Lấy cảm hứng từ bộ phim khoa học viễn tưởng “Avatar: The Way of Water”, ông James Borton - chuyên gia cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - đã xây dựng bộ phim tài liệu “Bảo tồn Đại dương, Sống bền vững và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ở Việt Nam” để ghi lại những hình ảnh và câu chuyện của người dân trên hòn đảo này.
Theo chia sẻ của ông Borton, trước khi triển khai nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, Cù Lao Chàm là một địa điểm "không mấy hấp dẫn".
Ông James Borton - nhà báo và chuyên gia cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Ảnh: Hải Linh. |
Tuy nhiên, với nỗ lực vận động của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và là giảng viên tại Đại học Đà Nẵng - cư dân địa phương đã trở thành những người “quản gia canh gác đại dương". Song ông Borton cho rằng truyền thống đánh bắt cá trên hòn đảo có thể sắp "lụi tàn".
Cù Lao Chàm là một cụm đảo gồm 8 hòn đảo nhỏ nằm cách bờ biển Cửa Đại 16 km, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trong hơn một tuần, ông Borton đã cùng hai nhà làm phim từ Chicago (Mỹ) - vợ chồng Dave Monk và Kathy Monk - trò chuyện và tìm hiểu cuộc sống của những người dân trên đảo. Cả hai có 36 năm kinh nghiệm làm phim ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực môi trường.
Ông Borton đã có dịp trò chuyện với Zing và chia sẻ về dự án này sau khi trở về Hà Nội. Trong đó, ông nhấn mạnh lời nhắn muốn gửi tới khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, về sự "tôn trọng biển cả".
"Một hình ảnh đáng giá cả nghìn từ"
- Lần đầu tiên đặt chân đến Cù Lao Chàm, ông có ấn tượng như thế nào về khung cảnh và con người nơi đây? Ông và đoàn phim đã thực hiện dự án trong bao lâu?
- Ngay khi bước xuống thuyền, tôi nhìn thấy những gương mặt tươi cười chào đón tất cả du khách, những người bán cá tươi hay sản phẩm từ núi rừng. Tôi cũng được thấy một bến cảng sạch sẽ và nguyên sơ, thậm chí có thể nhìn thấy đáy và những đàn cá. Khung cảnh yên bình, không có sự ô nhiễm.
Chúng tôi mất một tuần để hoàn thành bộ phim, nhưng tôi đã suy nghĩ và lên ý tưởng về nó trong nhiều năm. Tôi từng đến Cù Lao Chàm khoảng 3 lần trước đây.
Tôi đã hợp tác cùng hai nhà làm phim từ Chicago (Mỹ) - vợ chồng Dave Monk và Kathy Monk. Họ có 36 năm kinh nghiệm làm phim ở nhiều nơi trên khắp thế giới, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực môi trường. Sau khi nhận được đề nghị của tôi qua LinkedIn, chúng tôi gặp nhau ở Hội An và lên thuyền đến đảo một ngày sau đó.
Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ Văn phòng quản lý Khu bảo tồn biển Hội An - tổ chức hỗ trợ đưa các sinh viên quốc tế đến nghiên cứu. Đặc biệt, chúng tôi đã gặp tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Tôi đã sống cùng người dân địa phương trong các homestay, ăn cùng họ và được chào đón như một gia đình lớn. Nhiều du khách Việt Nam cũng ở lại đảo, không chỉ có du khách nước ngoài. Thức ăn rất ngon và rẻ với các loại cá như cá vược, cá mú tươi,...
Ông James Borton và hai nhà làm phim - Dave Monk và Kathy Monk - ấn tượng với khung cảnh bình yên ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Dave Monk/Kathy Monk. |
- Ông từng làm việc với tư cách một chuyên gia trong tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại John Hopskin, vậy điều gì đã khiến ông trở thành một nhà làm phim và cây bút viết về các vấn đề môi trường?
- Tôi nhận ra rằng nhiều người trẻ, đặc biệt là ở phương Tây, không còn thích đọc. Họ thường chỉ đọc trong khoảng hai phút. Vì vậy, cách tốt nhất để truyền tải một thông điệp là thông qua phim ảnh.
Một hình ảnh có thể đáng giá cả nghìn từ. Do đó, một bộ phim sẽ truyền tải toàn bộ vẻ đẹp năng động của hòn đảo. Tôi vẫn là một nhà báo, nhưng phim ảnh là một phương tiện rất mạnh mẽ và tôi luôn yêu thích điện ảnh. Đó là lý do chính khiến tôi muốn tiếp cận nhiều người hơn, bộ phim này không phải dành cho tôi mà là (những người trẻ).
- Trong bài giới thiệu, ông chia sẻ bộ phim tài liệu sẽ nói về thành công của khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, vậy khán giả có thể mong đợi những hình ảnh và câu chuyện như thế nào?
- Hẳn là những câu chuyện đẹp? Tôi nghĩ (hình ảnh) đáng chú ý nhất là khi chúng tôi đi trên một chiếc thuyền cùng với một thợ lặn trẻ người Việt và trợ lý của cô ấy. Họ đến từ khu bảo tồn biển. Ngay khi xuống nước, họ nói rằng đó là một ngày hoàn hảo vì nước rất trong, họ nhìn thấy cá vẹt và rặng san hô rất khỏe mạnh.
Trải nghiệm dưới nước phản ánh nhu cầu bảo tồn và tính bền vững. Tiến sĩ Trinh nói với tôi khi ông ấy mới đến đảo, nhiều người vẫn vứt rác trên bến cảng. Trước khi triển khai nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, (hòn đảo này) là một nơi không mấy hấp dẫn.
Tiến sĩ đã hướng dẫn họ. Giờ đây, người dân địa phương như một người “quản gia” trông coi đại dương và tổ chức các hoạt động tái chế. Vì vậy, sự thay đổi của hòn đảo là nhờ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tiến sĩ Trinh đã vận động quanh đảo, và người dân gọi ông là “thầy”.
- Sau khi gặp và trò chuyện với tiến sĩ Trinh, ông cảm nhận thế nào về niềm đam mê của tiến sĩ với môi trường cũng như mối quan hệ với người dân địa phương?
- Tiến sĩ Trinh là một người thầy có khả năng thuyết phục, tỏa sáng với tính cách và niềm đam mê của mình. Ông cũng là một người rất biết lắng nghe cộng đồng. Đó là một phần lý do dẫn đến sự thành công của hòn đảo.
Người dân địa phương sẽ có những cuộc họp chung hàng tuần. Tuần vừa qua, tôi đã tham dự một cuộc họp và lắng nghe những người dân trên đảo thảo luận về bảo tồn biển, (rác thải) nhựa,... Họ luôn có những cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo và ban quản lý khu bảo tồn.
Tôi nghĩ đó là một hình thức hành động tốt. Mọi ý kiến được đóng từ dưới lên, không phải từ trên xuống. Người dân có tiếng nói và tiến sĩ Trinh có trách nhiệm giúp người dân lên tiếng. Đó là lý do ông ấy thành công. Ông ấy không thể đến và ép buộc họ làm gì vì hòn đảo vốn là của họ.
Người dân ở Cù Lao Chàm gắn kết với nhau trong hoạt động bảo tồn. Ảnh: Dave Monk/Kathy Monk. |
Gắn kết hơn cạnh tranh
- Ông có gặp khó khăn nào trong quá trình quay phim không? Người dân địa phương có e ngại khi chia sẻ trước camera?
- Chúng tôi không gặp khó khăn. Chính quyền địa phương rất hoan nghênh, và thậm chí chúng tôi được phép sử dụng (drone trong quá trình quay phim). Vì vậy, chúng tôi có những cảnh quay đẹp nhìn xuống hòn đảo. Trên thực tế, việc chúng tôi được cấp phép quay trong vòng chưa đầy 10 ngày rất đáng chú ý.
Điều bất ngờ là người dân địa phương cũng không e ngại khi chia sẻ trước camera. Vì chúng tôi có sự trợ giúp từ một người con của hòn đảo. Cô ấy tên Huyền Cao, 30 tuổi, và thường được gọi với biệt danh là “Chip”. Huyền lớn lên tại Cù Lao Chàm và trở lại làm việc ở khu bảo tồn sau khi lấy bằng thạc sĩ khoa học ở Australia.
Cô ấy là người phiên dịch và quen mọi người dân trên đảo. Cha của cô từng là người đứng đầu hòn đảo trước khi qua đời. Đó là lý do mọi người không ngần ngại nhìn vào máy ảnh và trò chuyện cởi mở.
- Người dân địa phương hợp tác và gắn kết với nhau như thế nào trong việc bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là đánh bắt cá bền vững?
- Trước hết, Cù Lao Chàm gần như không có tình trạng đánh bắt quá mức. Người dân sẽ tiêu thụ những gì họ đánh bắt được và bán cho một số du khách tại các khu chợ. Họ đánh bắt cá chỉ để tiêu thụ nên không có tình trạng khai thác quá mức.
Bên cạnh đó, nếu một ngư dân có ngày đánh cá tồi tệ và người hàng xóm may mắn hơn, họ sẽ chia sẻ cho nhau. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa tập thể và sự hợp tác, thay vì cạnh tranh.
Vì vậy, đối với tôi và nhiều người Mỹ - nơi có quá nhiều sự cạnh tranh và căng thẳng, hòn đảo mang lại cảm giác gắn kết giữa các gia đình. Họ chia sẻ tài nguyên và thực phẩm. Đó là lý do tôi muốn trở lại nơi này.
- Những người trẻ trên đảo suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của họ với môi trường và truyền thống đánh bắt trên đảo?
- Nhiều người trẻ đã rời khỏi hòn đảo sau khi có cơ hội học cao hơn. Khi rời đi, họ thường sẽ không nhìn lại. Nhưng cũng có những người như Huyền Cao, cô ấy đã quay lại hòn đảo vì có mẹ ở đó. (Cù Lao Chàm) là gia đình của cô ấy.
Và khi trò chuyện với những ngư dân trên đảo, tôi cũng nhận ra một điều là họ không muốn con trai hay con gái họ trở thành ngư dân vì công việc này quá vất vả. Do đó, không có ai nối nghiệp họ.
Tôi nghĩ ngành công nghiệp đánh cá có thể sắp lụi tàn. Cù Lao Chàm chỉ là một mô hình thu nhỏ. Nếu đến các cộng đồng ven biển và trò chuyện với những ngư dân lớn tuổi ở đây, họ sẽ nói “tôi không muốn con trai hay con gái mình” tiếp tục công việc này. Tôi nghĩ đây là một vấn đề đáng quan tâm.
Khung cảnh ở Cù Lao Chàm qua góc nhìn của nhà làm phim Dave Monk. Ảnh: Dave Monk/Kathy Monk. |
- Ông từng viết nhiều cuốn sách và bài báo về môi trường. Vậy việc nhìn nhận và chia sẻ qua lăng kính của một nhà báo có điểm gì khác so với một nhà làm phim?
- Tôi nghĩ rằng tôi đã học được rất nhiều, nhưng không phải về kỹ thuật dựng cảnh mà là sự tương tác giữa chủ thể và máy ảnh. Khi là một nhà báo, tôi thường ngồi và tập trung ghi chép (câu chuyện), nhưng khi làm phim tôi đứng phía sau máy quay.
Qua lăng kính này, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cả khung cảnh và nhân vật đang nói về chủ đề mà tôi quan tâm - môi trường. Trải nghiệm đó khiến tôi thêm yêu thích các tài liệu điện ảnh. Khi là một nhà báo, tôi cố gắng vẽ lại khung cảnh bằng ngôn từ, nhưng hình ảnh có tác động mạnh hơn nhiều. Do đó, bộ phim có sức ảnh hưởng lớn hơn so với bất cứ thứ gì tôi có thể viết.
- Ông từng chia sẻ phim tài liệu lần này được lấy cảm hứng từ bộ phim khoa học viễn tưởng “Avatar: The way of water”. Theo ông, giữa một bộ phim khoa học viễn tưởng và một bộ phim tài liệu, thể loại nào sẽ truyền tải tốt hơn thông điểm bảo vệ môi trường tới khán giả?
- Kể chuyện (storytelling) là một lĩnh vực phong phú. Và James Cameron (đạo diễn phim “Avatar: The way of water”) là một đạo diễn, nhà sản xuất tài năng. Ông ấy là một người kể chuyện có tài và cũng là một nhà hải dương học.
Bộ phim “Avatar: The way of water” kịch tính và mang tính mô phạm, thuyết giảng hơn một chút. Nhưng trong bộ phim tài liệu của chúng tôi, nhân vật là người thật - những người đang sống gần các rạn san hô và có mối liên hệ với đại dương. Vì vậy, họ không cần phải thuyết giảng.
Họ chỉ đơn giản là kể câu chuyện của chính mình và chỉ ra lý do. Đó là sự khác biệt. Ngoài ra, (Avatar) là một bộ phim Hollywood trị giá 400 triệu USD, còn chúng tôi sử dụng một khoản (phí) rất nhỏ, với những người thực sự nắm bắt câu chuyện của họ.
(Song) điều đó không làm giảm khả năng kể chuyện của đạo diễn Cameron. Chúng tôi có cùng mục đích giáo dục về mối liên hệ giữa con người và Trái Đất, chỉ là khác nhau về cách làm.
Sách về thế giới tự nhiên
Mục Thế giới giới thiệu những cuốn sách viết về cuộc sống tự nhiên giúp mỗi cá nhân mở rộng tầm nhìn và gợi cảm hứng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.