, biên bản xác minh sau khi Kiều đã chết

Đáng chú ý là lời khai ngày 28/5/2012 của nhân chứng Nguyễn Hồ Chu Toàn được chủ tọa phiên tòa công bố có nội dung chỉ đạo làm lại một số giấy tờ sau khi Kiều đã chết. 

Theo lời khai của Toàn, sau khi Kiều chết, lúc 21h30 ngày 13/5/2012 Toàn về đội. Tại đây, bị cáo Lê Đức Hoàn nói Nguyễn Tấn Quang và Toàn lên Công an xã Hòa Đồng cố gắng làm lại giấy triệu tập và biên bản xác minh Kiều vắng mặt tại địa phương.

Toàn và Quang đi xe máy lên Công an xã Hòa Đồng gặp ông Thắng - Trưởng công an xã. Quang nhờ ông Thắng ký giùm vào biên bản xác minh và giấy triệu tập Ngô Thanh Kiều vào ngày 12/5/2012 nhưng Kiều không có mặt ở nhà.

Sau khi ông Thắng ký, Quang cất giữ giấy này, còn Toàn lập biên bản xác minh ngày 12/5/2012 Kiều không có mặt ở nhà rồi cũng đưa cho ông Thắng ký tên đóng dấu, đem về Công an TP Tuy Hòa.

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150410/nhieu-nhan-chung-cong-an-nhan-bat-giu-nguoi-sai-luat/732185.html

Theo Duy Thanh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm