Quá trình ôn thi môn Lịch sử sẽ thuận lợi nếu học sinh có phương pháp phù hợp. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo thầy Nguyễn Việt Trung, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Edison (tỉnh Hưng Yên), thực chất việc học và ôn luyện môn Lịch sử không khó. Điều học sinh cần làm là thay đổi góc nhìn và tìm phương pháp học tập phù hợp. Khi đó, quá trình học và làm bài thi môn Lịch sử sẽ trở nên "dễ thở" hơn rất nhiều.
Ôn thi khoa học, tránh ôm đồm
Về việc ôn tập môn Lịch sử, thầy Trung đề xuất một số phương pháp để học sinh lựa chọn cách học phù hợp nhất với bản thân, cụ thể như sau.
Phương pháp thứ nhất là học bản chất. Theo thầy Trung, với môn Lịch sử, học theo bản chất rất quan trọng vì mỗi giai đoạn lịch sử đều có bản chất riêng và được hình thành bởi một chuỗi các sự kiện. Việc tìm hiểu và ghi nhớ bản chất sẽ giúp học sinh có được cái nhìn tổng quan về vấn đề.
Đặc biệt, từ việc ghi nhớ bản chất vấn đề, học sinh có thể suy ra ý nghĩa của từng sự kiện quan trọng. Thầy Trung lưu ý thêm học sinh không nên ôn Sử theo kiểu học vẹt, học thuộc máy móc vì cách học này khiến các bạn đau đầu, dễ quên, khó liên kết các vấn đề lịch sử với nhau.
Phương pháp thứ hai là học từ khóa. Việc tìm và ghi nhớ các từ khóa rất quan trọng vì cách này giúp học sinh giảm tải các nội dung cần nhớ, tìm ra vấn đề nhanh hơn, đồng thời hỗ trợ các bạn trong quá trình phân tích, trả lời các câu hỏi.
Mỗi vấn đề, sự kiện lịch sử đều có những từ khóa riêng, bao hàm một nội dung kiến thức lớn. Khi học theo cách này, học sinh nên học hỏi thêm kinh nghiệm từ thầy cô, bạn bè để có cách chắt lọc từ khóa chính xác, hiệu quả.
Thiết kế sơ đồ tư duy là cách để ôn tập môn Lịch sử thuận lợi, khoa học hơn. Ảnh: Pexels. |
Phương pháp thứ ba là tự thiết kế sơ đồ tư duy. Học sinh có thể tìm thấy sơ đồ tư duy có sẵn trên mạng, nhưng việc tự tạo sản phẩm sẽ giúp các bạn hệ thống hóa kiến thức và ghi nhớ lâu hơn.
Ngoài ra, việc sơ đồ hóa các kiến thức cũng giúp học sinh có tư duy hệ thống về những nội dung đã học. Điều này mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho học sinh khi phân tích, trả lời các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu.
Phương pháp thứ tư là học từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Học sinh không nên chỉ học trong sách vở mà cần học thêm từ nhiều nguồn chính thống như thời sự, báo chí. Thầy Trung nhận định đây là những kênh thông tin sinh động, mang lại cách nhìn trực quan về các vấn đề lịch sử cho học sinh.
Những năm gần đây, đề thi Lịch sử đa phần đều hướng đến tính mở, tính vận dụng vào đời sống thực tiễn nên việc học từ đa dạng nguồn tư liệu sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc bổ sung kiến thức xã hội. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý là chỉ tìm đến nguồn tư liệu chính thống, tránh tiếp cận những thông tin mang tính xuyên tạc, bóp méo lịch sử.
Phương pháp thứ năm là lập niên biểu cho quá trình ôn tập. Cụ thể, học sinh không nên ôn theo kiểu đại khái mà hãy lập niên biểu nhất định cho từng nội dung.
Hiện nay, cấu trúc bài thi môn Lịch sử phân chia theo từng cấp độ rõ ràng. Khi lập niên biểu, việc học sẽ khoa học, nhẹ nhàng hơn.
Phương pháp thứ sáu là kết hợp. Thầy Trung đề xuất học sinh có thể thử kết hợp 5 phương pháp học tập nói trên để giúp bản thân có sự đa dạng trong việc tìm hiểu và ôn luyện. Ngoài ra, cách này cũng giúp các bạn không bị nhàm chán và cảm thấy việc học không bị lặp đi lặp lại.
Trong những ngày ngay trước kỳ thi, thầy Trung lưu ý một số điểm để tránh mất điểm oan khi làm bài. Ảnh: V.N. |
Đừng đọc câu hỏi quá nhiều lần
Thầy Nguyễn Việt Trung nêu rằng bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử gồm 40 câu hỏi, thời gian làm bài là 50 phút. Trong đó, 30 câu đầu thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, 10 câu cuối mang tính vận dụng và vận dụng cao.
Do đó, khi đi thi, học sinh nên mang theo đồng hồ để tự căn chỉnh thời gian. Với 30 câu đầu, các bạn nên cố gắng hoàn thành trong khoảng 20-25 phút. 10 câu còn lại sẽ hoàn thành trong 10-15 phút tiếp theo và 5 phút cuối giờ để rà soát các đáp án.
Khi làm bài thi, học sinh không nên đọc đi đọc lại câu hỏi quá nhiều lần mà chỉ nên đọc khoảng 3 lần, kết hợp với việc gạch chân các từ khóa quan trọng liên quan thời gian, nhân vật, sự kiện và các từ khóa dễ gây nhầm lẫn như "không đúng", "không phải"...
Với những câu hỏi đánh đố dạng phủ định "không", học sinh có thể dùng phương pháp loại trừ để tìm ra câu trả lời chính xác. Một lưu ý khác là các bạn không nên chọn đáp án dựa trên độ dài, ngắn của từng câu trả lời.
"Nhiều bạn có thói quen chép đáp án ra nháp, sau đó mới viết lại vào bài làm, cuối cùng thêm một bước kiểm tra lại đáp án. Áp lực thời gian, áp lực thi cử dễ khiến các bạn ghi sai đáp án, nghĩ một đằng khoanh một nẻo", thầy Trung nhấn mạnh.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.