Gần đây, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc trước thực trạng thị trường âm nhạc Việt Nam. “Âm nhạc Việt bắt đầu xuất hiện những bài hát được ra đời chỉ để chửi nhau, diss nhau, đánh mất vẻ đẹp nghệ thuật và ý nghĩa thơ mộng mà một bài hát nên có. Càng ngày càng giống cái chợ bán đồ ăn rồi bán thú”, nhạc sĩ Viết.
Chia sẻ với Zing, nhạc sĩ cho biết Vpop năm nào cũng tồn tại hạn chế. Tuy nhiên vấn đề ca từ, tiêu đề phản cảm, vô nghĩa ngày càng biến tướng.
"Đừng biến âm nhạc thành vũ khí lăng nhục, thóa mạ"
- Anh nhận định thế nào về thị trường âm nhạc 2020. Đâu là ưu điểm và hạn chế?
- Thị trường âm nhạc Việt luôn phát triển qua từng năm. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Vpop có bước tiến mạnh mẽ bởi nghệ sĩ trẻ rất năng động và chủ động trong việc tiếp cận với xu hướng âm nhạc thế giới. Hành động đó đáng khen bởi góp phần đổi mới nhạc Việt.
Năm 2020, thành công của 2 chương trình rap giúp thể loại này trở thành trào lưu, được sự yêu mến của công chúng, đồng thời thay đổi quan điểm của khán giả về dòng nhạc vốn được xem là chỉ thuộc về giới underground.
Tuy nhiên, sự phát triển luôn có 2 mặt. Bên cạnh những tác giả, nghệ sĩ luôn có tâm với nghề, tạo ra sản phẩm có giá trị nghệ thuật, giải trí cao, Vpop cũng xuất hiện bài hát khác phông văn hóa Việt Nam. Nhiều bạn không hiểu rõ vấn đề nhạy cảm trong ca từ.
- Vì thế, anh nhận xét Vpop hiện giờ như cái chợ?
- Đây không phải lần đầu tiên tôi nói vấn đề này. Năm nào Vpop cũng tồn tại những hạn chế, nhưng tôi cảm thấy dường như ngày càng biến tướng. Do sự dễ dãi của khán giả trẻ.
Bài hát về bất cứ chủ đề, nội dung nào, có thể vui tươi, hạnh phúc hay đau đớn, buồn khổ, trách móc, bất mãn… nhưng đều phải được chăm chút từng ý tứ, câu từ chứ không đơn thuần như trò chơi ngữ nghĩa gán ghép những câu nói đời thường thô tục vào một giai điệu khiên cưỡng nào đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trăn trở về vấn đề tiêu đề, ca từ bài hát. Ảnh: NVCC. |
Một bài hát có thể hay hoặc chưa hay, có thể dở hoặc không hợp thời, có thể mang tính thị trường hay chất học thuật, nhưng tuyệt đối không được vô sỉ. Đó là đứa con tinh thần của mỗi nhạc sĩ, là đại diện cho tâm hồn và phông văn hóa của người nhạc sĩ đó. Mà đã mang danh nhạc sĩ có nghĩa là "người làm ra những tác phẩm đẹp về âm nhạc".
Đừng ngụy biện "những ca từ đó đâu có ẩn ý gì, do mọi người suy nghĩ sâu xa quá". Tự bản thân mỗi người sáng tác và người hát nếu từng được đi học, được giáo dục đều có khả năng đọc, hiểu những ẩn ý sâu xa của tiếng Việt.
Âm nhạc là phương tiện để truyền tải và lan tỏa cảm xúc yêu thương tích cực cho nhau, cho khán giả, cộng đồng, chứ đừng biến nó thành vũ khí để hai người thóa mạ lăng nhục nhau rồi đội lốt "sản phẩm âm nhạc". Đó không phải là công năng của bài hát. Đừng xúc phạm nghề nghiệp của mình.
- Chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều khán giả cho rằng anh đang nói đến những bản rap diss vốn được xem là “văn hóa” của giới underground. Thực hư thế nào?
- Nhiều người nghĩ tôi nói tới văn hóa rap diss của hip hop nhưng không phải. Tôi là nhạc sĩ chuyên viết pop, ballad nên những gì tôi viết trên trang cá nhân là trăn trở riêng về dòng nhạc này. Tôi cũng biết hip hop có văn hóa riêng như vậy và tôi tôn trọng đặc thù riêng của mỗi dòng nhạc.
- Rapper RichChoi cũng chia sẻ bài viết và khẳng định quan điểm của anh là vô lý. Suy nghĩ của anh thế nào?
- Tôi biết có những bạn rapper chia sẻ bình luận đó. Tôi cũng đọc bài viết của RichChoi nhưng đó là quan điểm của cá nhân bạn ấy. Mỗi người có quan điểm khác nhau và tôi tôn trọng chứ không cần phải phản hồi gì thêm. Vô lý hay không thì đến một lúc nào đó, mọi người cũng có thể nhận ra.
Theo nhạc sĩ, bài hát có ca từ phản cảm ảnh hưởng không tốt tới khán giả trẻ. Ảnh: NVCC. |
"Âm nhạc phải đẹp trong giai điệu, ca từ"
- Nhạc đại chúng không nên có nhạc diss vậy có lẽ rapper cũng nên từ bỏ rap diss. Đối tượng của rap chung quy cũng là khán giả trẻ?
- Rất nhiều khán giả cho rằng tôi nói đến các bản rap diss và họ tranh luận về chuyện đó. Có những khán giả dùng ngôn từ văn minh nhưng ngược lại nhiều người bình luận thô tục, chửi bới, lăng mạ. Tôi hiểu văn hóa của hip hop thế nào và tôi không bàn tới chuyện đó.
Tôi muốn nhắm tới ở đây là những bài hát muốn đưa văn hóa rap diss vào nhưng vẫn gán mác sản phẩm nghệ thuật. Đó là điều không nên. Là một người làm nghề lâu năm, tôi cũng chỉ muốn nhắn nhủ nghệ sĩ trẻ. Đó là quan điểm của riêng tôi về nghệ thuật nên các bạn có quyền nghe hoặc không.
Tôi chỉ cần biết tôi làm nghề là vì điều gì. Nhiều bạn nói nhạc diss cũng theo nhu cầu khán giả. Nhưng làm nghệ sĩ mà lúc nào cũng chiều theo nhu cầu khán giả thì mình thua rồi. Nghệ sĩ là người định hướng khán giả. Nghệ sĩ không định hướng khán giả theo cái đẹp, tiêu chuẩn nghệ thuật thì là thợ nhạc thôi.
- Những bài nhạc diss, ca từ nhảm nhí ảnh hưởng thế nào tới thị trường âm nhạc nói chung?
- Chúng không ảnh hưởng gì tới âm nhạc Việt bởi thị trường tự có sự đào thải. Qua một thời gian, khán giả không nghe và tẩy chay những ca khúc như thế. Nhưng những ca khúc đó ảnh hưởng tới lớp trẻ và thiếu nhi. Đó là đối tượng khán giả tiếp cận mạng xã hội rất dễ dàng. Nếu các em thấy nghệ sĩ hát như vậy sẽ mặc nhiên đó là văn hóa Việt Nam và phát triển theo hướng đó.
Nghệ sĩ là người có ảnh hưởng tới công chúng nên họ không giữ gìn văn hóa thì ai sẽ là người định hướng cho khán giả trẻ.
Nhạc sĩ nhắn nhủ nghệ sĩ trẻ giữ gìn vẻ đẹp của âm nhạc. Ảnh: NVCC. |
- Bên cạnh vấn đề ca từ, tiêu đề, việc những hot girl, người mẫu lấn sân ca hát nhưng giọng hát quá kém cũng đang là vấn đề gây tranh cãi của Vpop. Theo anh, có phải cứ cầm micro thì sẽ là ca sĩ?
- Ai cũng có quyền đam mê ca hát. Giọng hát kém thì trau dồi thêm. Nhiều bạn người mẫu trước đây giọng hát chưa hay nhưng biết tập luyện hoặc dùng những lợi thế khác để bù đắp, chẳng hạn bài hát hay, hình ảnh đẹp lâu dần cũng nhận được sự yêu mến của khán giả hơn.
- Để bảo vệ ý nghĩa của âm nhạc, anh đặt ra cho mình những nguyên tắc nào trong việc sáng tác?
- Với tôi, âm nhạc phải đẹp trong giai điệu, ca từ. Đẹp cả hình thức lẫn nội dung và tiêu đề bài hát. Mỗi bài hát có giá trị lưu giữ và lan tỏa cảm xúc từ bản thân tới thế giới quan xung quanh. Âm nhạc cũng định hướng, gieo trồng cảm xúc tích cực tới khán giả.
Ví dụ khi nghe bài nhạc hay về đất nước bạn sẽ yêu đất nước chúng ta hơn. Chẳng hạn nghe Quốc ca lúc nào chúng ta cũng có cảm giác tự hào. Tương tự khi nghe bài hát hay về mẹ, khán giả có thể yêu mẹ mình hơn. Đó là ý nghĩa âm nhạc mang lại.
Ngoài ra, có những bài hát giải trí mang lại sự vui vẻ, yêu đời hơn. Nhưng chỉ những bài hát có ca từ tích cực mới mang lại giá trị như vậy cho người nghe.
- Có cách nào để giải quyết những hạn chế nói trên hay không?
- Tôi không có cách nào để giải quyết triệt để mà chỉ có thể nói ra để phần nào thức tỉnh nghệ sĩ trẻ đang bị hoang mang trong việc tìm kiếm ý tưởng sáng tác.
Tôi viết status không phải để phê phán hay châm biếm, mà chỉ muốn nhắn nhủ rằng: chúng ta đến với âm nhạc là vì điều gì? Để thỏa mãn đam mê ca hát. Để được biểu diễn phục vụ khán giả, để nổi tiếng và kiếm nhiều tiền hay để trả thù?.
- Giữa những ồn ào tranh cãi, theo anh có nghệ sĩ nào đang góp phần giúp bộ mặt nhạc Việt phát triển tích cực hơn?
- Nhạc Việt hiện tại có nhiều bạn nghệ sĩ trẻ tài năng. Mỗi bạn đều có đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhạc Việt. Khi nhìn vào các bảng xếp hạng âm nhạc và những nhân tố đứng top đầu, tôi thấy họ xứng đáng. Tôi nghĩ không cần liệt kê cái tên cụ thể bởi chỉ cần nhìn vào các bảng xếp hạng âm nhạc là có thể thấy sự đánh giá của khán giả đúng tới 80%.
- Anh hãy dự đoán về thị trường âm nhạc Việt Nam năm 2021?
- Thường thì chúng ta không dự đoán được âm nhạc mỗi năm như thế nào bởi còn tùy vào tình hình thực tế trong nước lẫn thế giới. Như 2020, không ai ngờ rap lên ngôi. Riêng cá nhân tôi năm nay muốn phát hành bộ sách 300 bài hát thiếu nhi và sáng tác thêm những ca khúc nhạc trẻ.