Ngày 17/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Tại buổi cuối thẩm vấn các bị hại, chủ toạ Trần Minh Châu liên tục nhắc nhở các bị hại kiểm tra số tiền và địa chỉ đã trình bày vì có rất nhiều bị hại cung cấp thông tin không khớp với hồ sơ vụ án.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước khi kết thúc phần xét hỏi các bị hại, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Huy Phúc (cựu Giám đốc Công ty CP địa ốc Chiến binh thép - Công ty con của Alibaba) đặt câu hỏi đối với Nguyễn Thái Luyện: "Trong 58 dự án của Alibaba đã có dự án nào công ty hoàn thành thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở chưa?"
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Luyện khẳng định có nhiều thửa đất đã được tách theo đúng như sơ đồ phân lô và đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất 100% là đất thổ cư.
"Bị cáo vừa mới cho biết có một số dự án đã hoàn thành chuyển đổi mục đích sang đất ở. Vậy trong những dự án đó khách hàng mua thì Alibaba đã làm thủ tục tách sổ cho khách hàng hay chưa?", luật sư hỏi.
Nguyễn Thái Luyện cho rằng đất đai là tài sản toàn dân, do Nhà nước quản lý và thống nhất quản lý. Các cá nhân, doanh nghiệp hay tự bản thân bị cáo không thể tách sổ.
"652 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cơ quan điều tra đang thu giữ của Alibaba chính là bằng chứng cho thấy công ty đã tách thửa theo đúng quy định. Tức là căn cứ vào Luật Đất đai và các quy định tách thửa để tách, còn nếu cá nhân tôi tự tách thì không tách được", Luyện trình bày.
Giải thích về việc có những dự án một phần đã được tách thửa, chuyển đổi sang đất thổ cư, Nguyễn Thái Luyện cho biết các công ty của Alibaba thực hiện lập dự án theo từng bước.
Theo Nguyễn Thái Luyện, khi mua đất, bị cáo căn cứ đất này có thuộc quy hoạch đất ở hay không, rồi gom các thửa đất này lại để tách thửa theo quy định đất nông nghiệp. Sau khi tách đất nông nghiệp xong, vị trí nào hiến đường, bị cáo làm thủ tục hiến đường theo Nghị định 43. Sau đó, những lô đất tiếp giáp với đường bị cáo sẽ lên thổ cư theo đúng quy hoạch đất rồi tách thành các lô nhỏ hơn.
Ngoài ra, Luyện cũng cho biết trong khoảng gần 3 tháng cuối năm 2017, bị cáo đã làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để cung cấp các tài liệu liên quan đến việc chứng minh có đất thật hay không.
Tại tòa hôm nay, Nguyễn Thái Luyện cũng cho biết những tài sản hiện có của Alibaba đủ để trả tiền cho khách hàng như đã cam kết. Bị cáo mong khách hàng bình tĩnh chờ tòa xem xét, nếu đầy đủ hồ sơ giấy tờ thì sẽ được nhận lại toàn bộ tiền...
"Quý vị cứ đối chiếu hồ sơ để giữ quyền lợi cho mình theo đúng giao dịch dân sự công ty đã cam kết. Alibaba sẽ trả toàn bộ số tiền gốc và lãi theo hợp đồng cho các bị hại. Ngoài ra, công ty sẽ khắc phục số tiền mà khách hàng phải bỏ ra để đóng lãi ngân hàng trong thời gian qua", Luyện nói.
VKS dự kiến luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo vào sáng 19/12.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo cáo trạng, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp, quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng thủ đoạn trên, Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỷ đồng bị chiếm đoạt.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.