Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà báo 9X gốc Việt tại thượng đỉnh Mỹ - Triều

18 tuổi, Johannes Tam Tran đăng ký sang Việt Nam làm tình nguyện viên. 5 năm sau, điều đó giúp anh trở thành phóng viên ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Xuất hiện tại cửa tiệm cắt tóc miễn phí kiểu Kim - Trump trên phố Đê La Thành, chàng phóng viên trẻ ngoại quốc khiến ông chủ ngạc nhiên.

- Tôi là phóng viên của Đài SWR ở Đức, tôi có thể phỏng vấn anh một chút được không? - Johannes Tam nói.

- Ồ, tất nhiên, anh có thể nói được tiếng Việt sao? - anh Tuấn Dương, chủ tiệm, thoáng chút bỡ ngỡ.

- Tôi có biết một chút - Johanes Tam cười đáp lại và bắt đầu thu thập thông tin cho bài viết về tiệm tóc đặc biệt.

Sử dụng khá thành thạo tiếng Việt, giao tiếp tự nhiên và thân thiện - đó cũng là cách mà Johannes Tam Tran gây ấn tượng đối với các đồng nghiệp tại Trung tâm báo chí quốc tế của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội.

Phóng viên 9X người Đức chia sẻ thời gian làm tình nguyện ở Việt Nam Sang Việt Nam tình nguyện năm 18 tuổi, năm 2019, Johanes Tam Tran có dịp trở lại tác nghiệp dịp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trà đá 'chém gió' để học tiếng Việt

Có bố là người Việt nhưng từ bé Johannes Tâm chưa hề được học tiếng Việt cũng như về quê cha. Bố anh là người Việt, di cư sang Đức từ bé trước khi lấy vợ người bản xứ. Trong gia đình không dùng tiếng Việt, Johannes và em trai cũng không biết nhiều về văn hóa Việt Nam.

Năm 2014, khi vừa tròn 18 tuổi và học hết phổ thông, Johannes đăng ký sang Việt Nam làm tình nguyện cho một tổ chức phi chính phủ của Đức trong khoảng 1 năm. Các tình nguyện viên được cử về Bắc Giang dạy tiếng Anh và giúp đỡ người dân. Họ đồng thời gắn bó với người Việt trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

"Đây là khoảng thời gian tuổi trẻ tuyệt vời. Tôi được sống cùng, học văn hóa, ngôn ngữ của người Việt", anh kể.

phong vien nguoi duc co 2 dong mau Duc - Viet anh 1
Johannes Tam Tran, phóng viên của hãng tin SWR tại Trung tâm báo chí quốc tế tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ở Bắc Giang, rất ít người biết tiếng Anh nên Johannes phải học tiếng Việt để giao tiếp. Vì thế, anh cũng "ngồi trà đá, chém gió" để học tiếng. "Một năm ở đây tôi được ăn Tết, được ăn nhiều món Việt Nam, đi chơi đây đó”, Jahannes Tam nhớ lại.

Sự khác biệt của văn hóa Đức - Việt khiến Johannes Tam thích thú, đặc biệt là ẩm thực, sinh hoạt vỉa hè... cái mà ở Đức không có. Johannes Tam còn thành thạo chuyện đi xe máy ở Việt Nam, dùng đũa, và biết nhiều ngữ điệu tiếng Việt.

 “Khi về lại Đức tôi rất nhớ Việt Nam. Tôi luôn muốn về Việt Nam”, Johannes Tam chia sẻ.

Háo hức trở lại Việt Nam tác nghiệp ở thượng đỉnh Mỹ - Triều

Sau một năm tình nguyện, Johannes Tam trở về Đức học ngành báo chí và sau đó trở thành phóng viên của đài SWR, nơi có cả kênh truyền hình và phát thanh. Công việc chính của anh là làm nội dung phát thanh và quay các video ngắn cho kênh để đăng trên các trang mạng xã hội.

Sau đó, Johannes được cử sang Singapore thường trú dài ngày. Với lợi thế biết tiếng Việt và làm việc tại Đông Nam Á, phóng viên 9X được SWR cử tới Việt Nam để đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.

“Tôi được sang Việt Nam cũng một phần vì biết tiếng Việt. Tôi có thể giúp đỡ mọi người trong đoàn, cũng có thể phỏng vấn người dân khi tác nghiệp”, anh nói.

Đi ngủ lúc 12h đêm và dậy 4h sáng (giờ Hà Nội) là những thử thách mà Johannes không thể nào quên khi tác nghiệp ở thượng đỉnh Mỹ - Triều. Do Đức và Việt Nam lệch múi giờ, bản tin buổi tối được phát sóng khi ở Việt Nam đã vào đêm, Johannes Tam và đồng nghiệp phải dậy rất sớm để thực hiện.

Công việc của anh thường là tác nghiệp buổi sáng, chiều về trung tâm báo chí dựng bài và làm thông tin. Đến khuya, anh ngủ một chút và dậy thật sớm để làm cho bản tin ở Đức. Sau đó lại ngủ và dậy bắt đầu ngày tác nghiệp. 

Cái khó thứ hai mà Johannes Tam chia sẻ lại là tiếng Việt. Dù anh có lợi thế về tiếng nhưng trong báo chí luôn cần chính xác mọi thông tin, cũng có những từ ngữ chuyên ngành khó mà anh không hiểu hết. Do đó anh phải nhờ người dịch lại một cách chuẩn xác.

Tuy khó khăn nhưng phóng viên 9X người Đức cho biết hài lòng về công việc khi được tác nghiệp ở một sự kiện lớn.

“Tôi có thể đi và làm nhà báo như thế. Tôi đã mong muốn như vậy rất lâu rồi”, Johannes Tam cố gắng diễn tả cảm xúc của mình bằng tiếng Việt.

Sẽ trở lại Việt Nam và vừa học vừa đi làm

Kết thúc hội nghị, Johannes Tam đánh giá công tác tổ chức sự kiện của Việt Nam rất tốt. Các nhà báo có thể làm việc thoải mái tại trung tâm báo chí với điều kiện vật chất, hậu cần đảm bảo.

“Tôi cảm thấy tự hào”, phóng viên 9X mang trong mình dòng máu Việt bày tỏ.

phong vien nguoi duc co 2 dong mau Duc - Viet anh 4
Johannes Tam Tran chia sẻ sẽ trở lại Việt Nam hàng năm để đi du lịch và làm việc. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đánh giá về các đồng nghiệp ở Việt Nam, Johannes cười và dành nhiều lời khen. Phóng viên Việt Nam trẻ hơn ở phương Tây, nhiều người rất thân thiện. Anh kể đã được sự giúp đỡ của một phóng viên Việt Nam khi phiên dịch lại một đoạn phỏng vấn mà anh không hiểu hết.

“Tôi sẽ quay lại Việt Nam mỗi năm một lần để du lịch và đi làm”, Johannes Tam nói và cho biết tháng 4 tới sẽ cùng em trai quay trở lại Việt Nam, thăm lại họ hàng của mình ở TP.HCM sau đó ra Hà Nội thuê nhà, thuê xe máy để sống ở đây một thời gian ngắn để vừa đi làm, vừa đi du lịch.

"Tôi muốn đến các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và viết về chúng. Tôi đã có nền tảng về văn hóa Việt Nam rồi nên đó sẽ là lợi thế", Johannes chia sẻ về dự định của mình.

Phóng viên Hàn, Mỹ dậy từ 5h tác nghiệp 'trên trời' Hà Nội thế nào?

Lạ lẫm với thức ăn, thời tiết hay giao thông là các trải nghiệm khó quên trong chuyến tác nghiệp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều của nhiều phóng viên nước ngoài ở Hà Nội.

Hiếu Công

Video: Duy Anh

Bạn có thể quan tâm